Thanh Hải tiêu biểu cho dòng thơ ca trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông có rất nhiều những bài thơ hay, được bạn đọc yêu quý và đón nhận. Trong số đó, ta không thể không nhắc đến bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" nổi tiếng nhất của ông. Bài thơ là tiếng lòng yêu mến tha thiết gắn bó với quê hương, đất nước và ước nguyện được cống hiến "một mùa xuân nho nhỏ" của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc. Đến với đoạn trích đầu tiên của bài thơ, ta thấy hiện lên cảm xúc trìu mến đằm thắm của nhà thơ trước mùa xuân đất nước.
Thanh Hải (1930-1980), quê ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông bắt đầu hoạt động văn nghệ từ cuối những năm kháng chiến chống Pháp. Trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Thanh Hải trở về quê hương hoạt động và là một trong những cây bút có công xây dựng nền văn học cách mạng ở miền Nam thời kì đầu. Bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" ra đời năm 1980 khi tác giả đang nằm trên giường bệnh, đây cũng là giai đoạn khó khăn của đất nước ta khi phải đối mặt với hai nhiệm vụ hết sức quan trọng, đó là bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Đoạn trích thể hiện cảm xúc của Thanh Hải trước mùa xuân đất nước là một đoạn trích hay, thể hiện một tài năng viết thơ điêu luyện.
Trước hết là cảm xúc của tác giả trước vẻ đẹp của những con người đang hăng say cống hiến hết mình cho Tổ quốc.
"Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao."Vì sao người cầm súng và người ra đồng lại trở thành nguồn cảm hứng của nhà thơ? Chúng ta hãy cùng thử đặt mình vào hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ, mới chỉ có năm năm trôi qua kể từ cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc thắng lợp, thế nhưng hậu quả do nó gây ra là không thể đo đếm được. Đất nước lâm vào cảnh khốn đốn, đói nghèo, lạc hậu, chính vì vậy mà nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã được đặt ra. Người cầm súng là những chiến sĩ ngày đêm canh gác biên cương, ngày đêm bảo vệ cho giấc ngủ bình yên của người dân, còn người ra đồng đại diện cho những con người mang nhiệm vụ phát triển và xây dựng nước nhà, đem lại cuộc sống no ấm, đủ đầy, hạnh phúc cho dân tộc. Cả hai đều là trách nhiệm hết sức gian lao, nhưng họ vẫn vui vẻ nguyện cống hiến tất cả những gì mình có vì sự nghiệp chung của dân tộc.
Lộc trên lưng người chiến sĩ được Thanh Hải lấy từ những hình ảnh tả thực, các chiến sĩ khi tham gia trận chiến, đặc biệt là ở trong rừng đều chùm lá cây trên mình để nguỵ trang, nhờ vậy mà ta thấy các anh như mang theo mùa xuân ta tận chiến trường. Người nông dân cũng vậy, họ mang theo cả một mùa xuân ra cánh đồng, hi vọng tràn trề về những mùa màng bội thu, có bông lúa trĩu nặng và cây trái ngọt lành. Từ "lộc" ở đây không chỉ có nghĩa là trồi non lộc biếc, mà ẩn chứa trong đó là một ý nghĩa sâu sắc khác. Đó là thành quả cách mạnh, là cuộc sống ấm no, là nhiệt huyết cống hiến sôi nổi, lòng nhiệt tình lao động cùng niềm tin hi vọng vào một tương lai tương sáng. Họ quả thật là người đang âm thầm đi gieo mùa xuân để làm nên một đất nước vạn gấm hoa.
Không chỉ những người chiến sĩ và nông dân, mà người dân cả nước cũng đang chung tay lao động bền bỉ. Điệp ngữ "tất cả" hay từ "hối hả", "xôn xao" được tác giả sử dụng để tạo nhịp điệu nhanh cho đoạn thơ. Nó cũng rất phù hợp với không khí thi đua khẩn trương đang diễn ra trên toàn quốc. "Tất cả" là tất cả mọi người, ở tất cả mọi nơi, tại tất cả mọi lúc đều tất bật khẩn trương và hăng hái đạt mục tiêu xây dựng và phát triển Tổ quốc, với tâm trạng thật hào hứng, náo nức ngập tràn. Con người đã góp nên tất cả sức xuân đang đang dâng trào mãnh liệt trên quê hương, qua ngôn ngữ thơ, Thanh Hải đã khắc hoạ nên khí thế của cả một thời đại, tư thế và tâm thế sẵn sàng cống hiến của con người Việt Nam.
Bên cạnh đó, đoạn trích còn cho ta thấy vẻ đẹp của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử và hi vọng về một đất nước phồn vinh trong tương lai.
"Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước."Nhịp thơ không còn nhanh như trước mà chậm lại, trầm lắng, tạo không khí hồi tưởng về quá khứ và hi vọng về tương lai. Hai câu thơ đầu thể hiện một cái nhìn sâu sắc, tự hào mãnh liệt, nhắc nhở cho ta những ngày tháng cực khổ, thăng trầm của đất nước suốt chiều dài lịch sử thương đau nhưng cũng rất hào hùng. Tiếp đến những câu thơ sau, ta thấy tác giả ví đất nước như một vì sao sáng, vì tinh tú luôn đại diện cho những điều tốt đẹp nhất, nhưng vẻ đẹp của nó lại không hào nhoáng, khoe mẽ. Vậy tại sao không phải là mặt trăng, mặt trời mà lại là ngôi sao? Thực chất tác giả muốn đất nước ta hướng đến một hình ảnh toả sáng lung linh nhưng vẫn rất khiêm nhường, là một ngôi sao nhỏ bé nhưng vẫn kiên cường hơn những thứ to lớn ngoài kia. Từ đó, ta hiểu ra những vì sao này chính là đại diện cho tương lai tươi sáng rạng ngời của đất nước, tuy không hào nhoáng, to lớn nhưng để lại được dấu ấn mạnh mẽ. Ta thấy được một tương lai mà đất dân tộc đang vận động, chuyển mình đi lên, không gì cản nổi. Đây là hình ảnh so sánh thật đẹp, mang đến cảm xúc thẩm mĩ cho người đọc.
Ở vần thơ cuối cùng, ta chú ý đến phụ từ "cứ", nhờ nó mà câu thơ đã khẳng định được sức sống trường tồn mãnh liệt của dân tộc, niềm tin tưởng về một sức mạnh đi lên phát triển. Trong hoàn cảnh đất nước khó khăn mà tác giả vẫn đặt vào lời thơ của mình hi vọng sắt đá như thế, càng làm chúng ta đêm trân trọng tấm lòng của ông. Cấu trúc song hành của quá khứ - tương lai đất nước càng nhấn mạnh sự đi lên của lịch sử cùng sự trường tồn vĩnh cữu mai sau. Tình yêu sâu sắc với quê hương đất nước đã khiến nhà thơ nâng tầm đất nước lên tầm vũ trụ. Cho ta thấy một đất nước đẹp đẽ, rực rỡ và vĩ đại, khiến người người thiết tha, ngưỡng mộ, tự hào.
Đoạn trích đã thành công với nhiều nghệ thuật đặc sắc. Đoạn thơ theo thể thơ năm chữ, nhà thơ đã sử dụng điêu luyện nhiều biện pháp tu từ như ẩn dụ, so sánh, điệp ngữ. Hình ảnh thơ gợi tả, gợi cảm, giản dị và giàu tính biểu tượng. Ngôn ngữ thơ trong sáng, giọng điệu tươi vui. Cả đoạn thơ là hình ảnh những con người bền bỉ cống hiến hêt mình vì Tổ quốc, tạo nên niềm lạc quan, tin tưởng cất lên khúc ca hi vọng về tương lai tốt đẹp. Cùng với "Rằm tháng Giêng" của Hồ Chí Minh, "Mùa xuân chín" của Hàn Mặc Tử, Thanh Hải đã góp vào vườn thơ xuân của dân tộc một bông hoa đầy hương sắc. Cảm ơn nhà thơ đã cho ta yêu hơn đất nước mình, biết sống lạc quan, yêu đời.
Biết bao nhiêu mùa xuân ông cha ta đánh giặc giữ nước, bao nhiêu mùa xuân lập chiến công chống quân xâm lược "vất vả và gian lao". Thanh Hải tự hào khi nghĩ về đất nước với bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đất nước như vì sao sáng vượt qua vất vả và gian lao để đi lên phía trước. Có thể nói bao nỗi nhọc nhằn, đắng cay của dân tộc được đáp lại bằng những mùa xuân tiếp nối vô tần. Đó là lòng tự hào, lạc quan, tin yêu của nhà thơ đối với đất nước, với dân tộc.
BẠN ĐANG ĐỌC
Tổng Hợp Nghị Luận Văn Học 9 Của Tôi
RandomTổng hợp nghị luận văn học 9 của tôi. Bài có dấu '*' là bài độc quyền của mình. Cre: Hà Lưu Nguyễn - Tự viết và tham khảo từ nhiều nguồn.