Phần 3.3: Cảm nhận khổ thơ 4 5 bài Mùa xuân nho nhỏ

1.5K 26 0
                                    

Thanh Hải tiêu biểu cho dòng thơ ca trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông có rất nhiều những bài thơ hay, được bạn đọc yêu qu‎ý và đón nhận. Trong số đó, ta không thể không nhắc đến bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" nổi tiếng nhất của ông. Bài thơ là tiếng lòng yêu mến tha thiết gắn bó với quê hương, đất nước và ước nguyện được cống hiến "một mùa xuân nho nhỏ" của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc. Đến với đoạn trích thứ tư của bài thơ, ta càng thấy rõ được những điều này.

Thanh Hải (1930-1980), quê ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông bắt đầu hoạt động văn nghệ từ cuối những năm kháng chiến chống Pháp. Trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Thanh Hải trở về quê hương hoạt động và là một trong những cây bút có công xây dựng nền văn học cách mạng ở miền Nam thời kì đầu. Bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" ra đời năm 1980 khi tác giả đang nằm trên giường bệnh, đây cũng là giai đoạn khó khăn của đất nước ta khi phải đối mặt với hai nhiệm vụ hết sức quan trọng, đó là bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Đoạn trích thể hiện tâm nguyện thật thiết tha, cảm động của nhà thơ Thanh Hải với đất nước, với cuộc đời là một đoạn trích hay, thể hiện một tài năng viết thơ điêu luyện.

Mùa xuân của thiên nhiên, đất nước thường gợi lên ở mỗi con người niềm khát khao và hi vọng. Với Thanh Hải cũng thế, đây chính là thời điểm mà ông nhìn lại cuộc đời và bộc bạch tâm niệm thiết tha của một nhà cách mạng, một nhà thơ đã gắn bó trọn đời với đất nước, quê hương với một khát vọng hòa hòa nhập chân thành và tha thiết.

                       "Ta làm con chim hót,
                        Ta làm một cành hoa.
                        Ta nhập vào hòa ca,
                        Một nốt trầm xao xuyến."

Nhịp thơ dồn dập và điệp từ "ta làm" diễn tả rõ nét khát vọng cống hiến của nhà thơ. Đó là khát vọng sống hòa nhập vào cuộc sống của đất nước, cống hiến phần tốt đẹp, dù nhỏ bé, của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước. Điều tâm niệm ấy được thể hiện một cách chân thành trong những hình ảnh tự nhiên giầu sức gợi tả, gây xúc động sâu xa trong lòng người đọc. Ước nguyện được làm một tiếng chim, một cành hoa để góp vào vườn hoa muôn hương muôn sắc, rộn rã tiếng chim, để đem lại hương sắc, tô điểm cho mùa xuân thêm tươi đẹp. Nhà thơ nguyện cầu được làm một "nốt trầm xao xuyến" không ồn ào, không cao điệu mà chỉ âm thầm, lặng lẽ để "nhập"vào khúc ca, tiếng hát của nhân dân vui mừng đón xuân về. Được tô điểm cho mùa xuân, được góp phần tạo dựng mùa xuân là tác giả đã nguyện hi sinh, nguyện cống hiến cho sự phồn vinh của đất nước. Một ước mơ nho nhỏ, chân tình, không cao siêu vĩ đại mà gần gũi quá, khiêm tốn và đáng yêu quá! Hình ảnh nhuần nhị, tự nhiên, chân thành, giọng thơ nhè nhẹ, êm ái, ngọt ngào của những thanh bằng liên tiếp kết hợp với cách cấu tứ lặp lại như vậy đã mang một ý nghĩa mới nhấn mạnh thêm mong ước được sống có ích cho đời, cống hiến cho đất nước như một lẽ tự nhiên. Điệp từ "ta" như một lời khẳng định, vừa như một tiếng lòng, như một lời tâm sự nhỏ nhẹ, chân tình. Khổ thơ là mong muốn hoà nhập, hoá thân trọn vẹn, sống hết mình cho quê hương, đất nước.

Ước nguyện đó đã được đẩy lên cao thành một lẽ sống cao đẹp, không chỉ cho riêng nhà thơ mà cho tất cả mọi người, cho thời đại của chúng ta. Đó là lẽ sống cống hiến cho đời lặng lẽ, khiêm tốn, không kể gì đến tuổi tác.

                      "Một mùa xuân nho nhỏ
                        Lặng lẽ dâng cho đời
                        Dù là tuổi hai mươi
                        Dù là khi tóc bạc."

Thái độ "lặng lẽ dâng cho đời" nói lên ý nguyện thật khiêm nhường nhưng hết sức bền bỉ và vô cùng đáng quý vì đó là những gì tốt đẹp nhất trong cuộc đời. Thật cảm động làm sao trước ao ước của nhà thơ dẫu đã qua tuổi xuân của cuộc đời, vẫn được làm một mùa xuân nhỏ trong cái mùa xuân lớn lao ấy. Điệp ngữ "dù là" ở đây như một lời tự khẳng định để nhủ với lương tâm sẽ phải kiên trì, thử thách với thời gian tuổi già, bệnh tật để mãi mãi làm một mùa xuân nho nhỏ trong mùa xuân rộng lớn của quê hương đất nước. Giọng thơ vẫn nhỏ nhẹ, chân tình nhưng mang sức khái quát lớn. Chính vì vậy, hình ảnh "mùa xuân nho nhỏ" ở cuối bài như ánh lên, toả sức xuân tâm hồn trong toàn bài thơ.

Thật cảm động và kính phục biết bao khi đọc những vần thơ như lời tổng kết của cuộc đời. "Dù là tuổi hai mươi" khi mới tham gia kháng chiến cho đến khi tóc bạc là thời điểm hiện thời vẫn lặng lẽ dâng hiến cho đời và những câu thơ này là một trong những câu thơ cuối cùng. "Một mùa xuân nho nhỏ" cuối cùng của Thanh Hải dâng tặng cho đời trước lúc ông bước vào thế giới cực lạc, chuẩn bị ra đi mãi mãi, tấm lòng chân thành, tha thiết với cuộc sống đã đi vào lòng người một cách thấm thía.

Đoạn trích đã thành công với nhiều nghệ thuật đặc sắc. Bài thơ theo thể thơ năm chữ, nhà thơ đã sử dụng điêu luyện nhiều biện pháp tu từ như ẩn dụ, điệp ngữ. Hình ảnh thơ gợi tả, gợi cảm, giản dị và giàu tính biểu tượng. Ngôn ngữ thơ trong sáng, giọng điệu tha thiết,chân thành. Cả đoạn thơ lời đúc kết lại cuộc đời, là thể hiện tâm nguyện cuối đời đã được hoàn thành, dù chỉ là những đóng góp nhỏ bé đối với ông, nhưng với Tổ quốc nó thật lớn lao, đáng quý và trân trọng. Cùng với "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long, "Tạm biệt" của Tố Hữu, Thanh Hải đã góp vào vườn thơ xuân của dân tộc một bông hoa đầy hương sắc. Cảm ơn nhà thơ đã cho ta biết cống hiến vì đất nước, không cần lớn lao mà chỉ cần có ích và chân thành.

Thấm nhuần tâm tư, ước nguyện của tác giả, được sống trong một xã hội hòa bình thống nhất, ta phải làm sao để với lương tâm ta, ta không hổ thẹn là người đã chối bỏ trách nhiệm với đất nước, với quê hương. Như Thanh Hải, ta cũng nguyện được là một "mùa xuân nho nhỏ".

Tổng Hợp Nghị Luận Văn Học 9 Của TôiNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ