Lại một lần nữa, ruột gan cô Thúy không kìm được sự hồi hộp. Và cái hồi hộp lần này, có lẽ còn mạnh hơn mấy lần trước nhiều lắm.
Trí nhớ của cô hãy còn in rành rành. Cách đây vừa đúng một năm, bấy giờ cô mới có mười chín tuổi. Cái đêm sắp sửa thắng quần thắng áo để đi làm người nội trợ cho cậu Khóa(1) Trần Đằng Long, tim cô đã bị một phen rung động.
___________________________
(1). Cậu Khóa: Gọi người đã đỗ khảo hạch ở địa phương, thời phong kiến. Dưới thời nhà Nguyễn: có thi Khảo và xuất thi Hạch. Thi Khảo để thử sức, xét học lực hàng năm và khuyến khích học hành, người đỗ gọi là Khóa sinh. Cho miễn sưu dịch người đỗ Khảo (chức dịch địa phương tự đi xem kết quả). Thi Hạch tổ chức ở hàng tỉnh, trước khoa thi Hương ít nhất ba tháng để kén chọn người được dự thi Hương nhưng không tính vào nội dung thi Hương. Kết quả đỗ Hạch có giấy sức về địa phương và người đỗ được miễn sưu dịch. Người đỗ đầu được gọi là Đầu xứ.
Những người muốn dự thi trong nền giáo dục Hán học đều phải kê khai rõ ràng lý lịch ba đời. Dẫu có đủ trình độ học lực nhưng đều bị cấm đi thi những trường hợp: là trộm cướp, làm phản làm giặc, có đại tang, làm nghề đàn hát xướng ca, là phụ nữ, là quân nhân...Song mà lúc ấy cô chỉ tự thấy bẽn lẽn và cứ nghĩ quanh nghĩ quẩn những cảnh tượng đầu tiên và những câu nói thứ nhất của mình trong khi bắt đầu giáp mặt người bạn trăm năm. Thế mà thôi. Rồi đến hồi cuối tháng một năm ngoái khi được tin chồng đỗ cử nhân(1), bụng cô lại bị nôn nao lần nữa. Nhưng cái địa vị của một ông Cử vẫn không thay đổi hoàn cảnh của một cô Khóa, cho nên lúc này ở trong lòng cô chỉ có một sự sung sướng êm đềm, nó không bắt cô kích thích nhiều quá.
Lần này khác hẳn. Tuy cái quãng đường từ cô Cử lên đến cô Nghè, cũng không lạ hơn quãng đường từ cô Khóa lên đến cô Cử, nhưng cái khó nghĩ cho cô là cuộc vinh quy ngày mai.
Bởi vì từ thuở tấm bé đến giờ, chưa từng thấy người con gái nào được cái vinh hạnh như mình, và cô cứ phải loanh quanh suy tính: "Không biết chốc nữa mình sẽ phải ngồi thế nào, phải đứng thế nào, và phải ăn nói thế nào cho đúng điệu bộ một bà Tiến sĩ?" Hỏi mãi, cô vẫn không tìm được câu trả lời. Trống canh ngoài điếm chợt điểm ba tiếng như muốn báo để cô biết cái giờ lên đường sắp đến nơi rồi. Khêu rõ ngọn đèn trên quang, cô vội xổ đầu ra chải. Mái tóc mấy lần rẽ đi rẽ lại, mà khi ngó vào trong gương, đường ngôi trên trán vẫn chưa được ngay. Cô đương băn khoăn, muốn sửa thêm cho nó thật chỉnh, ngoài rạp vừa nổi hồi trống tan trò. Cố bà ở ngoài bước vào, giục cô sang phòng bên kia ăn cùng ăn cơm tạm.
Theo lời mẹ chồng, cô vội bỏ gương, bỏ lược đi ra.
_________________________
(1). Ông Cử: Người đỗ cả bốn kỳ của thi Hương được gọi là Cử nhân, được đi dự thi Hội.Sau khi điểm tâm bằng một đĩa xôi và hai bát chè, cô lại sang phòng bên này. Bổ cau, têm trầu, giở gói thuốc lá quấn vài chục điếu, rồi cô xếp cả vào cái tráp tròn sơn son, và thêm vào đó ít cánh hoa hồng, hoa huệ.
Nhà dưới, làng xóm ăn uống đã xong. Ai nấy tấp nập đi lấy cán cờ, cán quạt và tìm đòn võng.
Trống ngực khi ấy lại càng đập mạnh, cô vội mở rương lấy hết mấy bộ quần áo mới ra thay. Quần cũng như áo, các cái đều vừa như in, chỉ tiếc đôi giầy vân hài khí chật, làm cho hai bàn chân cô đều thừa một ngón chân út.
Ngoài rạp, chiêng, trống xen nhau thúc hết một hồi thứ nhất, Cố ông, Cố bà đã cho gọi cô ra đứng chờ sẵn trên thềm. Bốn chiếc võng đào, đòn cong, mui luyện cũng đã chực ở dưới sân. Đợi cho dứt hồi chiêng trống thứ hai, thì(1) ba chiếc võng cùng hạ thấp xuống, cô và Cố ông, Cố bà mỗi người bước lên một võng. Chiêng trống điểm thêm một hồi và ba tiếng nữa, tức thì bốn đôi đèn lồng dẫn đường cho bốn chiếc võng từ từ tiến ra ngoài cổng. Cái võng bỏ không đi trước rồi đến võng Cố ông, rồi đến võng của Cố bà, rồi đến võng của cô Nghè. Cuối cùng thì bọn trai làng khiêng vác cờ quạt tàn lọng.
Ra khỏi cổng nhà, chiêng trống lại im, lọng vẫn cụp, cờ vẫn cuốn, cả đám lần lần tiến trong bóng cây âm thầm. Nếu không có tiếng nói chuyện rầm rầm và mấy ngọn đèn le lói, có khi nhiều người sẽ ngờ là toán kỳ binh kéo đi đánh úp chỗ nào.
________________________
(1). Những chữ in nghiêng này đã bị mất ở một vài lần tái bản Lều chõng in năm 1996, 2001... của NXB Văn học.
BẠN ĐANG ĐỌC
Lều chõng
General FictionLều chõng đã thực hiện "một tua du lịch" sinh động, thú vị, giúp các thế hệ hậu sinh, lội ngược dòng thời gian để tiếp cận và khám phá về Lều chõng, khu vực có ý nghĩa đặc biệt, không chỉ là chuyện văn chương, chữ nghĩa mà còn gắn bó mật thiết đến v...