Sự bất hòa về nhận thức có thể được xem như là một tình trạng tiên quyết dẫn đến những hành vi nhằm giảm thiểu sự bất hòa (xảy ra ở chính tình trạng đó), giống như sự đói dẫn đến hoạt động giảm đói. Động lực này rất khác biệt so với các vấn đề của tâm lý học, dù ta biết nó mạnh mẽ hơn bất cứ điều gì.
Jeonghan đảo mắt, rồi gật đầu. Mỗi khi anh đảo mắt, rồi gật đầu, chỉ có một khả năng: anh – từ trạng thái phản đối, đã chuyển sang trạng thái chấp nhận và có phần chịu đựng, dù bản thân anh vẫn còn ở pha đầu.
Anh có phải không luôn dung túng tôi như thế? Hay anh chỉ đơn giản là chấp nhận tôi, chịu đựng tôi và bỏ qua tôi, vì cho rằng những gì tôi làm đều chỉ dừng lại ở tuổi mười tám đôi mươi, chưa bao giờ trưởng thành được dù chỉ một chút? Tôi muốn nói với anh tôi đã chẳng còn là thằng nhóc ngày nào lẽo đẽo theo sau lưng anh, muốn kéo tay anh rồi lại thôi, chỉ sợ anh tan mất như phù vân cuối trời. Tôi cũng chẳng phải là kẻ lọt thỏm trong đám đông tiễn anh đi xa và chính tại sân ga ấy nhìn theo anh cho đến khi con tàu khuất bóng dưới ánh chiều tà. Đi qua ít nhiều chai sạn của cuộc đời, tôi chẳng có gì tha thiết hơn việc được đi cùng anh dưới tán ô mùa hè, để câu hát "Đường xa ướt mưa, ai đưa em về?" không còn vang lên từ cái đĩa hát quay vòng trong đầu như một ám thị kinh niên.
Nhưng trong mắt Jeonghan, tôi chỉ là một đứa trẻ. Một đứa em luôn bướng bỉnh, luôn phá quấy, luôn khiến anh phải phiền lòng. Một người anh thương nhiều hơn là yêu, thương nhiều thì giận nhiều, giận nhiều thì thương nhiều. Đôi tình nhân thương nhau vì họ đã qua cái ngưỡng ràng buộc bởi tình yêu mà giờ được thay bằng trách nhiệm với con cái và họ hàng. Chúng tôi thương nhau là vì chẳng còn cách nào khác ngoài việc đành phải làm thế để đỡ ghét nhau thêm.
Jeonghan bảo, nếu Leon Festinger còn sống, chắc ông sẽ xúc động không thôi trước chúng tôi – nhân chứng sống kinh điển và mẫu mực cho thuyết Bất hòa Nhận thức của ông. Nếu hai chúng tôi được xếp cạnh nhau, có hay không sẽ giống một thỏi Merci vị Koffee an Kreme đựng trong hộp Finest Selection bán chạy nhất ở châu Âu mỗi mùa Giáng Sinh?
Tối đó, Jeonghan lười nấu, chúng tôi ra ngoài ăn.
Anh bình thường di chuyển bằng tàu điện ngầm hoặc xe buýt – Jeonghan ổn với giao thông công cộng. Song anh còn có một chiếc xe đạp điện dùng để đi mua sắm đồ hoặc đi loanh quanh trong khu, vì khi đó tiện hơn rất nhiều. Vì tôi không biết đi xe nên để anh đèo, ngồi trên cái xe con con chẳng cân xứng tí nào. Gió thổi tóc anh bay về phía sau, lướt qua mặt tôi ran rát, hương cam tươi mát khiến tôi chạnh lòng. Tôi nhớ đến ngày đó chở anh về cũng có gió, nhưng tôi mãi mãi không thể biết lúc đó tóc anh có mùi gì.
Chúng tôi gọi hai chai bia, mỗi người một. Món ăn đơn giản, giống nhau, cơm món chia theo suất, khách tự chọn. Tôi chọn tới chọn lui một hồi, cân đối các thành phần dinh dưỡng; Jeonghan nhìn mãi rồi cũng kêu với bà chủ quán, "Cho cháu giống cậu ấy." Rồi chúng tôi uống. Hớp bia đầu tiên trôi xuống cổ họng, cảm giác mát lành lạnh làm tôi như mê đi. Bên kia, má Jeonghan phiếm hồng, mắt anh mơ màng không tiêu cự. Anh nhìn tôi, mà như không nhìn tôi. Jeonghan nói, "Mingyu này, có đúng là cậu đấy không?"
Tất nhiên là em rồi, tôi nói.
Jeonghan lại bảo, "Ừ, là Mingyu rồi. Đúng là Mingyu rồi."
Tôi vẫn còn tỉnh táo, Jeonghan thì đã say mèm. Ngày xưa bọn trẻ chúng tôi hay có một từ để tả bố mỗi khi các ông hội họp bia bọt với nhau, nghe không hay lắm mà thiên về nghĩa tả thực nhiều hơn, là từ "bết rượu". Jeonghan thì say bia, nhưng anh cũng gần gần cái mức "bết" đó rồi, bởi vì sau đó người này còn gọi thêm mấy chai nữa để uống. Từ đối diện, tôi thấy mắt anh nhòe đi, loang loáng nước. Anh rót hết cốc này đến cốc khác, miệng cười, mắt lạnh tanh, môi lẩm bẩm tên tôi, rồi tên Jisoo, tên thầy giáo Mĩ thuật, tên cha mẹ anh, tên con chó nhà anh nuôi ở quê...
Tất cả những cái tên gắn với những con người từng bước vào (và có thể đã bước ra) khỏi cuộc đời anh, những sợi dây của số phận với nút thắt duy nhất ở đâu đó.
Tôi phải đỡ anh lên, và định giằng lái xe. "Anh say thế này thì lái thế nào được? Thích bị tai nạn à?" Nhưng anh đẩy ra, nói bằng tông giọng khàn đục không rõ tiếng, "Kệ anh. Anh phải về nhà!"
Và như thế, Jeonghan đèo tôi về.
Anh đi khoảng 40 km/h, lướt đi trên phố, nhưng tay lái không bị lảo đảo như tôi tưởng mà lại khá chắc chắn. Ngoài trừ những lúc đi qua một cái ổ gà hoặc một cái nắp cống trên đường anh mới hơi giật mình, còn những phân đoạn còn lại, Jeonghan lái rất mượt mà. Tôi tự hỏi không biết có phải anh đang say thật hay không, hay là cái tiệm ăn buôn bán lừa lọc đưa cho anh mấy chai bia thực chất là nước trắng.
Ban nãy trời nổi giông, khi chúng tôi gần về đến nhà Jeonghan, trời bỗng đổ mưa. Ban đầu chỉ là vài hạt lất phất, sau càng ngày càng dày. Đĩa hát trong đầu tôi lại tự động bật, nhưng không phải câu đường xa ướt mưa, mà là một giai điệu lạ lẫm một cách quen thuộc. Tiếng nhạc như bước từ trong kí ức ra, như người bạn cũ đã lâu không gặp nên ta nảy sinh cảm giác mơ hồ, nhưng càng về sau càng thấy quen thuộc lạ lùng.
Thương cho mối tình của tôi chẳng có vui... Hỡi anh này, tôi rất yêu anh. Sao anh lại ra đi...?
Có một điều tôi luôn tiếc nuối, đó là cơ hội để hiểu Jeonghan. Khi còn nhỏ, tôi ngồi trước còn anh ngồi sau, tôi không biết mùi hương trên tóc anh, cũng không hiểu hình dung của anh về của hạnh phúc. Bây giờ gặp lại, tôi dù đã tỏ tường hương cam ngọt mát, cũng chẳng biết liệu ở đằng trước ấy nước mắt anh có lẫn với nước mưa, để rồi nương theo cơn gió trời mà lướt qua thịt da tôi, đau nhói. Dù là ở thời điểm nào tôi cũng chậm một nhịp so với anh, mãi mãi chỉ là kẻ đến muộn. Đến khi tôi hiểu ra thì cũng là lúc Jeonghan bước lên đoàn tàu đi về một miền rất xa, tôi ở lại sân ga nhìn theo con tàu lẫn với ráng chiều tà. Cho đến lúc ấy, câu yêu thương vẫn chưa kịp thốt ra khỏi môi thì người cần gặp đã sớm không còn ở đó nữa. Tôi chỉ muốn nhân lúc trời xanh mây trắng, nhân lúc người chưa già và tình chưa chết theo tháng năm dông dài để đến nhìn anh lần cuối cùng trong cuộc đời.
Jeonghan đỗ xe lại dưới sân, tóc ướt như vừa mới gội đầu xong. Vai anh run lên rồi chùng xuống, rất lâu. Mưa nặng hạt – cả tuần nay hình như mưa suốt. Mưa sáng sớm làm vạn vật tươi sáng, mưa buổi chiều ru giấc ngủ vùi như một cách trốn tránh thực tại, còn mưa đêm dễ làm người ta buồn mà chẳng thể lấy kí ức ra để hong khô lại một lượt.
Tôi thích anh như vậy, bất cần và tự do. Tôi thích Jeonghan uống say và lao ra phố, lướt đi dưới dáng hình của thanh xuân tựa cơn mưa trong trang sách của Cửu Bả Đao. Nhưng tôi cũng ghét anh như vậy, ghét anh thờ ơ với bản thân mình, lãnh cảm với nỗi đau của mình. Tôi chán ghét những cái gật đẩu đảo mắt, sự nhún nhường cam chịu.
Suy cho cùng, con trai quyến rũ nhất là khi say rượu nhưng vẫn đèo được người cậu ta thương về đến nhà, an toàn và lành lặn, không phải sao?
![](https://img.wattpad.com/cover/139131397-288-k653684.jpg)
BẠN ĐANG ĐỌC
[Requested- GyuHan / JiHan] thư gửi tình nhân từng quen biết
Fanfictình cũ không rủ cũng đến.