"Đừng buồn nghe em hỡi nước mắt đừng mãi rơi
Anh đã quay về với em như anh hứa ngày xưa
Cho dù ta cách xa cũng không thể phai nhòa
Vì tình yêu anh trao em khắc sâu đến muôn đời..."Hai năm đầu đại học của tôi cứ trôi qua êm đềm như vậy. Những hoạt động sôi nổi của thời sinh viên khiến cho cuộc sống và bước đường trưởng thành của tôi phong phú đa dạng hơn rất nhiều. Chỉ có chút phiền phức là mẹ tôi thấy tôi từng này tuổi đầu mà chưa yêu đương gì nên cũng hơi sốt ruột, thi thoảng cũng muốn gán ghép cho tôi một vài anh nhưng dưới sự kiên quyết phản đối của tôi, bà cũng đành chịu, dù sao thì tôi cũng vẫn còn trẻ, nên bà không vội.
Thời sinh viên thì không thể thiếu các cuộc giao lưu dưới đủ loại hình thức, giao lưu gặp gỡ lúc nào cũng tạo mở rất nhiều mối quan hệ, số lượng các chàng thanh niên muốn làm quen và tiến tới với tôi tuy không thể tính là nhiều giống như những cô nàng nóng bỏng khác, nhưng cũng không phải là không có. Điều này đôi khi cũng mang lại cho tôi một niềm hư vinh nho nhỏ, hóa ra tôi thực sự đã là một thiếu nữ, một cô gái để người ta yêu thương, chiều chuộng, không còn bị người khác nhìn như nhìn một đứa trẻ nữa. Chỉ có điều càng như vậy, nỗi nhớ anh trong tôi lại càng trở nên da diết và đau đớn hơn. Nhưng bạn đừng nghĩ rằng tôi tuyệt vọng, bởi vì tôi vẫn đang chờ anh, bởi vì tôi tin chắc rằng, anh sẽ quay trở lại. Hai năm rồi, thời hạn ba năm của anh chỉ còn lại một năm nữa thôi. Mà không đúng, cho dù sau ba năm thì đã sao? Tôi vẫn cứ chờ anh, bởi cho dù là năm năm hay mười năm, anh cũng đều có khả năng trở lại. Tôi tin anh, tin rằng anh sẽ không bỏ rơi tôi trên cõi đời này.
Lại nói về cô bạn miền Trung tên Hiên của tôi, cô Bí thư năng nổ nhất mà tôi từng thấy. Cuộc sống của tôi có phong phú thế nào cũng không thể muôn màu muôn vẻ được bằng cô ấy. Cô ấy là được coi là Nữ Hoàng Từ Thiện ở trường tôi. Chỉ cần trong tầm tay cô ấy có thể giúp sức, cô ấy sẽ không từ bỏ bất cứ một hoạt động nào, đúng như tinh thần của bài nhạc chuông điện thoại Dậy mà đi hai năm qua chưa từng thay đổi của cô ấy.
Năm thứ ba đại học đã không còn nhàn hạ như hai năm đầu, các môn học nhiều hơn, và cũng khó hơn, chúng tôi không còn học lý thuyết tiếng cơ bản chung chung như những năm đầu nữa, mà phải bắt tay vào học môn dịch, chuyên ngành chính của chúng tôi. Thế nên ngoài những hoạt động lớn không thể không tham gia, tôi không muốn hưởng ứng những phong trào vụn vặt nữa, dành thời gian cho việc học. Thành tựu lớn nhất mà tôi thu hoạch được sau những năm đầu thời sinh viên là bề dày của sáu cuốn sổ tay ghi chép của tôi. Tôi tin với những tư liệu và cảm hứng vụn vặt từ những khoảnh khắc trong cuộc sống ấy, tác phẩm đầu tay của tôi sẽ ra đời nhanh thôi. Đó là món quà tinh thần mà tôi muốn tặng cho anh vào ngày anh trở lại. Tôi sẽ dùng những con chữ để mang những nốt nhạc của cuộc đời này truyền tới trái tim anh, để tiếp thêm cho nó sức mạnh và sự bền bỉ, cùng tôi trải qua năm tháng đằng đẵng của cuộc đời.
Tuy nhiên, Hiên thì không lắng xuống giống như tôi, cô ấy vẫn tham gia rất nhiều các hoạt động xã hội. Từ đầu năm đến giờ, cô ấy cứ lôi kéo tôi cùng cô ấy tham gia hoạt động múc cháo từ thiện ở bênh viện. Thực ra tôi cũng cảm thấy đây là một hành động đầy ý nghĩa và tính nhân văn. Nhưng xét đến vấn đề thời gian, không biết tôi có đảm bảo đủ sức khỏe để vừa học vừa tham gia hay không.
Theo như Hiên kể, có một Tổ chức Phi Chính phủ đứng ra tài trợ và tổ chức hoạt động múc cháo tại bệnh viện lần này. Người đại diện cho Tổ chức trực tiếp chỉ huy hoạt động lần này là một người trẻ tuổi làm việc ở nước ngoài mới về nước. Theo như lời của cô nàng Hiên thì anh ta là một người vô cùng hoàn mỹ, không những đẹp trai sáng sủa, hoàn cảnh khá giả, lại rất hiền lành thân thiện. Đối với tôi, một người con gái trong trái tim chỉ tràn ngập hình bóng của Hiếu mà nói, thì đó không phải là điều kiện có thể thuyết phục tôi tham gia. Nhưng quan trọng, đợt từ thiện này tổ chức ở bệnh viện Tim, nghĩ đến anh, tôi cảm thấy cho dù có khó khăn, thời gian có eo hẹp, tôi cũng phải cố gắng tham gia, chỉ cần không trùng vào lịch học, khung giờ nào tôi cũng có thể tham gia.
Một buổi trưa thứ hai đầu tuần, tiết trời mùa thu mát mẻ, tôi và Hiên sau khi tan học cấp tốc đi tới bệnh viện Tim. Đội tình nguyện lần này cũng không đông lắm, chỉ có số ít thanh niên, còn đa phần là các bác lớn tuổi trung niên hình như là theo đạo Phật ở chùa nào đó, những nồi cháo này cũng được nấu ở chùa rồi đưa tới đây, các bác ấy phụ trách múc cháo, còn thanh niên như chúng tôi thì làm chân chạy những việc vặt vãnh không tên, hoặc là dìu những bệnh nhân đi nhận cháo, rồi lại dìu họ trở về, có khi họ muốn ngồi bên ngoài thì lại quạt cho họ. Mệt thì rất mệt, nhưng vui và ý nghĩa. Những người ở đây đa phần là người già, cũng phải, bởi người già lại càng dễ bị bệnh về tim mạch.
Tôi đỡ một bác tóc đã hoa râm, thân hình rất mập mạp đi nhận cháo, rồi lại dìu bác ấy ra ghế ngồi, tôi rút trong túi quần ra chiếc quạt giấy, rồi nhẹ nhàng phe phẩy. Tôi hỏi bác ấy: "Cháo có ngon không bác? Cháu thấy hình như bác rất vui vẻ, nhìn bác cười lên rất đẹp lão, thật đấy", tay bác ấy hơi run run múc từng thìa cháo vẫn còn âm ấm từ từ đút vào miệng, rồi lại nhìn tôi cười, bác bảo: "Cháu gái vừa xinh xắn vừa ngoan ngoãn quá. Cháu là sinh viên à? Cháu học trường nào?" Thế là tôi đứng, còn bác ấy ngồi, hai người cùng nhau trò chuyện vui vẻ, thân mật, có một câu bác ấy nói làm tôi cứ nhớ mãi: "Người già cả như các bác bây giờ, vừa bệnh tật lại vừa cô đơn, con cái thì đứa nào đứa nấy cũng bận bịu cả, làm sao mà cả ngày bắt chúng nó kè kè bên mình được, cũng phải cho chúng nó đi làm đi ăn chứ. Thế nên nhiều lúc cứ phải quên đi mà cười cháu ạ, có cười mới thấy những ngày cuối đời này còn có giá trị. Nhất là bệnh tim như bác, có khi bây giờ cười đấy, vui vẻ nói chuyện đấy, nhưng không chừng tí nữa mặt mũi lại tím tái, thở cũng không thở nổi, thều thào chẳng thành hơi. Chết lúc nào chả biết....".
Những lời bác nói khiến cho tôi thấm thía, tôi cảm nhận được những nỗi đau, những buồn khổ mà anh phải chịu, tôi cũng lại nhớ tới bố mẹ tôi, những người thân yêu bên tôi. Con người ta không phải lúc nào cũng có thể ở bên nhau, thế nên càng phải quý trọng, quý trọng những giây phút có nhau, quý trọng đến từng nụ cười, từng lời nói.
Lần đưa cháo bệnh viện này khiến tôi có rất nhiều trải nghiệm sâu sắc đáng nhớ, chỉ có cô nàng Hiên là vẫn tiếc nuối vì không gặp được anh đẹp trai của nhà tài trợ.
Hôm nay tôi có cái hẹn đi ăn cùng với Lan, lâu lắm rồi chúng tôi không ngồi cùng nhau hàn huyên. Nhưng thiết nghĩ nó sẽ đi cùng Tuấn, tôi lại không muốn lẻ loi một mình, thế là kéo cả cô bạn Hiên đi cùng. Dù sao trước lạ sau quen, tất cả đều là bạn bè đúng không?
Nhắc đến con bé Lan, tôi cũng không dám tin mối quan hệ của nó và Tuấn lại lâu bền đến thế, cũng phải bốn năm năm rồi chứ ít gì. Tuy là thời gian quen biết nhau cũng chỉ ngang tầm tôi cùng với Hiếu, nhưng họ đã chính thức bên nhau đến năm năm, trong khi tôi và anh, một ngày hạnh phúc bên nhau cũng chưa có. Nói thì nói vậy, chứ những kỷ niệm đẹp đẽ giữa tôi và Hiếu, trên đời này nào có thứ gì sánh được. Trong cuộc đời của tôi, anh là điệp khúc đẹp đẽ nhất, tươi sáng nhất và cứ vang mãi nơi trái tim tôi. Nếu như hôm nay đổi lại, là tôi và anh cùng nhau đi ăn với đôi Tuấn và Lan thì thật trọn vẹn biết bao. Mà thôi, một chút tủi thân như vậy là đủ rồi, không nên đố kỵ với hạnh phúc của người khác, phải không nào?
Tôi và Hiên cùng nhau đến điểm hẹn, đã nhìn thấy hai người đó ngồi tựa vai nhau tình cảm ở một góc không xa. Tôi cùng Lan có một sở thích chung là món Lẩu, cho dù mùa đông hay mùa hè, nắng gay gắt hay mưa gió bão bùng, chúng tôi đều có thể ăn món này. Thế nên mỗi lần hẹn hò, đa phần đều hẹn ở hàng lẩu băng chuyền, cứ mỗi khi có món gì mình thích chạy qua là lại giục nhau lấy đi, lấy đi cứ như thể sợ người ta lấy mất vậy, tuy có hơi mất mặt, nhưng vui, thoải mái.
Tôi kéo Hiên đi tới, vỗ vai nó làm nó giật cả mình. Bây giờ vẫn còn sớm, chỉ mới tầm năm sau giờ chiều, nên nhà hàng còn rất vắng, nhiều chỗ ngồi và khá yên tĩnh. Tuy đi bốn người, chúng tôi có thể ngồi một bàn nào đó và dùng chung một nồi nước dùng, nhưng tôi lại thích ngồi ở chỗ giống như quầy bar, mỗi người một nồi, mỗi người một vị, như vậy mới thoải mái. Hiên chỉ cười và gật đầu là chủ yếu, cô ấy sợ mình giọng miền Trung khiến cho hai người bạn của tôi nghe không hiểu nên cũng hạn chế nói, nếu phải trả lời cũng chỉ trả lời ngắn gọn, tôi huých vai cô ấy nửa đùa nửa thật: "Thoải mái đi, có gì mình làm phiên dịch cho", sau đó, không khí lại càng hòa hợp vui vẻ hơn.
Tôi không hiểu người ta có bỏ thêm lượng cồn vào Coca hay không mà con bé Lan càng lúc càng cao hứng, chuyện tôi và Hiếu cũng đem kể tường tận cho Hiên nghe. Thực ra thì tôi cũng chả ngại hay muốn giấu giếm gì, tự mình kể thì cảm thấy đau khổ, vậy nên Hiên biết chuyện từ Lan cũng không có gì là không tốt. Chỗ bạn bè là phải thẳng thắn, tôi cũng chẳng phải minh tinh hay ngôi sao lớn gì mà phải che giấu chuyện tình cảm. Nếu Tuấn ngồi bên cạnh không gàn, không biết con bé Lan nó còn định giông dài tới lúc nào nữa.
Ăn uống xong xuôi, Tuấn có ý định đi thanh toán, nhưng tôi lại muốn chia đôi, nếu bình thường chỉ một mình tôi, chỗ bạn bè thân thiết nhiều năm, để cậu ấy bao một bữa cũng không vấn đề, nhưng hôm nay tôi còn dẫn theo cả Hiên đến, thế nên tôi muốn chia đôi. Với tôi, kể cả là bạn bè, đều phải sòng phẳng, dứt khoát, sau này mới không có mâu thuẫn hay mất lòng nhau. Tôi vốn định đưa Hiên về ký túc, sau đó đi về, nhưng Tuấn và Lan một mực níu giữ, đòi rủ tôi đi uống trà, còn nói có một điều bất ngờ dành cho tôi.
Hai người đó thì có thể cho tôi bất ngờ gì cơ chứ, chỉ toàn những trò đùa nhạt nhẽo của Lan mà thôi, hơn nữa, Hiên phải về sớm, nếu không, ký túc đóng cửa thì không vào được. Thêm nữa, một mình đi xe máy ngoài đường buổi tối, tôi không dám. Đã nêu ra từng ấy lí do rồi mà hai người đó vẫn nhất quyết bắt tôi phải đi tăng hai cùng họ. Tôi cũng đành chịu, đành để Hiên buổi tối về nhà tôi ngủ. Cũng may, cô ấy cũng tới nhà tôi vài lần rồi nên không ngại gì bố mẹ và anh chị tôi nữa.
Tuấn chở Lan, tôi chở Hiên, hai chiếc xe máy cùng nhau hùng hổ xông đến phòng trà quen thuộc nằm trong một con ngõ nhỏ của Hà Nội. Tôi đương nhiên không xa lạ gì nơi này, đó là nơi mà tôi đã phá bỏ lời thề, đàn cho anh nghe, đó là nơi tôi đã thổ lộ lần thứ ba với anh, đó là nơi anh đã ôm trầm lấy tôi, đó là nơi mà hai năm nay tôi không dám lui tới, đó là nơi tràn ngập hơi thở, ký ức của anh và tôi, ký ức đẹp đẽ, nhưng bi thương đau đớn. Tôi không biết vì sao lại trùng hợp đến vậy, Tuấn và Lan cũng hay ngồi ở đây sao?
Sau hai năm, phòng trà này được bài trí lại không ít. Tường cũng mới được sơn lại, nhưng đèn đóm làm cho tôi nhìn không ra nó có màu sắc cụ thể như thế nào. Chỉ có điều buổi tối khách khứa vẫn đông như xưa, vì ở trong ngõ, nên hầu hết chỉ có khách quen mới tìm đến đây. Cây đàn Piano đặt ở sân khấu vẫn y nguyên như ngày nào.
Vẫn còn khá sớm nên chưa thấy nghệ sĩ nào lên đàn. Trong phòng trà bật chút nhạc cổ điển du dương. Không ngờ Tuấn đã đặt bàn trước, vẫn là bàn ngay thẳng sân khấu, nơi anh và tôi đã ngồi hôm đó. Tôi còn nhớ hôm ấy, anh gọi một ly táo lắc. Tôi còn nhớ, anh thích vị táo, thích ăn táo, thích uống nước táo. Thế nên mỗi khi ngửi thấy mùi thơm thoáng mát dễ chịu của táo, tôi lại nhớ đến anh.
Hết bản nhạc cổ điển, kế tiếp là ca khúc Boulevard, giai điệu của bài hát này luôn khiến người ta chìm trong bóng tối, một nơi sầu thảm, bi thương. Bốn người chúng tôi bắt đầu gọi đồ uống, Tuấn vẫn uống bia, Hiên gọi nước cam, Lan uống trà, còn tôi, đương nhiên, là táo lắc. Đã đến đây, sao còn có thể uống được gì khác.
Ngồi một lúc lâu vẫn chưa thấy hai người kia đưa ra bất ngờ gì, mà chỉ ngồi nói chuyện phiếm, trong khi nơi này, không gian này, mỗi một góc, mỗi một đồ vật đều gợi lên trong tôi bóng dáng anh. Tôi không còn đủ dũng khí để tiếp tục ngồi đây nữa rồi. Ba người kia nói cái gì với nhau tôi cũng không nghe thấy nữa, tôi lại bắt đầu lạc lối trong thế giới huyền ảo của riêng tôi và anh, nơi mà chỉ còn lại mình tôi đang ngồi ngóng trông, còn anh, đã rời xa tôi mất rồi.
Lan phải lay bả vai tôi một lúc tôi mới có thể quay trở lại thực tại, hoá ra đã bắt đầu đến giờ cho điều bất ngờ dành cho tôi. Trong bóng tối, Lan lấy ra một dải băng đen bịt mắt tôi lại. Tôi hỏi nó làm thế để làm gì, lại thấy Tuấn bảo: "Cậu chỉ cần bịt mắt như thế này, hai tay bám chắc vào ghế, ngồi im như thế này là được". Tôi còn đang hoang mang không biết hai người họ định làm trò gì với mình, chỉ cần đừng đem tôi ra làm trò cười giữa chốn đông người là được. Nhưng bịt mắt như vậy cũng tốt, tôi đỡ phải nhìn xung quanh, đỡ phải cảm thấy đau đớn vì nơi đây đã chẳng còn hơi ấm của anh.
Trong khoảng tối đen không một ánh sáng, tôi thấy tiếng nhạc từ đĩa CD bỗng nhiên im bặt, rồi mọi người bắt đầu lộp bộp vỗ tay, cũng không còn tiếng nói chuyện nữa, cả gian phòng bỗng trở nên im lặng lạ thường. Tôi có hơi hoảng sợ, không biết đã xảy ra chuyện gì, định với tay vỗ lên người Hiên xem cô ấy có còn ngồi đó không, thì thấy hai bàn tay ấn vai tôi để tôi ngồi yên lặng, tiếng Lan đe dọa vào tai: "Ngồi im" làm tôi cũng không dám nhúc nhích gì nữa, chỉ chăm chú lắng nghe.
Tiếng Piano bắt đầu vang lên thánh thót những nốt nhạc đầu tiên. Đoạn dạo này nhẹ nhàng, nhưng tôi chưa thể nghe ra đây là bài gì. Một lúc sau, tôi cảm nhận thấy những tiếng đàn này có chút gì đó rất quen thuộc, giống như một phong cách đàn nào đó đã từng rất quen thuộc trong tôi, nhưng nhất thời tôi vẫn chưa thể nghe ra đó là bài gì. Chỉ đến khi tiếng hát ấy cất lên:
YOU ARE READING
Với anh em vẫn là cô bé (Chờ em 18)
Lãng mạn"Ngày xưa bé nói yêu anh Anh chê bé nhỏ bé chưa biết gì Đến nay bé đã dậy thì Anh khen bé đẹp bé chê anh già..." Rung động đầu đời, ai mà không từng trải qua khoảnh khắc ấy. Đôi khi, rung động chỉ là một giây phút thoáng qua, cũng có đôi khi rung độ...