Bấm ngón tay, rồi cũng qua mồng một, tới mồng năm...
Năm ngày trôi qua, Liên và bu co ro, quỳ rạp trước cơn thịnh nộ của thày lí, quan huyện, thày viên ngoại vì chẳng có hào nào nộp thuế. Chúng nó hành nhà Liên đến nỗi, cầm củ khoai lên ăn cũng phải ngó trước ngó sau; ăn ngấu ăn nghiến, chỉ sợ thày đột ngột vào nã tiền, thấy ngứa mắt mà quăng đi mất.
Sáng nay, thày lí lại đến, kéo theo một đám gia nhân.
Liên ngồi khều khều mấy khoèo củi, thổi phù phù cho tàn đỏ bùng lên thành lửa để nấu ấm nước vối mời thầy lí, tiện thể vùi mấy củ ráy với khoai mì vào đống tro để nướng luôn - đấy là bữa duy nhất trong ngày của nhà nó.
Nắng trưa mùa hạ như đổ lửa, gió lào thổi qua cái gian bếp gianh cũng như thiêu như đốt. Một trận mưa bồ hóng từ trên mái gianh rơi xuống, lấm hết lên đầu, lên cổ, lên vai , cũng như bộ yếm váy rách như túm giẻ của Liên. Con bé lấy cổ tay quệt đi mồ hôi nhễ nhại trên trán, lòng thấp thỏm như bị kiến cắn. Đôi mắt phượng nâu màu đất trên gương mặt lấm lem bụi than cứ dính chặt ở tấm liếp ngăn gian bếp với gian nhà chính.
Qua cái khe mắt cáo, nó thấy thày lí đang ngồi chỗm hỗm trên cái phản tre đã mọt, hắng giọng hách dịch:
- À, con đĩ này... - lão vừa nói vừa giở sổ ra - Tổ cha nhà mày! Mày còn nợ nhà nước thuế cái đất mày đấy, ba sào chứ có ít đâu! Tóm lại là con mẹ mày có giả hay không? Đừng tưởng mày là đàn bà mà ông tha! Ông cứ gọi là vật một phát cho nhà chúng mày thẳng cẳng!
Mẹ Liên ngồi mọp xuống dưới đất, bộ điệu chẳng khác nào con chuột nhắt trước nanh vuốt của con mèo cụ. Thị cúi mặt xuống đất, hai mắt nhắm nghiền, thều thào đáp:
- Vâng, con cũng biết thế, nhưng chả là thầy con mới mất, hơn ba hôm nữa là đoạn tang hăm bảy bốn chín ngày bốc mộ. Hai bu con rau cháo nuôi nhau, mà có làm ra được được hào nào đâu. Nhà con mất, nợ nần ngập đầu chưa trả, cũng chẳng kham nổi thuế ruộng. Thôi thì quan nhớn thương tình, khất giúp cho...
Chưa nghe hết câu, thày lí đã nhảy chồm lên như phải bỏng, giật giọng:
- Thương! Ừ thương! Mày cứ nói dễ lắm! Thương à? Mày có giỏi thì lên tận "quan nhớn" trên phủ kia để mà xin thương! Chứ tao làm lí cái làng này cũng chẳng dám thương mày thêm hào nào nữa đâu! Nội tới canh Ngọ trưa mai mà mày còn chưa vác xác lên nộp thuế thì đừng có trách cái mặt tao ác! Chúng bay...rặt một lũ rác rưởi!
Rồi thày lí phủi mông bỏ đi - ấy là lão còn phải đi thúc sưu đến chục thằng cùng đinh khác trong làng nữa. Cái đám gia nhân, quần áo lố lăng sặc sỡ như đám rước, chẳng khác gì chủ; cũng ném cho bu Liên cái nhìn khinh khỉnh rồi bỏ ra ngoài.
Mẹ Liên ngồi bần thần, bàn tay xương xẩu cố bấu víu lấy mép phản, im lặng như một pho tượng đến một lúc, rồi bỗng gào lên đau khổ, nằm vật ra nền đất:
- Giời ơi là giời! Mình ơi là mình ơi! Sao mình đi mà bỏ lại tôi? Mình làm cho bu con tôi khổ thế này hả mình ơi! Sao giời làm số tôi nó khổ thế này?
Cái Liên chạy bổ lên trên nhà đỡ mẹ dậy, cuống quýt:
- Ôi bu ơi! Bu làm sao thế này hả bu? Thôi, bu dậy đi, bu ăn tạm cái ráy nướng cho đỡ cồn cào cái bụng! Từ trưa hôm qua bu đã nhịn suông, có hột cơm miếng sắn nào vào bụng đâu? Bu cứ ráng ăn, rồi chiều sang nhà bá hộ Cửu làng bên nói khéo, xin vay tạm mấy đồng nộp cho ông lí là được chứ gì?
Mẹ Liên nghe vậy cũng xuôi xuôi, tay vớ đại củ khoai mì mà gặm. Liên lại hoảng hốt:
- Thôi! Bu đừng có ăn khoai mì, ăn vào say chết! Bu cứ để con ăn cho, bu ăn củ ráy này này, chiều con còn đưa bu đi vay tiền nữa chứ!
Bu Liên hai con mắt mù lòa đỏ hoe, nhòe lệ; bàn tay vô thức đưa lên vuốt ve mớ tóc mai của Liên, nghẹn ngào...
- Ôi...con gái bu...
BẠN ĐANG ĐỌC
[Fanfiction_Hetalia] Living like a flower in the swamp
Non-FictionDisclaimer: Nguyễn Thị Liên - một cô bé nông thôn Bắc Việt những năm 60 của thế kỉ XIX, cuộc đời của cô gắn liền với chiều dài lịch sử. Những biến cố, thăng trầm với thời gian, những vết sẹo mãi mãi nằm lại trong đôi mắt phượng màu nâu đất... ...