Đêm qua, trời lại nực hơn mấy đêm trước, Vân Hạc không thể ngồi yên xem sách. Với một chiếc gối và một chiếc chiếu, chàng lủng củng đổi chỗ khắp cả khu vực trong nhà để tìm một nơi mát mẻ. Nhưng trong bầu nung nấu của trời tháng năm đâu cũng như đâu, ngọn cây, ngọn cối đều đứng chăm chắm, không đâu có một tí gió. Ở thềm ra sân, ở sân ra vườn, rồi vườn ra bờ ao, mỗi chỗ chàng chỉ trải chiếu nằm được giây lát, liền thấy hơi nóng như ở gầm chiếu bốc lên, lại phải cuốn chiếu cắp gối chạy đi nơi khác, y như một người hóa dại.
Mãi đến "gà gáy thứ hai", trời mới hơi dịu, ngoài sân, ngoài vườn, hơi sương tỏa ra mù mù, chàng bèn vào buồng học, ngả lưng trên một chiếc ghế ngựa, thiu thiu nhắm mắt. Mới chợp đi được một lúc, thì một tiếng kẹt cửa đã làm cho chàng tỉnh dậy.
Trời vừa sáng rõ.
Mấy con chim sẻ ríu rít kêu trên giàn hoa.
Cánh cửa mở to, một cậu học trò và chiếc nón son úp ở sau lưng theo chân thằng nhỏ, khép nép bước đến trước án thư, vái một vái, rồi đặt một chiếc phong bì lên án:
- Thưa bác, thầy con sai con trình bác cái thư.
Cậu ấy lui ra, khoanh tay đứng dựa vào cửa. Sau một cái ngáp thật dài, chàng oằn oại ngồi dậy bằng một bộ điệu mệt nhọc. Rồi chàng cầm lấy phong thư và mở ra đọc:
Trình trước văn kỷ anh Đào Vân Hạc.
Độ này chắc anh để hết thì giờ vào việc "quyết khoa", cho nên sao nhãng cả tình bè bạn.
Hơn một tháng nay, không được gặp anh, cỗ kiệu đã mốc, bàn cờ đã bị cát bụi phủ đầy. Tôi vẫn khao khát tôn nhân, như lúc nắng cạn khao khát trận mưa rào vậy.
Nay nhân dậy sớm, ra thăm vườn hoa thấy một giò lan bạch ngọc mới nở, sự khao khát ấy lại càng bồn cồn.
Vậy xin anh hãy phí một chút quang âm, tạm dời gót ngọc đến túp lều tranh; ta cùng xem hoa nở, nghe chim hót, để tiêu ngày dài của mùa hè.
Tôi đương quét lối "hoa rụng" đợi anh, mong rằng anh đến ngay cho.
Hoa sen đương nở, kính chúc văn an. Còn nhiều chuyện khác, để lúc gặp nhau sẽ nói.
Sao Tuế ở ngôi Quý Dậu, trước tiết Hạ Chí năm ngày.(1)
Đệ Nguyễn Khắc Mẫn
Bái thư
_______________________________
(1). Thư này nguyên văn bằng chữ Hán. Tiếc rằng người dịch ra Quốc âm chưa được hết nghĩa, bạn đọc lượng cho (Nguyên chú của tác giả). Theo Dương Lịch, trong Thế kỷ XIX có hai năm Quý Dậu, nếu kể đến thời kỳ khoa cử Nho học đã phục hồi thì nên tính đó là năm 1873. Chú giải này chỉ góp thêm ý chứng tỏ sự việc nêu trong Lều chõng diễn ra vào khoảng giữa Thế kỷ XIX dưới thời Nhà Nguyễn.Đọc xong chàng để mảnh thư xuống án mỉm cười và nhìn vào mặt cậu học trò kia:
- Cháu về thưa với thầy rằng: bác bảo cho người mua rượu và làm đồ chén ngay đi. Bác sẽ sang sau.
Dạ một tiếng rất lễ phép, cậu học trò ấy lại vái Vân Hạc một vái rồi ra.
Vân Hạc đứng dậy ra sân, chàng vừa múc nước rửa mặt vừa lẩm bẩm nghĩ thầm: "Hôm nay anh chàng tự nhiên cao hứng thế này, chắc có chuyện gì quan hệ. Ta phải sang ngay kẻo hắn mong đợi."
Rồi chàng lững thững trở vào buồng học sắm sửa khăn áo.
Thằng nhỏ lệch kệch bệ lên án thư một bộ khay chén và ấm nước sôi, đặt trên mảnh gỗ có chuôi như cái bê đựng vôi của thợ nề.
Chàng vừa pha nước vừa lẩm bẩm đoán thử câu chuyện chốc nữa Khắc Mẫn sẽ nói với mình. Nhưng mà không sao đoán được. Là vì từ trước đến giờ, ở giữa hai người không việc gì có thể dùng làm manh mối cho sự suy nghĩ.
Uống tàn ấm nước, chàng liền cắp nón ra cổng.
Ngoài đồng, người làm đã đông. Trên các ruộng nước đục, lổm chổm những mô đất cày, trâu bò đương gò lưng tôm kéo bừa theo hiệu lệnh hùng dũng của tiếng "vặt diệt".(1)
________________________________
(1). Vặt diệt: Tiếng thợ cày bảo trâu quay đầu. Không phải là "vật diệc" như bản in năm 2014 của Nxb HNV.
BẠN ĐANG ĐỌC
Lều chõng
قصص عامةLều chõng đã thực hiện "một tua du lịch" sinh động, thú vị, giúp các thế hệ hậu sinh, lội ngược dòng thời gian để tiếp cận và khám phá về Lều chõng, khu vực có ý nghĩa đặc biệt, không chỉ là chuyện văn chương, chữ nghĩa mà còn gắn bó mật thiết đến v...