XXI (Hết) (1)

87 7 0
                                    

Một lần nữa, cụ bảng Tiên Kiều lại đứng làm ông tơ hồng xe duyên cho con gái út ông đồ Vân Trình.
Chẳng bao lâu nữa, cô gái ngoan ngoãn và ngây thơ đó sẽ thành ra bà nội tướng của ông Cử Cung.
Nhưng lần này không phải do ở cụ Bảng chủ trương như mối nhân duyên cô Ngọc. Đây là tự ý cụ Mền(2) Trúc Lâm.
Từ khi Đốc Cung mới có tin đỗ Cử nhân, ở Hà Nội và Sơn Tây cũng có nhiều người gọi gả con gái cho chàng. Trong số đó, có người hiện đương làm quan, có người nổi tiếng cự phú, không ai là nhà tầm thường. Nhưng theo ý cụ Mền, thì việc kén chọn nàng dâu chỉ cốt ở người và nết, rồi ở phúc đức của cha mẹ, chứ sự phú quý thì không cần lắm. Vì là bạn thân của ông đồ Vân Trình, trước kia cụ vẫn thường thường đến chơi, đã có biết mặt cô Bích cho nên cụ mới từ chối các đám, rồi cụ cậy cụ Bảng làm mối cô này cho Đốc Cung.
______________________
(1): Vân Hạc hỏng thi lần thứ hai không phải vì kém tài mà vì phạm vi trong thi Đình, bị cách tuột tất cả, kể cả danh hiệu Giải Nguyên thi Hương. (NBS)
(2). Mền (Tú mền): Thi Hương đều chỉ đỗ đến Tú tài những ba lần mà không sao đạt được Cử nhân.

Với Đốc Cung, ông Đồ, bà Đồ đều không lạ gì. Nếu chàng hỏi cô Bích từ khi chưa đỗ, ông bà cũng vui lòng gả, huống chi bây giờ chàng lại mới đỗ Cử nhân. Cố nhiên ông bà không hề từ chối nửa lời.
Hôm nay là ngày ăn hỏi, ông Đồ nghĩ mình hiếm hoi lại đã tuổi già, ít khi có dịp được gặp anh em cố giao, cho nên khi mới nhận nhời nhà trai, ông có cho mời mấy ông bạn già gần đó đến chơi với mình.
Từ lúc nửa buổi, cụ Nghè Quỳnh Lâm, cụ Cử Liên Trì, cụ Cử Mai Đình, thầy nào tớ nấy, đã cùng đến cả. Họ nội, họ ngoại cũng đương lục tục kéo vào. Trong nhà rất là tấp nập.
Chỉ có cô Ngọc sắc mặt vẫn buồn rười rượi, nhiều lúc nước mắt chạy quanh, có khi lén vào trong buồng, lăn đùng trên giường bưng mặt khóc thầm.
Là vì trước đây bảy ngày, người đầy tớ của cô thuê đi theo hầu Vân Hạc vào kinh, vừa về báo cho cô biết tin chồng bị bắt vào ngục.
Thật là sét đánh bên tai cũng không sợ bằng. Lúc ấy mặt mũi cô không còn sắc máu, chân tay cô run cầm cập, trống ngực cô đánh thình thình, luống cuống cô vội hỏi hắn vì cớ gì mà chàng bị bắt.
Nhưng mà ai biết? Chính chàng cũng còn chưa biết, huống chi đầy tớ của chàng.
Ông Đồ, bà Đồ cuống quít lo sợ, lập tức cho người sang làng Đào Nguyên nói với bà Cống và anh em Hải Âu.
Bên ấy được tin, cả nhà đều kinh khủng. Bà Cống kêu khóc như mưa như gió.
Ngay sáng hôm sau, Tiêm Hồng liền phải thuê người cùng đi với mình vào kinh để xem tình đầu ra sao.
Thầy trò Tiêm Hồng đì được một lát, cô Ngọc cũng tới Đào Nguyên, mọi người trông thấy đều phải giật mình. Vì không biết rằng cô bắt đầu đi bao giờ, mà bây giờ đã sang đến đó. Thì ra đêm ấy, cô những nóng đòng nóng ruột chỉ muốn biết ngay tin tức của chồng, cho nên mới đầu canh tư cô đã cắp nón ra đì, cốt về nhà chồng để xin phép mẹ và anh cho mình vào Huế thăm chồng. Nhưng bà Cống và Hải Âu, Đoàn Bằng đều không bằng lòng cho đi. Sợ rằng thân gái dặm trường có thể xảy ra nhiều sự nguy hiểm. Vả chăng đã có Tiêm Hồng đi rồi, công việc thế nào sẽ có tin về không cần phải thêm người đi nữa.
Cô cũng biết thế là phải. Nhưng nghĩ đến chồng bị giam, không biết tội lệ ra sao, thì gan ruột cô tự nhiên thấy như lửa chất, cô cứ khóc rũ, khóc rượi, khóc không dứt tiếng. Hải Âu, Đoàn Bằng tuy đã hết sức khuyên giải, nhưng cũng không ngăn được nỗi thương tâm của em dâu. Quá trưa cơn khóc của cô đã không còn tiếng, thì có người nhà ở bên Vân Trình sang hỏi cô có đấy không. Là vì lúc đi cô không kịp nói với ông đồ, bà đồ, ông bà không biết rằng con đi đâu, nên phải cho người sang tìm. Hải Âu, Đoàn Bằng tức thì giục cô phải về Vân Trình, kẻo nữa ông bà lo ngại.
Từ đấy, suốt ngày suốt đêm không mấy khi cô ráo nước mắt... chỉ muốn mọc ngay đôi cánh để bay vào kinh xem chồng thế nào.
Trước cái tai nạn... của rể và sự thê thảm của con, cố nhiên ông đồ, bà đồ cũng đều đau xót vô hạn. Bởi vì ông bà bây giờ đã đều mình già sức yếu, chỉ có vợ chồng Vân Hạc làm vui cho cảnh nắng quái chiều hôm. Nếu chàng bị tội, tất nhiên gia đình sẽ phải tan nát, mà rồi công việc trăm năm của mình cũng khó có người khả dĩ trông cậy. Cho nên từ hôm được tin Vân Hạc bị bắt, ông đồ cũng như bà đồ, lúc nào cũng ủ rầu rầu, có bữa bỏ cả ăn uống.
Đáng lẽ lễ hỏi cô Bích, ông bà cũng không bầy biện lình đình làm gì. Trong nhà đương có vết thương, ai còn bụng dạ nào mà nghĩ đến chuyện vui mừng?
Nhưng vì trót mời khách khứa từ trước, hoãn lại, sợ có ngáng trở cho việc tốt lành của đôi trẻ sau này. Vì thế, ông bà cũng phải miên cưỡng giữ đúng hẹn cũ. Nhưng việc cỗ bàn, thì chỉ sửa soạn một cách lạo thảo, không có hoa hòe gì hết.
Các cụ bè bạn của ông đồ, lúc trước, đều chưa biết tin Vân Hạc bị nạn, khi thấy ông đồ nói chuyện, ai cũng có vẻ ái ngại. Nhất là cụ bảng Tiên Kiều lại càng lo thay cho học trò mình. Vì cụ biết chàng chưa hết cái tính tự phụ của tuổi trẻ, nếu như trong bài đình đối mà có chỗ nào nói ngông, làm cho phật ý triều đình, thì không khéo sẽ bị tội nặng. Rồi các cụ lần lượt phỏng đoán cái cớ Vân Hạc bị bắt. Cụ này bảo phạm húy, cụ kia bảo chàng làm văn trái ý nhà vua, có cụ lại đồ là chàng đã đi vào chỗ cấm địa. Rút lại, chẳng ai đám chắc lời của cụ nào là đúng.
Gần trưa, ngoái sân lù lù tiến vào một dãy mâm thau phủ khăn đỏ đi theo một lũ quả tròn sơn son. Cụ Mền Trúc Lâm, và họ nhà trai đã dẫn lễ vật sang cho nhà gái, ông cử Bùi Đốc Cung cũng phải có mặt trong đám. Bấy giờ cỗ bàn vừa xong.
Sau khi nhà trai đã ngồi yên chỗ, ông đồ liền khăn áo lên nhà thờ cúng, để cho chàng rể làm lễ.
Với nhà này, Đốc Cung tuy không phải là người xa lạ, nhưng khi đóng vai chú rể, chàng cũng không khỏi có vẻ bẽn lẽn ngượng nghịu.
Thoáng nhìn Đốc Cung, cô Ngọc nhớ ngay đến chồng, máu uất lại hừng hực như sắp bốc lên. Vì sợ lỡ có sự gì, sẽ thành gàn quải(1) công việc vui mừng của em, cô phải uống mãi nước lã cho ngực đỡ nóng.
Nghe tin Vân Hạc bị bắt, Đốc Cung rụng rời chân tay, sắc mặt tự nhiên xám lại, như người vừa qua một trận khủng khiếp.
Cả nhà xúm lại hỏi chàng về chuyện Vân Hạc ở kinh. Nhưng chàng cũng không biết lắm. Vì xong kỳ đệ nhi, chàng đã lên đường về Bắc rồi, còn biết chuyện trò trong ấy ra sao.
Tàn ba tuần chè, khách khứa họ mạc bắt đầu uống rượu.
Câu chuyện Vân Hạc thành một đầu đề của cả bữa tiệc. Hầu hết các mâm, mâm nào cũng nói đến chàng làm cho ông đồ càng thêm lo phiền, tuy ngồi tiếp khách nhưng ngoài tiếng mời chào, ông không nói thêm một câu nào khác.
Cụ Bảng Tiên Kiều, cụ Nghè Quỳnh Lâm và cụ Cử Liên Trì tuy đã thi nhau pha trò, để cho quang cảnh vui thêm, song mà trên tiệc vẫn có một vẻ bẽ bàng.
__________________
(1). Gàn quải: Cản trở công việc, không phải là "gàng quải" như một số bản đã in.

Lều chõngNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ