CHƯƠNG VII: SỰ CHẾT

37 1 0
                                    

Sự hiểu biết hoàn toàn giáo-lý Thông-Thiên-Học cho ta rất nhiều lợi ích thực tế. Một lợi ích quan-hệ nhất là hoàn toàn thay đổi thái-độ của ta đối với sự chết; không sao kể cho xiết được những nỗi dày vò về tâm-hồn, những sự kinh khủng và lo âu mà nhơn-loại đã chịu chỉ vì vô-minh và dị đoan đối với sự chết. Có rất nhiều tin tưởng phi lý về điều nầy đã tạo nên ở dĩ vãng và hiện giờ còn tạo ở hiện tại một tổng số đau khổ không thể tả xiết được. Và sự đả phá những thành kiến ấy là một việc ân huệ lớn nhất mà con người có thể làm cho nhơn-loại. Những ai kiếp trước đã khảo-cứu về triết-học nên kiếp nầy đủ năng lực để công-nhận giáo-lý Thông-Thiên-Học đều được hưởng cái ân huệ nầy.

        Giáo-lý Thông-Thiên-Học làm cho sự chết mất hết cái vẻ kinh khủng và đau buồn thường bao vây lấy nó. Giáo-lý Thông-Thiên-Học khiến cho ta có thể nhìn sự chết theo cái trạng thái cân xứng thiết thực của nó và hiểu cái công dụng của nó trong cơ tiến-hóa. Khi người ta coi sự chết như mức chót của đời sống, hay như sự bước chơn vào một xứ tối tăm nguy hiểm và xa lạ, thì lẽ cố nhiên người ta coi nó với một sự lo sợ lớn lao nếu không phải là với một sự kinh khủng thiệt sự. Và vì rằng, mặc dầu những tôn-giáo đã dạy những điều trái ngược hẳn lại, đó là cái cách thông thường mà thế-giới Tây-Phương quan niệm về sự chết, thì ta không nên ngạc nhiên về hàng ngàn sự kinh khủng nó tới dính liền với sự chết và tiêm nhiễm vào những thói quen của chúng ta và ảnh hưởng cả tới những người đã biết rõ sự thật.

     Tất cả những dấu hiệu đau khổ về quần áo, tang chế, về những tờ giấy viền đen chỉ là những bằng chứng của sự vô minh của những ai xử dụng những đồ vật ấy. Ai đã bắt đầu hiểu sự chết là gì thì đều gạt bỏ ra một bên cái sự bày trò hề đó như là một trò con trẻ điên rồ. Người ấy biết rằng sự chết là một điều tốt lành, và than tiếc một việc gì may mắn đã xảy ra với bạn mình chỉ vì người bạn đó phải xa cách ta ở bề ngoài thì rõ ràng là một hành động ích kỷ. Lẽ dĩ nhiên, đột nhiên phải chia ly trong một thời hạn như thế thì con người không sao khỏi xúc cảm, nhưng điều mà y có thể tránh là đừng cho sự u buồn của mình thành một trở lực đối với người bạn đã chết đi.

   Người mà đã hiểu sự chết ra sao thì biết rằng không nên sợ hãi và than khóc, dù sự chết đến với y hay với những người y thương yêu. Tất cả mọi người đều đã có chết đi nhiều lần rồi mà. Ðối với mọi người, tử thần là một người bạn cũ quen thuộc. Thay vì coi tử thần như một bà chúa kinh khủng, ta nên coi như một vị Thiên-Thần mang một cái chìa khóa vàng, dẫn chúng ta đến những xứ vinh quang của đời sống cao cả.

    Người mà đã hiểu sự chết thì cũng hiểu rằng sau khi chết sự sống luôn luôn tiếp diễn, và mất xác thân thì cũng giống hệt như lúc ta cởi một cái áo. Sự nầy không thay đổi gì con người thiệt thọ đã mặc áo. Y thấy rằng chết là được thuyên chuyển tự một cõi đời sống quá nửa thiên về vật chất tới một cõi đời sống hoàn toàn nơi Trung-Giới, nghĩa là cao cả hơn nhiều. Vì thế nên y sẵn sàng tiếp đón sự chết khi nó đến. Và khi nó tới với những người thương yêu, lẽ dĩ nhiên y không sao tránh khỏi một sự thương tiếc ích kỷ trước sự tạm biệt nầy, mà y bắt buộc phải chịu, nhưng y biết rằng sự chết là một điều ích lợi lớn lao cho những ai được mang đi như thế, y cũng hiểu rằng sự chia ly nầy chỉ tạm thời chớ không phải thiệt thọ. Y biết rằng những kẻ đã chết rồi, vẫn ở gần y, và khi đi ngủ, y chỉ rời bỏ xác thân trong chốc lát là lại được gặp họ và tiếp xúc với họ như xưa.

Thông Thiên Học Khái LượcNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ