Ảo ảnh trong gương

1 0 0
                                    

Xem bài thi phải nhờ vả, phải tốn tiền. Khổng Mộng Khoa đã hỏi thăm, xem một bài thi tốn mười lượng bạc. Cậu không muốn động đến số bạc vụn của Nghiêm Tú, vậy nên phải tự mình kiếm cho đủ mười lượng. Viết câu đối, viết thư từ, viết cả năm cũng không gom được ngần ấy tiền. Cậu đành phải nhờ bạn đồng môn dò hỏi. Hỏi một vòng, mới có một vị sinh viên họ hàng xa của người ta đi mừng thọ, đang thiếu người vẽ tranh mừng thọ. Tiền công tuy hậu hĩnh, nhưng lại yêu cầu vẽ phải khéo, phải tinh xảo, vì thế nhất thời chưa tìm được hoạ sĩ. Khổng Mộng Khoa liền nhận lời. Người bạn đồng môn ngạc nhiên: "Bình thường có thấy huynh vẽ bao giờ đâu, không ngờ huynh còn có tài này?".

Thật ra Khổng Mộng Khoa không tinh thông hoạ nghệ, càng chưa từng vẽ tranh mừng thọ. Nhưng cậu luyện viết chữ đã lâu, tự nghĩ việc dùng bút không thành vấn đề. Cậu tìm một quyển hoạ phổ, tập vẽ theo hai ngày, cũng ra hình ra dạng, bèn đi gặp người họ hàng xa của bạn đồng môn. Đến phủ của người đó, Khổng Mộng Khoa chợt nhớ ra: cậu và vị họ hàng này cũng từng gặp mặt.

Vị họ hàng này họ Phùng, tự Hồng Viễn. Ông ta có một con trai út tên A Mạt, lanh lợi khôn ngoan, cùng thầy đồ dạy chữ với Khổng Mộng Khoa, tính ra còn là sư đệ của cậu. Lúc ấy Khổng Mộng Khoa còn có tiếng là thần đồng, đang lúc đắc ý. A Mạt mở tiệc sinh nhật, cũng mời cậu đến. Cho đến khi Khổng Mộng Khoa vào trường huyện, hai người mới dần xa cách.

Phùng Hồng Viễn giờ đã bốn năm mươi tuổi, mặt mày sầu khổ, tóc bạc trắng, nhưng vẫn nhận ra Khổng Mộng Khoa ngay. Khổng Mộng Khoa vui mừng: "Đã lâu không gặp Phùng bá phụ, sư đệ của cháu dạo này thế nào?".

Phùng Hồng Viễn lại nói: "A Mạt mất rồi."

Khổng Mộng Khoa giật mình, chỉ đành nói: "Xin chia buồn cùng bá phụ." Phùng Hồng Viễn thở dài, nói: "Đã mấy năm rồi, chết đuối."

Khổng Mộng Khoa không dám hỏi thêm. Phùng Hồng Viễn lắc đầu: "Không nhắc nữa. Nói về bức tranh mừng thọ này. Bức tranh này vẽ tặng cho một vị lão gia, cần phải vừa trang trọng vừa vui tươi. Người khác vẽ Bát Tiên dâng thọ, Ma Cô chúc thọ, đều có vẻ bộp chộp."

Khổng Mộng Khoa trải giấy ra, nói: "Vẽ cây tùng, chim hạc, tùng hạc diên niên, cũng rất cát lợi." Phùng Hồng Viễn nói: "E là cũng không thích hợp lắm, sợ phạm húy kỵ của vị lão gia đó."

Khổng Mộng Khoa chợt nhớ ra: "Phùng bá phụ muốn vẽ tặng cho tuần phủ Vương Tùng Hạc lão gia?".

Phùng Hồng Viễn nói: "Đúng vậy, thì ra cháu cũng biết ông ấy."

Khổng Mộng Khoa lúc còn là thần đồng quả thật từng gặp không ít quan lớn, vị tuần phủ này cũng là một trong số đó. Cậu nói: "Từng gặp qua một lần, không tính là quen biết. Việc này cũng dễ thôi. Xa xa vẽ mây mù, hồ nước, gần vẽ đào tiên, chính là 'Dao Trì Bàn Đào đồ'. Cành lá quả dùng bút pháp công bút tỉ mỉ, lông tơ đỏ trắng trên đào tiên đều vẽ rõ nét. Chỉ chừa mây nước để trắng, phía trên đề một bài thơ chúc thọ, cũng không đến nỗi đơn điệu." Phùng Hồng Viễn mừng rỡ: "Như vậy là tốt rồi, làm phiền cháu rồi." Ông ta ứng trước mười lượng bạc, lại để Khổng Mộng Khoa vẽ được thuận tay, còn chuẩn bị lụa vàng, màu vẽ bút mực, sai người đưa đến thư xá cho cậu.

Thu ThuyềnNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ