1. Lý Thái Tổ (l010 - l088)
Ngài tên húy là Công Uẩn, con nuôi một vị sư chùa Cổ Pháp là Lý Khánh Văn, sau thọ giáo với ngài Vạn Hạnh. Lớn lên ngài theo ngài Vạn Hạnh vào Hoa Lư làm quan với nhà Lê đến chức Tả Thân Vệ Điện Tiền chỉ huy sứ. Khi Lê Ngọa Triều mất thì ngài đã 35 tuổi. Bấy giờ lòng người đã oán giận nhà Tiền - Lê lắm, nên ở trong triều có bọn ông Đào Cam Nuộc, cùng với Tăng Thống Vạn Hạnh mưu tôn ngài lên làm vua. Ngài lên ngôi Hoàng Đế tức là vua Thái Tổ , nhà Lý, đóng đô ở thành Thăng Long (Hà Nội), lấy niên hiệu Thuận Thiên.
Thái Tổ vốn ở trong phái Phật học mà ra nên khi ở ngôi vua, ngài hết sức sùng trọng Phật giáo. Ngay khi mới lên ngôi đã sắc ban phẩm phục cho các hàng Tăng sĩ.
Năm Thuận Thiên nguyên niên (l010), Thái Tổ sắc làm nhiều chùa ở phủ Thiên Đức, lấy tiền kho hai vạn quan để dựng 8 ngôi: trong thành Thăng Long dựng chùa Hưng Thiên Ngự, gần điện Thái Thanh dựng chùa Vạn Tuế, ngoài thành lại dựng những chùa Thắng Nghiêm, Thiên Vương, Cẩm Y, Long Hưng, Thánh Thọ, Thiên Quang và Thiên Đức. Triều đình lại sắc đi khắp các làng hễ chùa nào đổ nát thì phải tu bổ lại.
Sang năm thứ 9 (l019) Thái Tổ sai sứ là Phạm Hạo và Nguyễn Đạo Thanh sang Trung Hoa thỉnh kinh. Khi được vua Tống ban cho, ngài lại sắc một vị Thiền sư là Phi Trí đi sang tận Quảng Tây đón về và để vào kho sách Đại Hưng. Đó là lần thứ hai nước ta có sứ đi cầu kinh.
Năm sau (l020), ngài sắc lập Đạo đường và phái Tăng sĩ đi diễn giảng Phật đạo khắp trong nước. Lại sắc đúc mấy quả chuông để treo ở các chùa Hưng Thiên, Đại Giáo, Thắng Nghiêm.
Năm Thuận Thiên thứ 15 (l024) tháng chín, ngài lập chùa Chân Giáo ở trong thành và sắc các Tăng sĩ, Pháp sư đến đó tụng kinh và giảng đạo để ngài thường đến nghe.
Về đời Lý Thái Tổ, trong nước đã cường thịnh, các nước ngoài như Chiêm Thành, Chân Lạp đều chịu triều cống, bên Trung Hoa nhà Tống cũng giao hiếu không sanh sự, dân tình được an lạc, vua và triều đình lại hết tâm ủng hộ, nên Phật giáo ở nước ta hồi ấy có thể gọi là hồi thạnh nhất từ trước đến sau. Bấy giờ Hán học tuy đã phổ thông khắp dân chúng, nhưng Nho giáo hình như chỉ là phần phụ ít ai để ý đến, vì chưa có khoa cử, nên Phật giáo vẫn đứng địa vị độc tôn. Bởi thế, văn hóa và học thuật trong nước vẫn là ở trong phái Phật học cả.
Những vị Thiền sư có danh tiếng thời bấy giờ như Vạn Hạnh Thiền sư, Đa Bảo Thiền sư, Sùng Phạm Thiền sư đều ở hai phái Tì Ni và Vô Ngôn mà ra cả
Vạn Hạnh Thiền sư : Người làng Cổ Pháp (nay là làng Đình Bản, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh) họ Nguyễn, không rõ tên tục là gì. Nhà ngài đời đời thờ Phật, từ thuở nhỏ ngài đã thông minh khác chúng, học khắp tam giáo và khảo cứu nhiều kinh luận nhà Phật. Năm 20 tuổi, ngài xuất gia cùng với Định Huệ Thiền sư, theo học với ngài Thiền ông Đạo-gia, tức là đời pháp thứ hai của phái Tì Ni Đa Lưu Chi. Sau Thiền ông tịch rồi, ngài chuyên tập pháp "Tổng trì Tam-ma-địa", mỗi khi nói câu gì lạ thường, người đời đều cho ông là câu sấm. Thời vua Lê Đại Hành còn tại thế, thường mời ngài đến hỏi về việc quân.
BẠN ĐANG ĐỌC
Việt Nam Phật Giáo Sử Lược - Thích Mật Thể
Ficción históricaTháng Trọng Xuân năm Quí Mùi, Pháp sư Mật Thể du hành các tỉnh phía Nam mang theo bản cảo Quốc ngữ cuốn Việt Nam Phật giáo sử, và thưa với tôi đó là tập sách do Pháp sư trải bao năm tháng sưu tầm biên soạn mà thành, thỉnh cầu tôi chứng giám. Tôi nhậ...