#9

7 1 0
                                    

Những năm sau đó của đời tôi dường như đều sống vì một ngày duy nhất trong năm. Bốn năm đại học trôi qua trong lặng lẽ. Chúng bạn đồng trang lứa vẫn luôn tò mò khi tôi có đủ ngoại hình học thức nhưng chưa từng một mảnh tình vắt vai. Tốt nghiệp xong, tôi xin dạy tại trường tư thục ở quê nhà, vẫn đều đều hàng năm đến lo cúng giỗ cho anh. Không ai biết tôi đã trải qua những điều li kì và sung sướng đến nhường nào. Chuyện vợ con nấn ná được nhiều năm nhưng khi tôi sắp ba mươi thì lại thật sự thành vấn đề đau đầu. Tôi gồng gánh tránh né chưa được bao lâu thì bố tôi đổ bệnh liệt giường. Ông nằm được nửa năm rồi đi, trớ trêu thay nửa năm ấy lại là khoảng thời gian gần gũi nhất mà hai cha con tôi từng có với nhau. Những ngày sắp mất, ông dịu dàng và lãng mạn lạ thường, luôn chủ động kể cho tôi nghe những câu chuyện thời son trẻ. Trong đó, có cả chuyện về bố anh.

-Ngày chân ướt chân ráo vào đại học, bố và bác đã quen nhau. Thằng bé ấy giống mẹ nhưng ăn nói tính tình lại giống bố nó ngày trẻ như đúc. Nghe người ta bảo về già bác ấy thay tính đổi nết thì bố không biết nhưng những năm quen bố, bọn bố chưa từng xích mích với nhau lần nào. Sau này bố lấy vợ, tình cảm đột nhiên nhạt dần đi. Thực ra bác ấy cũng có đến nhà mình vào ngày mẹ mang bầu con, nói rằng nếu mẹ con sinh con gái, thể nào cũng cho kết thông gia với nhà mình.

Bố tôi vừa nói dứt câu, nụ cười yếu ớt liền hiện lên trên khóe môi bệnh tật xám xịt. Tôi cảm thấy câu chuyện kia có phần vô nghĩa nhưng vẫn yên lặng lắng nghe để chiều ông. Lạ thay, khi nghe dứt câu rồi, ngẫm kĩ lại tôi bỗng thấy nó có gì lạ lạ. Tôi giật thót người, len lén liếc nhìn bố tôi. Trong vẻ âu yếm của bố tôi thoáng hiện nỗi buồn phiền chua xót.

-Nhưng tiếc con lại là con trai. Thằng bé đó mến con, nếu con là con gái thật rồi hai đứa thành đôi thì xứng lắm. Thực ra khi ấy bố cũng thích con gái hơn. Bố không chọn được con sinh ra như thế nào nên cũng không hướng đời con theo ý mình được. Nếu con không muốn lấy vợ thì thôi.

Tôi không ngờ được việc vợ con mà bố tôi luôn phản đối kịch liệt lại được cho qua dễ dàng trong thời khắc như thế này. Mắt tôi rưng rưng, mái đầu nũng nịu rúc sâu vào lòng bố. Ngón tay gầy trơ xương vuốt qua tóc tôi khẽ run rẩy. Giọng người đàn ông già nua đầy thương mến của tôi bỗng đượm nỗi u hoài xa xăm.

-Bố biết mình không còn lâu nên phải dặn con luôn bây giờ. Khi bố đi rồi, có vài giấy tờ quan trọng trong tủ của bố con nhất định phải xem. Xem xong, con giải thích cho mẹ hiểu rồi cứ y như thế mà làm.

Lời bố tôi nói hôm ấy, không ngờ lại là lời chăng trối. Một tuần sau, bệnh ông trở nặng. Con bướm đêm đậu trên cửa phòng bệnh hai đêm ròng, ngày nó bay đi cũng là lúc ông lìa đời. Bố tôi ra đi lúc đầu đông, mùa cây ngọc lan trụi lá và hoàng hôn mỗi buổi đều một màu xám xịt. Ngọc lan trồng từ ngày bố mẹ tôi về ở với nhau, từ đó trở đi lụi dần, không trắng ngần thơm ngát những mùa hoa. Mẹ tôi khóc đến lặng người, thân thể gầy yếu co rúm trong bộ đồ tang ngày đưa bố tôi ra đầu làng.

Tôi theo lời dặn sau cuối của bố, mở khóa lục tìm ngăn tủ cũ kĩ vẫn luôn khóa kín quanh năm. Tất cả những gì tôi tìm được sau cả buổi chật vật chỉ là một quyển nhật kí ố vàng và vài giấy tờ nhà đất. Tôi lặng người đi khi đọc những lời sau cuối mà người quá cố đã để lại cho mình.

Bố tôi và bố anh thì ra không những là bạn bè mà còn từng kết nghĩa anh em. Tình cảm của họ nhạt dần khi bố anh lập gia đình. Một nghệ sĩ tài hoa như ông lại có tính ghen tuông và độc chiếm vợ mình đến bệnh hoạn. Không chịu được những lời xỉa xói và cuộc sống gia đình như tù ngục, trong một lần mâu thuẫn kịch liệt, mẹ anh thân cô thế cô đã tìm đến bố tôi nhờ giúp đỡ. Không cứu giúp được bà, bố tôi lại mất luôn cả người anh em thân thiết nhiều năm. Dù sự đa nghi của bố anh có nguôi dần khi bố tôi có vợ con nhưng tình cảm hai bên mãi không còn được như trước. Mẹ anh nhiều năm nước mắt chan canh, u uất sinh bệnh, mất sớm vài năm sau đó. Việc anh yêu đàn ông chỉ là giọt dầu đổ thêm mồi gay gắt với cha mình đã châm lên từ khi người mẹ đáng thương lìa đời. Thực ra từ khi anh rời khỏi nhà đã bắt đầu liên lạc với bố tôi chứ không phải chỉ tìm đến vào mùa hè năm ấy như tôi vẫn lầm tưởng.

Hỡi ôi! Con chim sắp chết, tiếng kêu tang thương. Người đã giận hờn bố tôi cả đời ấy cho đến lúc hấp hối mới thấy nuối tiếc vợ, tiếc con, tiếc tình bạn một thời của mình. Bởi hai người từng nhận anh em nên bố anh lập di chúc để lại nhà cửa cho anh dưới sự giám hộ của bố tôi. Nếu anh không chịu nhận thì nhờ bố tôi trông coi giúp. Bố tôi sớm nhận được bản di chúc ấy nhưng vì sợ lời dị nghị nên chưa chịu làm ngay, thêm vào đó lúc ấy cũng chẳng liên lạc được cho anh. Mọi thứ bị lần lữa để rồi thành ra giấu kín luôn từ khi được tin anh mất. Thể theo bản di chúc và những lời dặn dò này, tôi có trách nhiệm hương khói cho gia đình anh và thay bố tôi coi sóc căn nhà theo di nguyện của bố anh ban đầu.

Khi đọc đến những dòng cuối cùng, tôi biết những lời đã viết ở đây sẽ là lời nguyền theo mình đến cuối đời. Trên vai tôi đè nặng xuống tâm nguyện của những người đã khuất. Song, trước viễn cảnh tương lai ấy, tôi lại có cảm giác bình thản vô cùng, thậm chí còn thầm mãn nguyện. Vang âm của cõi linh hồn như theo những vân giấy ố vàng làm rung động từng mạch máu trong tôi.

{TRUYỆN NGẮN} LỮ KHÁCHNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ