Đêm ấy không có trăng.
Phố phường Hà Nội đã theo cảnh tượng trời đất biến thành một khối đen sì.
Vũ trụ thu lại vùng ánh sáng của mấy cây đình liệu.
Gió bấc ào ào thổi.
Chín, mười ngọn lửa lớn bằng chín, mười cái bịch hết thảy điên cuồng lồng phách như muốn lia những bó đuốc nứa nhảy vọt lên từng mịt mù.
Quang cảnh trường thi hôm nay rộn ràng hơn mấy hôm trước.
Dưới lớp mái ngói của nhà Thập đạo, mũ áo thấp thoáng hiện trước bóng đèn lồng.
Trong mấy gian chòi canh lơ lửng gác ở lưng trời, trống cái đi đôi với thanh la, chốc chốc lại đưa ra những tiếng oai nghiêm trịnh trọng.
Ngoài dãy phên nứa hùng vĩ như bức tường thành quây kín lấy khu nền tường, đội lính trú phòng rầm rập theo vó ngựa của quan Giám trường để điệu diễu từ mặt nọ đến mặt kia. Tiếng nhong nhong của nhạc ngựa hòa với tiếng dình dình của trống quân, càng giúp cho cuộc tuần phong thêm vẻ cẩn mật.
Trên nếp cổng tiền, một bức hoành biển nghiêng mình nằm ghếch đầu trên đôi đồng trụ, chiều dài thườn thượt không kém một chiếc thuyền thoi. Sóng biển phủ một bức diềm nhiễu điều, chính giữa kết thành một bông hoa sen to bằng cái mâm, hai đầu thì hai trái găng lớn như hai cái thúng lủng lẳng đu ở cạnh cột. Lòng biển, bốn chữ: "Tân hưng thịnh điển" song song đứng ngang một hàng, nét vàng lóng lánh trong nền sơn son như muốn cười với ánh lửa của trời tối.
Từ mặt tiền qua phía tả đến mặt hậu, cũng như từ mặt hậu qua phía hữu đến mặt tiền, bốn cửa của bốn vi Giáp, Ất, Tả, Hữu đều ngỏ thênh thang.
Những cái khung bảng chứa hàng mấy nghìn tên người đều ngoảnh bộ mặt "dán giấy" ra đường, như đương ngóng các thầy sĩ tử.
Mấy chiếc ghế tréo cao chín, mười bậc cùng doãi bốn chân và đứng ngất ngưởng ở ngoài các cửa như đang đợi các ông khảo quan.
Trước hai cửa của hai vi Tả, Hữu, cũng như trước hai cửa của hai vi Giáp, Ất, toàn lính thể sát đo nhau đứng chực ngoài cửa với những dáng bộ rất nghiêm trang. Tấm áo nẹp xanh thân đỏ gọn gàng nấp dưới chiếc nón dấu sơn quang dầu. Những sợi dây tòng của chiếc tay thước khảm trai, bông bênh rủ xuống miếng ban kiên sặc sỡ.
Khoảng đầu canh ba, tiếng ồn ào bắt đầu nổi ở nẻo xa xa. Rồi nó dần dần gần lại. Rồi nó dần dần rõ thêm. Rồi nó dần dần đưa đến những đám đèn đuốc lập lòe như đám ma trơi. Học trò các nơi tấp nập kéo đến cửa trường.
Gió bấc thổi càng dữ.
Những cây đình liệu cháy càng nỏ.
Trên miếng đất giá lạnh của trời đông, bóng người chật như đám hội.
Có người tóc đã bạc phơ. Cũng có người hồng mao còn ngất nghểu trong vành khăn nhiễu. Có người không giấu sự nghèo túng, thân hình gầy guộc so ro trong mảnh áo đơn. Cũng có người như muốn khoe vẻ phong lưu, quanh mình quấn mấy lần áo bông sù sù, hai hàm răng còn run cầm cập. Có người hai vai nặng trĩu, khuỷu tay còn đủ sức thích bên kia gạt bên nọ, len từ ngoài tít vào trong cùng. Cũng có người cất cổ không lên, lều chiếu đều bị lôi sềnh sệch ở mặt đất. Vênh cái mặt dương dương tự đắc, đó là người mới thi lần đầu. Vẻ lo ngại hiện đầy trên bộ trán nhăn nheo ấy là kẻ lảo đảo trường ốc.
Còn nữa, và còn nhiều nữa. Tả không thể hết.
Đêm càng khuya, học trò kéo ra càng nhiều. Ai vào vi nào, lật đật tìm đến cửa vi ấy. Dưới hàng vạn nón chóp lố nhố đứng ở bốn cửa, hàng vạn con người cùng một lối trang sức như nhau: sườn này, cái chõng tre và bộ gọng lều; sườn kia, thì bó áo tơi và cuộn áo lều, hoặc một đôi chiếu cói; trên ngực, quả bầu be và chiếc ống quyển; dưới bụng thì cái yên mộc hay cái tráp sơn. Bấy nhiêu đồ vật, nặng có, nhẹ có, lớn có, bé có, dài có, ngắn có, hết thảy xúm lại và đu cả lên cái cổ yếu ớt của các ông thư sinh. Hình như trời cũng bắt tội nhà Nho, trước khi bước lên đường công danh, đều phải tập làm việc của bọn phụ trạo.
Kẻ chen vào người đẩy ra, kẻ du đi, người ấn lại, dưới ánh lửa sáng, đám người dồn dập bị xô đẩy cồn cộn như lớp sóng nước triều. Tiếng gọi nhau, tiếng hỏi nhau, tiếng chào nhau, tiếng mắng nhau, tiếng cãi nhau, tiếng rầm rầm nói chuyện với nhau. Các thứ tiếng ấy hợp lại, làm cho bốn khu cửa trường, ầm ầm như bốn cái chợ.
Sang đầu canh tư, các cây đình liệu đều cháy hết già một nửa. Tàn nứa đỏ ối theo ngọn gió bấc tản mác bay khắp vùng trời. Rồi từ từ, nó rơi xuống đám đầu người, xuống quãng đất không. Xuống những nơi ở tít xa xa, nếu nó không bị tắt ở trong bóng tối.
Thình lình trong nhà Thập đạo, kiểng đồng gióng với trống khẩu, dõng dạc đánh luôn ba hồi. Các bóng đèn lồng nhất tề lay động. Các áo thụng lam, các mũ cánh chuồn đồng thời rộn rịp như sân khấu rạp tuồng. Sau khi bốn ông Ngự sử(1) đã đem chức trách đàn hặc(2) lên bốn chòi canh, các ông khảo quan tức thì cắt nhau mỗi người đi mỗi ngã. Cũng như mọi khoa, hai ông Phân khảo phải coi hai cửa Tả, Hữu, ông Phó chủ khảo được theo chiếc biển "phụng chỉ" ra cửa vi Ất. Còn cửa vi Giáp thuộc quyền ông Chánh chủ khảo và lá cờ "khâm sai" của nhà vua ban.
________________________
(1). Trước ngày thi Hương, căn cứ vào số sĩ tử của từng trường thi, triều đình sẽ cắt cử Khảo quan. Khảo quan chia làm hai ban: Ban Giám khảo phụ trách chấm thi gồm các quan Sơ khảo, Phúc khảo và Giám khảo (Nội trường) và Chánh, Phó chủ khảo và Phân khảo (Ngoại trường); Ban Giám sát làm nhiệm canh phòng, giám sát cả quan trường lẫn sĩ tử, thấy điều gì sai phải "đàn hặc", nếu không thì chính bản thân cũng bị tội. Ban Giám sát gồm: Giám sát Ngự sử, các viên Thể sát, Mật sát và lính canh; Ngoài ra còn có Chánh, Phó Đề điệu (quan võ) làm việc biên chép, rọc phách, kháp phách, yết bảng... và các lại phòng giúp việc.
(2). Có trách nhiệm chuyên giám sát sai sót, lầm lỗi của quan lại.
BẠN ĐANG ĐỌC
Lều chõng
General FictionLều chõng đã thực hiện "một tua du lịch" sinh động, thú vị, giúp các thế hệ hậu sinh, lội ngược dòng thời gian để tiếp cận và khám phá về Lều chõng, khu vực có ý nghĩa đặc biệt, không chỉ là chuyện văn chương, chữ nghĩa mà còn gắn bó mật thiết đến v...