Gần ba mươi lăm thế kỷ về trước, dân tộc A-ly-an (Aryen) thâu phục nước Ấn Độ và chia dân chúng ra làm bốn bực :
1. Chủng tộc Bà-la-môn (Brahmana), tức là các đạo sĩ học hành uyên bác, giới hạnh đoan nghiêm; văn hóa học thuật của dân tộc đều ở trong tay các bậc này cả.
2. Chủng tộc Sát đế lỵ (Ksatrya), tức là giòng giõi vua chúa.
3. Chủng tộc Phệ xá (Vaisya), tức là hạng buôn bán bình dân.
4. Chủng tộc Thủ đà la (Soudra), gồm những dân tộc tôi tớ lao động.
Ngoài ra lại còn một chủng tộc là Ba-ly-a (Pariahs), tức là những dân tộc mọi rợ.
Theo luật Bà-la-môn thì chỉ có ba chủng tộc trên là có quyền đọc kinh học đạo mà thôi, còn hai chủng tộc dưới không có quyền gì và phải làm nô lệ cho ba phái trên.
Bấy giờ toàn cõi ấn Độ chia làm rất nhiều nước nhỏ, thường khi hòa chiến với nhau như đời Chiến quốc bên Trung Quốc, tuy đại thế vẫn thu về nước Ma-kiệt-đà (Magadha) (như các nước chư hầu với đời Chu Mạc vậy).
Nước này lớn nhất ở phía Nam sông Hằng hà (Gange), làm trung tâm điểm cho toàn xứ Ấn Độ.
Trong những nước có danh tiếng nhất thời ấy, có nước Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu)[7], vua tên là Tịnh Phạn (Sudhodana) Hoàng hậu là Ma-ha Ma-da (Maha-maya) con vua A-nâu Thích-ca (Anu-sakya) nước Câu-ly (Koly)[8]. Khi ấy vua Tịnh Phạn đã 50 tuổi và Hoàng hậu 45 tuổi mới thọ thai lần đầu. Theo tục Ấn Độ, đàn bà phải về nhà cha mẹ mà sanh con, và con sanh ra đều lấy họ mẹ, nên Hoàng hậu đã về nước Câu-ly, đản sanh được Hoàng tử lấy tên là Tất-đạt-đa (Siddharta) và họ là Thích-ca (Sakya).
Hoàng tử Tất-đạt-đa sau này là Phật Thích-ca, hiệu là Mưu-ni (Mouni), nghĩa là vắng lặng, nhơn đức hoàn toàn.
Nơi sinh Ngài là vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini). Năm 1897 bác sĩ A Fuhrer có đào được ở nơi ấy một trụ đá của vua A Dục (Asoka) (sau khi Phật tịch diệt chừng 270 năm) đánh dấu chỗ của đức Phật giáng sinh.
Còn về niên đại giáng sinh của Ngài hiện có nhiều thuyết khác nhau[9] . Theo thuyết phổ thông thì Ngài sanh ngày mồng 8 tháng tư âm lịch đời Chiêu Vương nhà Chu (trước Tây lịch 1027 năm). Nhưng theo pháp sư Pháp Châu, người Trung Quốc đã từng du học ở Tích Lan (Ceylan), dày công nghiên cứu về lịch sử Phật, có dẫn chứng bằng mấy chục bộ sách vừa văn Trung Quốc và văn Pali, thì Ngài sanh vào khoảng năm 563 trước Thiên chúa giáng sanh.
Ngài tư bẩm thông minh từ thuở nhỏ. Bảy tuổi Ngài theo học các đạo sĩ phái Bà-la-môn, như ông Tỳ-xa-mật-đa-la (Visvamitra) và ông tướng võ S ằn-đề-đề-bà (Ksautidiva). Dần dần Ngài thông hiểu các khoa, nhất là nghị luận, triết lý. Chính trong khi bắt đầu hiểu biết ấy, cũng là khi Ngài bắt đầu cảm thấy chán nản cuộc đời vinh hoa phú quý và buồn đau cho cuộc thế của nhân sinh.
Nhưng vì cớ gì một vị thiếu niên Hoàng tử sống một cuộc đời đẹp đẽ, không bao giờ trực tiếp với đời mà lại có tâm lý ấy ? Rồi sau đây tại sao Ngài biết đời khổ mà xót thương đến phải xả thân để tìm phương giải thoát ? Chúng ta cần nên tìm sâu vào nguyên lý ấy.
![](https://img.wattpad.com/cover/90018919-288-k5658.jpg)
BẠN ĐANG ĐỌC
Việt Nam Phật Giáo Sử Lược - Thích Mật Thể
Historical FictionTháng Trọng Xuân năm Quí Mùi, Pháp sư Mật Thể du hành các tỉnh phía Nam mang theo bản cảo Quốc ngữ cuốn Việt Nam Phật giáo sử, và thưa với tôi đó là tập sách do Pháp sư trải bao năm tháng sưu tầm biên soạn mà thành, thỉnh cầu tôi chứng giám. Tôi nhậ...