VII

98 4 0
                                    

Ánh nắng nhạt của trời tháng chín đã phá tan lớp sương mù bắt đầu in xuống mặt đất.
Cánh đồng lúa chín tưng bừng biến thành làn biển sắc vàng.
Hơi sương đọng lại ban đêm còn đầm đìa trên lá cây và lóng lánh trên ngọn cỏ.
Bằng dáng bộ vui vẻ của một người đương được hả dạ, cô Ngọc - bây giờ có thể gọi là cô Khóa Hạc tung tăng đi trên bờ đê với chiếc thúng nhòi cắp ở dưới sườn. Chốc chốc cô lại quay đầu về phía cổng làng để ngó xem chồng ra chửa.
Nhưng mà chàng vẫn chưa ra.
Thủng thẳng bước một, cô dạo tới một gốc cây đa ven đê. Và lật chiếc nón khua sơn nhôi bạc đặt ngửa xuống một đám cỏ, cô để cái thúng lên trên. Rồi vén váy áo cho khỏi lòa xòa, cô ngồi vào một rễ đa cạnh đó, và giở thúng lấy kim chỉ và miếng mụn nhiễu cô vừa khâu túi vừa đợi chồng.
Sau cái đêm đuốc hoa phòng động, cô về quê chồng lần này là hai.
Bởi vì từ khi xong lễ lại mặt, Vân Hạc đã cho người sang nhà trọ dọn hết sách vở đồ đạc sang nhà ông Đồ Vân Trình, để cùng cô hưởng cuộc đoàn viên, cho nên cô dù đã đi lấy chồng, nhưng vẫn được ở nhà với cha mẹ.
Vợ chồng ông Đồ cũng muốn cho cô trọn đạo làm dâu. Cho nên cách đó ít bữa, ông bà lại bắt Vân Hạc đưa cô về làng Đào Nguyên để thăm bà Cống và đi chào các ông chú, bà bác trong họ.
Cô ở nhà chồng chỉ có hai đêm một ngày, thì bà Cống Đào Nguyên giục cả vợ lẫn chồng phải sang Vân Trình. Là vì năm đó, hương thi có kỳ ân khoa(1), bà sợ con trai nấn ná ở nhà, hoặc giả lại sao nhãng về việc đèn sách. Chiều ý mẹ, Vân Hạc lại phải đi ngay.
______________________
(1). Ân khoa (Khoa thi gia ơn): Khoa thi đặc biệt được mở khi nhà vua hay đất nước có lễ mừng như vua mới lên ngôi, sinh hoàng tử, sinh nhật hoàng thái hậu... Nếu Ân khoa trùng vào năm có Chính khoa (là khoa thi mở theo thời gian như quy định thường lệ) thì lùi Chính khoa lại và tổ chức vào năm sau.

Năm gian nhà khách của Đồ Vân Trình lúc ấy đã thành ra giang sơn riêng của vợ chồng cô. Với cái giang sơn ấy, đời cô hơn một tháng nay, có thể nói là đầy những thi vị. Ngày thì đi chợ bán hàng, tối về cô lại dệt cửi. Buồng cửi của cô đối nhau với buồng học của Vân Hạc. Những lúc đêm khuya nhà vắng, bóng trăng vằng rọi trước thềm, chàng học, cô thì dệt vải, tiếng đọc sách giòn giã xen với những dịp đều đặn của tiếng ác kêu, khiến luôn luôn cảm thấy cái sung sướng êm đềm của đời tuổi trẻ vô lo vô lự.
Nhưng mà chí cô không phải có thế, cô còn muốn được hơn nữa.

Bây giờ kỳ thi sắp tới. Chỉ còn cách năm ngày nữa, chàng phải trẩy trường. Vì vậy ông Đồ, bà Đồ bảo chàng và cô phải về Đào Nguyên để sửa lễ thờ. Vân Hạc tuy vẫn không thích việc đó, nhưng vì chiều lòng ông nhạc, bà nhạc, chàng cũng không muốn từ chối.

Sáng nay cô và chàng ăn cơm sớm hơn mọi ngày. Đáng lẽ hai người cùng đi một lúc, nhưng vì vợ chồng mới cưới cô vẫn chưa hết cái tính xấu hổ, sợ rằng đi đôi với chồng lại bị chị em chê cười. Cho nên cô mới dặn chàng đi sau để mình đi trước, ra khỏi cổng làng, cô sẽ vừa đi vừa đợi.
Dưới bóng rợp mát của cây đa, mắt cô tuy nhìn vào mũi chỉ đường kim, nhưng bụng cô vẫn để cả vào người thày bói mà cô mới bói trong phiên chợ trước:
"Người ta vẫn đồn lão thầy bói ấy đoán quả hay lắm. Hắn bảo tháng này mình có tin mừng, chắc anh chàng ta thế nào cũng đổ. Vả lại cụ Bảng Tiên Kiều, cụ Nghè Quỳnh Lâm và nhiều cụ khác đều nói quyết rằng anh ta phải đỗ kia mà. Nhưng, anh ta đỗ ngay, mình cũng không thích. Vợ chồng lấy nhau mới già một tháng, mà chồng đã đổ, thiên hạ sẽ bảo mình không có công nuôi chồng đi học ngày nào. Ước gì anh ta hỏng vài khoa nữa, rồi sau hãy đổ, để mình nuôi hắn cho thiên hạ biết tay". Nhưng rồi cô lại gạt đi mà rằng: "Sao mình lại nghĩ dại dột như thế? Gì thì gì, chứ chồng đỗ sớm vẫn có sướng hơn. Thi Hương đã vậy, lại còn thi Hội. Nếu khi mình đã con bận con mọn vác đôi vú ộ ệ mà lên ngồi võng vinh quy, có lẽ không thú gì nữa".
Cái túi khâu đã gần xong, vẫn chưa thấy bóng Vân Hạc. Cô toan đứng dậy trở về, thì trong cổng làng một chiếc nón dứa vừa nhô ra dưới bóng nắng.
Nhìn cái dáng điệu nhanh nhảu và nhẹ nhàng của người đội nón, cô nhận đích là chồng mình, tức thì cô lại ngồi xuống để khâu cho xong cái túi.
Bóng nắng lan đến gốc đa.
Trận gió hiu hiu thổi qua đồng lúa.
Những bông lúa chín lướt theo chiều gió cồn cộn như một lớp sóng vàng.
Tiếng hát đưa liềm của mấy cô thợ gặt thi nhau lên bổng xuống chìm, réo rắt trong cánh đồng bát ngát.
Trước cảnh tượng bao la man mác, cô dừng mũi kim, mơ màng nhìn ra đám chân trời xa xa.
- Làm gì mà thơ thẩn vậy?
Tiếng hỏi thình lình dội vào bên tai, khiến cô giật mình quay lại. Vân Hạc đã sừng sững đứng ở đằng sau với nụ cười.
Chàng tiếp:
- Đợi lâu thế hẳn nóng ruột lắm đấy nhỉ?
Cô cũng mỉm cười và đáp:
- Không nóng ruột. Chỉ tính quay về đấy thôi. Trang điểm những gì mà ở nhà bây giờ mới đi?
Vừa nói, cô vừa thu xếp cái thúng, rồi cô uốn vai, vặn mình, uể oải đứng dậy.
Vợ chồng liền sánh vai nhau vừa đi vừa nói những chuyện tầm phơ. Con đường tuy xa, nhưng chàng vẫn luôn luôn đi về, cô thì hàng ngày đi chợ đã quen, cho nên ai nấy cũng không mỏi lắm.
Mặt trời đến đỉnh đầu, cổng làng Đào Nguyên lù lù hiện ở trước mặt. Cô toan lùi lại để chồng vào trước. Nhưng chàng bảo cô cứ việc cùng đi, không phải e lệ gì cả.
Hai người mới nhô đầu vào cổng nhà, lũ cháu thi nhau cười reo:
- Ấy a, chú Tư, thím Tư đã về!
Rồi chúng đua nhau lạy chú, lạy thím và chúng xúm xít chung quanh, đứa này nắm tay, đứa kia níu lấy vạt áo của thím. Xoa đầu chúng nó khắp lượt, cô và chàng vui vẻ đi vào trước thềm. Bà Cống đương ở trong nhà mừng rỡ bước ra. Cô và chàng cùng cung kính chào. Bà Cống tươi cười:
- Ừ các con đã về đấy ư? Đẻ đương có ý mong đợi. Nếu như hôm nay chúng bay không về, thì có lẽ ngày mai đẻ phải cho người đi gọi.
Vân Hạc sửng sốt:
- Thưa đẻ có việc gì ạ?
Bà Cống vội đáp:
- Không! Có việc gì đâu. Vợ chồng hãy vào trong nhà mà nghỉ. Đi đương lúc nắng có mệt lắm không?
Cô Ngọc lễ phép:
- Thưa đẻ, cũng không nắng lắm. Vì ở trên đường có gió luôn luôn.
Rồi cô nhẹ nhàng lên thềm và sai một đứa cháu lớn đi xuống nhà dưới lấy cho cái đĩa. Sau khi đã giở thúng lấy mấy chiếc bánh cốm bày lên trên đĩa, bưng đến trước chỗ bà Cống, mời bà xơi nước, cô đem gói kẹo phân phát cho lũ trẻ con. Mấy người chị dâu nghe tiếng vợ chồng chú Tư đã về, ai nấy đon đả chạy lên chào hỏi. Trong nhà vui như ngày Tết.

Lều chõngNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ