"Dù đau đến mức nào cũng không được kêu!"
Một ngày như bao ngày khác trên ngọn núi phủ sương, thiếu niên đeo mặt nạ hồ ly bất chợt xuất hiện và chê trách Tanjiro, ra tay dần cho cậu bé một trận nhừ tử. Ngay khoảnh khắc cậu thốt ra những lời ấy tôi đã thấy khó chịu. Một gã nào đó chui ra từ cái lỗ nẻ nào đó lảm nhảm về cách cư xử như một thằng đàn ông trong khi hắn trông cũng chả lớn hơn Tanjiro là bao, sau đó là đập cho người mình mới gặp một trận. Ấn tượng ban đầu của cậu đối với tôi là một tên kiêu ngạo, thực sự! Tôi cực kì thấy khó tiếp nhận những người có tài mà tự cao, có tài mà tự cho mình cái quyền nhục mạ người khác, hơn thế nữa còn lên giọng dạy bảo người khác sống sao cho hợp với giới tính mình đang mang.
Vậy mà tôi đã hoàn toàn hiểu lầm cậu trai trẻ này mất rồi. Những lời nói và hành động khô khan mạnh mẽ đó là cách cư xử bình thường của một cậu trai gai góc thấy chết không sờn lòng. Sabito nghiêm khắc vì Tanjiro, Sabito che giấu đi gương mặt hiền dịu của bản thân đằng sau chiếc mặt nạ trừ tà mang vẻ âm hiểm ấy vì Tanjiro. Trong thời điểm Tanjiro thấy nản chí vì việc luyện tập của mình dường như dậm chân tại chỗ, cậu chẳng thể tiến xa hơn được nữa vì thiếu sự chỉ dạy, thiếu sự ngộ đạo thì Sabito xuất hiện với tất cả sự mạnh mẽ khắc khổ, ép cậu vào khổ luyện để chỉnh đốn lại động lực luyện tập của cậu bé, kết hợp với sự dịu dàng uyển chuyển của Makomo để gợi nhắc cậu bé động não suy nghĩ. Cứng rắn nghiêm khắc quá sẽ khiến người ta dễ nảy sinh tâm lý chán ghét mà chống đối, mềm mỏng quá thì khiến lòng người coi thường mà hành động như con ngựa đứt cương. Sự kết hợp của Sabito và Makomo trong quá trình huấn luyện Tanjiro hướng tới kì sát hạch cuối cùng là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cương và nhu, giữa cứng rắn và mềm mỏng, giữa nghiêm khắc và ân cần. Khoảnh khắc Tanjiro chém đôi tảng đá thử thách của thầy Urokodaki, Sabito và Makomo đã thành công bước đầu.
Hai đứa trẻ ấy đâu? Hai đứa trẻ ấy biến đi đâu rồi? Chiếc mặt nạ cáo vỡ làm đôi, lộ ra gương mặt thật cùng nụ cười ẩn chứa nỗi buồn mang mác ấy là sao? Rốt cuộc Tanjiro đã chém trúng mặt nạ của Sabito hay cậu đã chém tảng đá? Sabito là linh hồn của tảng đá sao? Những lời nhắn nhủ cuối của Makomo đối với Tanjiro mang ý gì đây? Câu hỏi này nối tiếp câu hỏi kia làm cho người đọc đầy tò mò chờ mong về thân thế thật sự của hai cô cậu bé đó. Ấy vậy mà khi sự thật được thốt lên, nó lại là một sự thật chẳng được chờ mong: "Tanjiro... Tại sao mà con lại biết tên của hai đứa trẻ đã chết ấy?"
Có gì nhiều để phân tích về cậu khi cậu chỉ còn là một linh hồn giữa núi rừng, khi cậu chỉ còn sống trong dĩ vãng của những người ở lại? Bài viết sau đây không mang nặng tính phân tích như bài về Zenitsu mà thay vào đó mà những dòng diễn giải cảm nhận của người viết về nhân vật này: Thương Thố/Sabito.
Cuộc gặp gỡ với Sabito và Makomo đối với Tanjiro là một sự thần kì nào đó thuộc về tâm linh mà chính cậu cũng chẳng hiểu tại sao điều đó lại có thể xảy ra. Nhưng yếu tố tâm linh huyền bí đan xen vào không khí tàn khốc của những trận chiến sống còn với loài quỷ đã được định hình ngay từ đầu ở Thanh gươm diệt quỷ nên người đọc hãy thoải mái chấp nhận nó một cách tự nhiên thôi. Tôi tin rằng dù là đời thực cũng vậy, có một lúc nào đó, khoảnh khắc nào đó ta cũng đã bắt gặp sự kì diệu ấy. Chẳng hạn như giấc mơ báo mộng bởi người thân, một niềm linh tính không hay nào đó, một dự cảm xấu khiến ta chững lại trước thời điểm nguy hiểm. Tác giả có lẽ đã cấu thành hình hài cho những dự cảm khác thường đó dưới sự hiện diện thường trực của những con người đã khuất có mối liên hệ sâu sắc với người còn sống ở sâu thẳm trong tim họ. Đúng vậy, những người đã khuất mà ta yêu quý vẫn luôn ở bên ta, trở thành một phần linh hồn ta, trở thành dự cảm của ta, sống mãi trong lòng biển tiềm thức của ta. Vậy Sabito và Makomo có mối liên kết thế nào với Tanjiro mà lại hiện lên giúp cậu bé luyện tập? Thử thách chém đá tảng là do chính thầy Urokodaki đặt ra. Sabito là thử thách mà Tanjiro phải vượt qua, cậu đồng nhất với tảng đá thử thách của thầy Urokodaki. Bởi vậy mà khi Tanjiro chém vỡ đôi mặt nạ của Sabito cũng chính là khi cậu bé chém vỡ đôi được tảng đá. Đây là một biện pháp kể chuyện ẩn dụ mà lâu lắm rồi tôi mới gặp trong truyện tranh. Thực tế biện pháp ẩn dụ kiểu này sẽ hay được bắt gặp trong truyện kinh dị, truyện liêu trai chí dị hơn, các bạn cứ ngẫm mà xem. Thầy đã cố tình chọn tảng đá to nhất và cứng nhất trong tất cả để thử thách cậu với một phần nhỏ nhoi ý nghĩ mong rằng cậu không thể vượt qua được để không phải bán mạng tại kì sát hạch cuối cùng.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Kimetsu no Yaiba] Cảm nhận
FanfictionĐôi dòng cảm nghĩ về các nhân vật trong Kimetsu no Yaiba nói riêng và mọi thứ liên quan bộ truyện nói chung