Dàn ý chung (Đặc biệt lưu ý & Học thuộc) *

7.2K 138 15
                                    

A - MỞ BÀI 1 PHÚT
• A tiêu biểu cho dòng văn học nào? = Vị trí của A trong nền văn học.
"Lê Minh Khuê tiêu biểu cho dòng văn học trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước."
• Ông/bà có rất nhiều những tác phẩm hay được độc giả yêu mến và hâm mộ.
• Trong số đó, ta không thể không kể đến tác phẩm B nổi tiếng nhất của ông/bà.
• Nội dung chính của tác phẩm B?
"Truyện ngắn kể về ba cô thanh niên xung phong với vẻ đẹp phẩm chất anh hùng và tâm hồn lạc quan, yêu đời làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn."
• Vấn đề nghị luận và giới hạn? (Nếu VĐNL trùng với nội dung chính, ta dùng câu "Đến với đoạn trích ta càng thấy nổi bật hơn điều đó")
"Đến với đoạn trích trong một lần phá bom của Phương Định, ta thấy hiện rõ lên một tinh thần chiến sĩ quả cảm, can trường."

B - THÂN BÀI
1. Khái quát
a. Tác giả.
• A (Năm sinh - Năm mất) + quên quán.
• Các câu sau nêu đặc điểm nổi bật của tác giả như "Bắt đầu viết văn từ khi nào? Hoạt động trong thời kì nào?" (Cái này sgk có hết các bạn cứ viết vào, không nêu giải thưởng hoặc chức vụ gì đó nhé! Đây không phải văn thuyết minh)
"Ông bắt đầu hoạt động văn nghệ từ cuối những năm kháng chiến chống Pháp. Trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Thanh Hải trở về quê hương hoạt động và là một trong những cây bút có công xây dựng nền văn học cách mạng ở miền Nam thời kì đầu."
• Phong cách (Cái này sgk thường không có nhưng các bạn có thể tự tìm hiểu - Tự chém hoặc khỏi viết)

b. Tác phẩm.
• Năm ra đời + hoàn cảnh ra đời.
"Bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" ra đời năm 1980 khi tác giả đang nằm trên giường bệnh, đây cũng là giai đoạn khó khăn của đất nước ta khi phải đối mặt với hai nhiệm vụ hết sức quan trọng, đó là bảo vệ và xây dựng Tổ quốc."
• Đánh giá đoạn trích: Đoạn trích về "vấn đề nghị luận" là một đoạn trích hay, thể hiện một ngòi bút sáng tác đầy tài hoa và điêu luyện.
"Đoạn trích thể hiện cảm xúc của Thanh Hải trước mùa xuân thiên nhiên là một đoạn trích hay, thể hiện một tài năng viết thơ điêu luyện." (Không phải tự dưng mình nghĩ ra câu này đâu. Nhớ đưa vào bài nha)

2. Phân tích
• Dẫn dắt thêm (Dành cho truyện - Thường là tóm tắt lại nội dung truyện hay giới thiệu về nhân vật)
• Luận điểm 1/2/3 v.v... (Thường là lấy nội dung đoạn trích để làm luận điểm, nhưng nếu đề chỉ cho một khổ thơ hay một đoạn văn rất ít thì bạn không thể lấy một luận điểm được, lúc này hãy tự bóc tách ra, ít nhất bạn phải tìm được hai luận điểm cho mình)
Ví dụ: Khổ đầu bài "Mùa xuân nho nhỏ" có hai luận điểm, là "Bức tranh mùa xuân thiên nhiên" "Cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân đó". Còn đoạn trích kể về một lần phá bom của Định cũng có hai luận điểm, là "Tinh thần chiến sĩ quả cảm can trường không sợ hiểm nguy của Phương Định" "Tinh thần trách nhiệm cực kì cao của cô".
• (Phần phân tích thì thuộc ý, còn lại tuỳ vào ngòi bút bay bổng của bạn)
• Chốt từng luận điểm. (Chả là mình rất ngu chốt luận điểm nên sẽ có cái mẹo cho các hậu bối thế này: Đầu tiên chỉ nêu tên mỗi luận điểm ra, đừng nhận xét gì cả, sau đó chốt luận điểm thì bạn sẽ nêu lại luận điểm đó và thêm một số tính từ hay nhận xét, những điều bạn rút ra được từ phần phân tích ở trên.)
Ví dụ:
Luận điểm: Ước nguyện đó đã được đẩy lên cao thành một lẽ sống cao đẹp, không chỉ cho riêng nhà thơ mà cho tất cả mọi người, cho thời đại của chúng ta. Đó là lẽ sống cống hiến đẹp cho cuộc đời chung.
Chốt: "Một mùa xuân nho nhỏ" cuối cùng của Thanh Hải dâng tặng cho đời trước lúc ông bước vào thế giới cực lạc, chuẩn bị ra đi mãi mãi, tấm lòng chân thành, tha thiết với cuộc sống, lẽ sống cống hiến đẹp cho cuộc đời chung đó đã đi vào lòng người một cách thật thấm thía.

3. Nhận xét
• Đoạn trích đã thành công với nhiều nghệ thuật đặc sắc.
• (Các câu sau đó cho phần tổng kết về nghệ thuật ở trong vở hoặc sgk vào, đấy là nghệ thuật chung, cái gì có thì ghi vào, không có thì đọc lại phân tích của mình rồi ghi thêm)
"Đoạn thơ theo thể thơ năm chữ, nhà thơ đã sử dụng điêu luyện nhiều biện pháp tu từ như ẩn dụ, so sánh, điệp ngữ. Hình ảnh thơ gợi tả, gợi cảm, giản dị và giàu tính biểu tượng. Ngôn ngữ thơ trong sáng, giọng điệu tươi vui."
• Qua đó đã làm nổi bật (Nêu lại vấn đề nghị luận)
"Qua đó làm nổi bật/Cả đoạn thơ là hình ảnh những con người bền bỉ cống hiến hết mình vì Tổ quốc, tạo nên niềm lạc quan, tin tưởng cất lên khúc ca hi vọng về tương lai tốt đẹp."
• Nâng cao vấn đề.
- Thấy gì về tác giả?
"Qua chương thơ và bản trường ca này, chúng ta thấy được một Nguyễn Khoa Điềm giàu tình yêu Tổ quốc, mang trong mình niềm yêu văn hoá dân tộc sâu đậm và niềm tự hào mãnh liệt về Nhân dân, đất nước mình."
- Người đọc nhận được gì?
"Mỗi bạn đọc được thắp lên ngọn lửa của tình yêu đất nước trong những trang thơ giàu suy tư, cảm xúc của Nguyễn Khoa Điềm."

B - KẾT BÀI
• Học thuộc một kết bài thật hay (Nhiều bạn sẽ bị bối rối với việc viết kết bài, vì thường mọi người sẽ có xu hướng lấy phần nhận xét - khen về nghệ thuật, nội dung để làm kết bài - một sai lầm phổ biến. Nhưng theo mình thì kết bài cũng không cần dính dáng gì đến bất kì nội dung trong phần thân bài nữa đâu, nó sẽ bị lặp ý hiểu không ạ? Các bạn chỉ cần khen chung chung về tác giả + tác phẩm là được rồi. Cứ yên tâm viết vậy cho mình)

"Nhà văn nổi tiếng người Nga Ehrenburg từng viết: "Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu con phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùi cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh... Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê đã trở nên lòng yêu Tổ quốc". Nguyễn Khoa Điềm trong "Đất Nước" cũng đã khắc họa thật xúc động hình ảnh "Đất Nước của Nhân dân/Đất nước của ca dao thần thoại". Những trang thơ ngày hôm qua của Nguyễn Khoa Điềm sẽ sống mãi trong trái tim của những người Việt Nam yêu nước!"

"Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều từng viết: "Kim Lân giã từ thế gian, để lại cho chúng ta hai di sản: Chữ và người". Đời viết văn của ông cũng góp phần làm sáng lên nhân cách của một con người, một nhà văn rất mực tài hoa. "Làng" xứng đáng là tác phẩm mà thần mượn tay người để viết..."

C - LƯU Ý
- Các bạn có thể tự do lựa chọn cách viết bài cho riêng mình. Vì dù gì cũng có điểm dành cho sự sáng tạo. Nhưng cũng cần lưu ý giữ được những ý chính. Dàn ý chung chỉ nhằm cung cấp hướng dẫn trong trường hợp không biết viết gì hay như thế nào.
+ Mở bài cần giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luậngiới hạn.
+ Thân bài cần giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận, tóm tắt (nếu có/cần). Sau đó lưu ý trình bày rõ ràng luận điểm, chốt luận điểm.
+ Phần nhận xét cần có cả nội dung và nghệ thuật.
+ Kết luận.

- Nếu các bạn muốn bài viết hay hơn, thể hiện được cá tính, giọng văn của riêng mình, nên tự chuẩn bị sẵn cho mình mở bài, kết bài chung cho mọi bài, hoặc từng bài, từng dạng đề (cảm nhận nhân vật, diễn biến tâm trạng, cảm nhận về chi tiết, đoạn văn). Có thể tự chuẩn bị thêm cả phần khái quát nếu muốn, riêng các bạn cấp hai mình thấy viết đơn giản như trên là được rồi.

Chúc các bạn học tốt!

Tổng Hợp Nghị Luận Văn Học 9 Của TôiNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ