Những câu chuyện thần kì về các anh lính lái xe hay những câu chuyện về các cô gái thanh niên xung phong trong thời kháng chiến chống Mỹ là đề tài gợi nên nguồn cảm hứng sáng tác bất tận của các nhà văn, nhà thơ. Từ cảm hứng đó, nhà văn Lê Minh Khuê đã sáng tác thành công truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi" với hình ảnh của những cô gái thanh niên xung phong hi sinh tuổi trẻ để cống hiến cho đất nước. "Những ngôi sao xa xôi" ra đời vào năm 1971, kể về ba cô thanh niên xung phong Nho, Thao và Phương Định. Cả ba cô gái ai cũng có nét đẹp riêng nhưng Phương Định- nhân vật chính của truyện với những vẻ đẹp hồn nhiên vốn có của tuổi trẻ Việt Nam trong thời chống Mỹ đã để lại nhiều ấn tượng nhất.Lê Minh Khuê là một cây bút nữ chuyên viết truyện ngắn. Trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, ngòi bút của bà trong chiến tranh luôn hướng về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ trên tuyến đường Trường Sơn. Đó là những cô trinh sát mặt đường giữa bụi mù Trường Sơn. Nho, Thao và Phương Định thuộc tổ trinh sát phá bom trên một cao điểm của tuyến đường Trường Sơn. Công việc của họ là "khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom". Trong lúc đơn vị thường làm việc khi mặt trời lặn, thì tổ trinh sát lại làm việc ban ngày, khi thần chết luôn "lẩn trong ruột những quả bom", khi mà lính Mỹ thả bom nhiều nhất và cái chết luôn theo sát ba cô gái ấy. Tuy vất vả, khó khăn nhưng các cô vẫn có những giây phút hồn nhiên, thơ mộng của tuổi trẻ. Qua đó, vẻ đẹp của cả ba cô hiện lên thật rõ nét, đặc biệt là nhân vật Phương Định.Là một thiếu nữ sống ở Hà Nội, "một cô gái khá", cô bước ra khỏi cuộc đời hồn nhiên vô tư lự của mình nhờ giác ngộ cách mạng. Phương Định là một cô gái xinh xắn, nữ tính và tràn đầy sức sống. Cô có một hình tượng rất đẹp với hai bím tóc dày và tương đối mềm, cổ của cô cao, "kiêu hãnh như đài hoa loa kèn". Đặc biệt đôi mắt cô được các anh chiến sĩ bảo "sao mà xa xăm". Cô biết mình được các anh lính để ý và có thiện cảm, cô rất tự hào về điều ấy nhưng chưa dành tình cảm cho ai. Cô chỉ thích ngắm mình trong gương và làm điệu hoặc có vẻ kiêu kì một cách đáng yêu, tế nhịn khoanh tay trước ngực, quay mặt đi chỗ khác... khi thấy các đồng đội của mình tiếp xúc với một anh bộ đội nói giỏi nào đó. Thế nhưng những người Phương Định yêu quý và cả phục nhất là những người chiến sĩ mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ.Cô đã vào chiến trường Trường Sơn 3 năm và trở thành một chiến sĩ dày dặng kinh nghiệm nhưng cô vẫn mang theo những nét đáng yêu của tuổi mới lớn. Một trong những nét rất đáng yêu ở cô là cô rất thích hát, mê hát, hát hay và đôi khi cô bịa cả lời bài hát khiến cả đội thích thú, cười vang. Cô hát để động viên đồng đội và cũng là để động viên chính bản thân mình, để gửi vào trong tiếng hát nỗi khát khao của tuổi trẻ, của người chiến sĩ, mong được trở về quê hương yêu dấu.Bên cạnh sự hồn nhiên, Phương Định cũng là cô gái thanh niên xung phong có tinh thần trách nhiệm cao, chiến đấu rất dũng cảm và bình tĩnh vượt lên mọi nguy hiểm. Tính cách này thể hiện rất rõ nét qua một lần phá bom trên cao điểm Trường Sơn. Dù trong ba năm mỗi ngày cô phá bom tới năm lần nhưng mỗi lần vẫn là thử thách thần kinh ghê gớm. Sau những đợt thả bom của giặc, Phương Định cùng Nho và Thao chạy lên cao điểm để làm nhiệm vụ, nơi vẫn còn có những quả bom chưa nổ. Lúc đến gần chỗ có bom, cô cũng sợ, nhưng "cảm thấy có ánh mắt các anh chiến sĩ dõi theo",lòng dũng cảm được kích thích bởi sự tự trọng nên cô không sợ nữa, đàng hoàng bước đi, cảm thấy an tâm hơn. Hành động ấy vừa thể hiện lòng tự trọng, vừa thể hiện ý chí mạnh mẽ, dũng cảm vượt qua mọi hiểm nguy. Cô dùng một cái xẻng nhỏ để đào đất dưới quả bom, mỗi khi lưỡi xẻng chạm vào bom tạo ra âm thanh sắc đến gai người. Vỏ quả bom nóng, không khí ngoài trời cũng nóng như tạo điều kiện cho quả bom phát nổ bất cứ lúc nào và Phương Định cố gắng thực hiện các động tác nhanh nhưng vẫn cẩn thận và nhẹ nhàng. Cách miêu tả của tác giả thật tài tình, khiến cho người đọc cũng có thể cảm nhận được âm thanh của hai vật bằng sắt chạm vào nhau rồi lại cảm thấy rùng mình như chính cô, càng thấy rõ hơn sự bình tĩnh, gan dạ của cô. Đối mặt với quả bom, cô đã nghĩ đến cái chết nhưng "một cái chết mờ nhạt, không cụ thể" còn cô chỉ lo "liệu mìn có nổ, bom có nổ?". Nghĩa là đối với cô, cái chết không phải là nỗi ám ảnh, nỗi sợ hãi mà quan trọng là cô có hoàn thành tốt công việc của mình hay không. Cô luôn muốn hoàn thành thật tốt công việc của mình dù phải hi sinh. Chính nhờ sự gan góc, dũng cảm và tinh thần trách nhiệm cao đã giúp Định thực hiện tốt công việc của mình. Hình ảnh ấy cho thấy lòng dũng cảm và tinh thần trách nhiệm rất cao ở Phương Định. Đó là biểu hiện của lòng yêu nươc, niềm tin vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.Như bao cô thanh niên xung phong khác, Phương Định làm công việc ấy để bảo vệ con đường cho những đoàn xe băng về phía trước,góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Công việc ấy đã tôi luyện một nữ sinh mơ mộng có được bản lĩnh của người thanh niên xung phong đồng thời cũng làm hiện lên một tinh thần đồng đội, đồng chí rất chân thành, gắn bó với nhau và tình cảm thương yêu, quan tâm đến nhau của các cô gái thanh niên xung phong. Đó là lúc cô lo lắng khi Thao lên cao điểm chưa về, cô tận tình, vỗ về chăm sóc Nho khi cô ấy bị thương lúc phá bom. Khi Nho bị thương,cả Phương Định và chị Thao ai cũng lo lắng. Phương Định nhanh nhẹn, tháo vát đã moi đất bế Nho lên. Cô chăm đồng đội của mình thành thạo như một cô y tá với tấm lòng nhân ái, hết lòng vì bệnh nhân khi rửa vết thương, dùng bông băng trắng băng cho Nho và tiêm thuốc cho Nho. Phương Định còn đảm đang, pha sữa "đặc cho nhiều đường vào" theo ý chị Thao cho Nho uống. Sự chăm sóc tận tình của cô đã giúp Nho khỏe lại nhanh chóng. Cô quả là một người thích ứng nhanh với thực tế chiến trường, nỗ lực làm tất cả những việc có thể bằng tình yêu thương và tinh thần tràch nhiệm vì đồng đội mình. Ba cô gái thanh niên xung phong tuy với tính cách khác nhau nhưng họ yêu thương nhau và đối xử với nhau như chị em ruột thịt. Tình đồng đội, đồng chí của Phương Định và các bạn thật thiêng liêng, cao cả và đáng quý. Chính điều đó đã tiếp thêm sức mạnh cho cô để cô làm tốt nhiệm vụ của mình. Có được trang viết này cũng một phần xuất phát từ tâm hồn giàu tình cảm của cây bút Lê Minh Khuê.Trận mưa đá cuối đoạn trích đã góp phần tô đậm thêm nét tính cách độc đáo của Phương Định. Mưa đá bất ngờ ập đến, cô vui thích, chạy ra nhặt đá, hồn nhiên như trẻ con. Sau khi mưa tạnh, là cả một dòng sông kí ức cùng nỗi nhớ da diết về gia đình và thành phố thân thương, tất cả như trào dâng, xoáy mạnh trong tâm trí cô. Với lời kể chầm chậm, nhịp cân văn giãn ra, tâm hồn Phương Định như vẫn luôn tỏa sáng mộng mơ,lạc quan yêu đời. Đó chính là một nét đáng yêu của của tuổi trẻ, đặc biệt là tuổi trẻ Hà Nội.Thành công nhất trong truyện là nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật. Truyện được miêu tả theo ngôi thứ nhất, cũng là nhân vật chính, tạo điều kiện để tác giả tập trung miêu tả thế giới nội tâm của nhân vật chính, làm cho câu chuyện diễn tả một cách chân thật, tự nhiên cảm xúc, tâm trạng của những người chiến sĩ. Truyện có cách kể linh hoạt, tự nhiên,ngôn ngữ trẻ trung, sinh động. Đặc biệt, nhà văn sử dụng nhiều câu ngắn, câu rútgọn, câu đặc biệt phù hợp với không khi căng thẳng, khẩn trương của chiến trường. Nghệ thuật đồng hiện, bút pháp miêu tả, biểu cảm hợp lí. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật rất tinh tế và sinh động.Mang trong mình những phẩm chất cao đẹp, Phương Định xứng đáng là biểu tượng của những cô gái thanh niên xung phong thời chống Mỹ, là hình tượng người con gái Việt Nam trong thời gian chiến đấu, là đại diện của thế hệ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ. Noi gương Phương Định, trong thời hòa bình hiện nay, chúng ta cần học tập thật tốt và rèn luyện bản thân để không phụ bao công lao của các chiến sĩ chiến đấu mang lại hòa bình như ngày hôm nay.
BẠN ĐANG ĐỌC
Tập làm văn
Non-FictionCái này bé học trò mình làm, bé nói thi xong mấy năm rồi nên để lại cho đàn em :>