Câu 4: Tư duy

684 4 1
                                    

Câu 4: Tư duy là gì? Tại sao nói tư duy là mức độ nhận thức cao hơn so với nhận thức cảm tính? Nêu và phân tích các giai đoạn của 1 quá trình tư duy. Theo bạn đối với 1 người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – thông tin cần phải có những phẩm chất tư duy nào? Tại sao?

Tư duy là quá trình nhận thức lý tính phản ánh những thuộc tính bản chất, những mối liên hệ, quan hệ bên trong mang tính quy luật của sự vật - hiện tượng trong hiện thực khách quan mà trước đó ta chưa biết.

· Tại sao nói tư duy là mức độ nhận thức cao hơn so với nhận thức cảm tính?

Tư duy là hình thức cao nhất của sự phản ánh, là mức độ nhận thức mới về chất so với cảm giác, tri giác. Nếu cảm giác, tri giác chỉ phản ánh thuộc tính bề ngoài, những mối quan hệ, liên hệ về không gian và thời gian, thì tư duy phản ánh những thuộc tính bản chất bên trong, những mối liên hệ, quan hệ có tính chất qui luật của sự vật, hiện tượng.

 Ví dụ: đứng trước một con người, nhận thức cảm tính cho ta biết nét mặt, hình dáng, cử chỉ...Còn tư duy cho ta biết được quan điểm, lập trường, tính cách, tài năng...những cái bản chất bên trong của nhân cách. 

Tuy rằng tư duy phản ánh thuộc tính bản chất bên trong của sự vật hiện tượng nhưng không phải bao giờ tư duy cũng đi đến cái đúng, mà tư duy cũng có thể đi đến cái sai. điều đó nhắc nhở con người cần phải cẩn thận trong khi nhìn nhận đánh giá sự việc. Cần biết kết hợp cái hiện tượng bên ngoài với cái bản chất bên trong. 

Tư duy phản ánh khái quát các thuộc tính bản chất của sự vật hiện tượng để rút ra quy luật chung của những sự vật hiện tượng đó. Tư duy phản ánh cái chưa biết tức là phản ánh cái mới, nhờ nó mà ta mới có khả năng giải quyết những vấn đề do thực tiễn đề ra. 

Tư duy con người mang bản chất xã hội lịch sử, nó gắn liền với ngôn ngữ. Tư duy được hình thành và phát triển trong quá trình lao động và quá trình giao tiếp giữa con người với con người trong các mối quan hệ xã hội. Hiện nay, khoa học kỹ thuật phát triển nhưng con người vẫn là chủ thể duy nhất của quá trình tư duy đích thực.

· Nêu và phân tích các giai đoạn của 1 quá trình tư duy:

- Giai đoạn 1: Xác định vấn đề và biểu đạt vấn đề: giai đoạn quan trọng nhất( nó quyết định các dữ kiện ban đầu thành tư duy, quyết định chiến lược tư duy ở giai đoạn sau.)

Tư duy ở mỗi cá nhân chỉ nảy sinh khi cá nhân gặp phải tình huống có vấn đề, nhận thức được vấn đế nghĩa là xác định được nhiệm vụ tư duy và biểu đạt nó một cách chính xác.

- Giai đoạn 2 : hình thành liên tưởng

Huy động các tri thức,kinh nghiệm có liên quan đến vấn đề đã được xác định. Việc huy động những tri thức,kinh nghiệm làm sống lại những liên tưởng nào và khai thác chúng theo hướng nào để giải quyết nhiệm vụ hoàn toàn phụ thuộc vào nhiệm vụ đã được xác định.

- Giai đoạn 3: Sàng lọc các liên tưởng và hình thành giả thuyết

Những tri thức,những liên tưởng đầu tiên đc xuất hiện ở giai đoạn trên còn mang tính chất rộng rãi, bao trùm chưa được phân biệt và khu hóa kĩ càng cho nên chúng thường được sàng lọc,lựa chọn kĩ càng cho phù hợp nhất với nhiệm vụ tư duy đã đặt ra. Giả thuyết là một cách giải quyết có thể của nhiệm vụ tâm lí

- Giai đoạn 4: Kiểm tra giả thuyết

việc kiểm tra giả thuyết có thể diễn ra trong đầu hay trong hoạt động thực tiễn, kết quả của việc kiểm tra có thể dẫn đến sự khẳng định,phủ hoặc chính xác hóa giả thiết đã nêu, nếu giả thuyết bị phủ định thì một quá trình tư duy mới lại bắt đầu hoạt động

- Giai đoạn 5 : Giải quyết nhiệm vụ tư duy

Đây là khâu cuối cùng của hoạt động tư duy. Khi giả thuyết đã được xác định và chính xác hóa thì nó được thực hiện tức là đi đến câu trả lời cuối cùng cho vấn đề đã được đặt ra.

· Theo bạn đối với 1 người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – thông tin cần phải có những phẩm chất tư duy nào? Tại sao?

- Tính sâu sắc : thể hiện ở khả năng nắm vững ngày càng sâu sắc bản chất của sự vật, hiện tượng.

- Tính linh hoạt: thể hiện ở sự nhạy bén trong việc vận dụng những tri thức và cách thức hành động vào các tình huống khác nhau một cách sáng tạo.

- Tính mềm dẻo: thể hiện ở hoạt động tư duy được tiến hành theo các hướng xuôi và ngược chiều

- Tính mục đích : thể hiện ở ý thức nhanh chóng và chính xác đối tượng cần lĩnh hội, mục đích phải đạt và con đường tối ưu để đạt mục đích đó.

- Tầm rộng: thể hiện có khả năng vận dụng nghiên cứu các đối tượng khác.

- Sự độc lập : khả năng phát hiện những vấn đề mới mẻ và giải quyết nó bằng sức lực của mình , khả năng đưa ra quyết định và hoạt động theo quan điểm đúng đắn , không bị chi phối thụ động bởi những ảnh hưởng sai trái bên ngoài.


CÂU HỎI ÔN TẬP TÂM LÝ HỌCNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ