Nhà cũ tôi ở ngoại ô, khuất sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo, quẹo trái rẽ phải chục lần mới đến. Chú Năm ngồi phè phỡn làm điếu thuốc lào ở quán nước đầu đường, hồi xưa hay phụ mẹ đơn thân của tôi cái này cái kia, thấy tôi thì khoe hàm răng cỏ lộn xộn, nhéo tai hỏi chừng nào cưới vợ, tôi lúc lắc đầu, cười không nói.
Con Bi già cỗi nằm ngủ thẳng cẳng trước sân nhà, lông đen tuyền mà mép bạc trắng cả ra, tôi đến cũng chẳng phản ứng gì. Sân nhỏ vẫn vậy, phía Đông là tường đá, điện tắt nên nước không chảy, bên kia là chỗ trống để xe, chật kín, nên xe tôi đành lấn đường bên ngoài, may ngõ không đến nỗi bé, cũng không sợ mất. Nhà cũ xì, xây từ sau giải phóng, đến giờ vẫn giữ nền gạch cam, tường vàng khè, trong khi hàng xóm đã ốp gỗ hết. Mẹ tôi bảo ba mày thích cái kiểu như thế, mà thay thì mất thì giờ lắm, nên thôi.
Em gái tôi vừa tốt nghiệp cao đẳng năm kia năm kìa, nhởn nhơ work from home, cả năm trời không gặp, lần trước còn thấy nó chạy đôn chạy đáo chạy việc cho cấp trên, giờ đã thành sếp, đúng là tuổi trẻ tài cao. Em nhìn tôi từ trên xuống dưới, rồi lại từ dưới lên trên, nhìn đến mức tôi chột dạ. Rồi vỗ bộp bộp lên chỗ trống bên cạnh, trên cái ghế gỗ chạm khắc. Tôi ngồi xuống, em cúi đầu gõ như bay trên bàn phím, vừa mở miệng nói liến thoắng.
"Anh gầy đi nhiều rồi, uổng công em chăm cho béo lên. Trời ơi mùa hè nào em cũng gửi mấy thứ thuốc bổ, rồi sâm các kiểu mà chắc chẳng xài đâu đúng không?"
"Tại tao bận." Tôi vướn lấy lọ tăm trên bàn, đổ một cái ra ngậm cho đỡ buồn mồm.
"Hứ! Lý do lý trấu."
Chúng tôi nhỏ giọng tám nhảm thêm vài phút, che khuyết bầu không khí khó xử giữa những kẻ lâu ngày không gặp, và giấu đi chủ đề mà không ai muốn nhắc tới. Quan hệ của em gái với Kỳ cũng kém thân, cỡ nhỉnh hơn tôi một chút, lưng chừng giữa bạn xã giao và em gái kết nghĩa. Cuối cùng, em xong việc, gập lap lại cái rụp, nhìn thẳng vào tôi.
"Anh Kỳ rất tốt, em xin lỗi."
"Ừ," tôi chỉ trả lời được đến thế.
Con bé thở dài, chộp lấy điều khiển mở ti vi đến kênh thể thao, bảo đợi mẹ về. Mặt trời đổ bóng nghiêng qua cánh cửa chưa khép, rọi lên sàn nhà bị che khuất bởi tán lá thành những đốm sáng tròn nhỏ, rọi lên đôi má đã bớt bầu bĩnh của em gái. Tôi thả lỏng người, trượt dài, dựa đầu mình vào vai em. Tiếng bình luận viên vẫn văng vẳng bên tai, hít hà thật sâu mùi của căn nhà cũ kỹ, tôi nhắm mắt.
Mẹ nấu sườn xào chua ngọt, đậu hủ nhồi thịt và canh rau muống sấu. Ngon nức mũi, em gái cắm cúi ăn, bị mẹ mắng yêu, bảo con gái con đứa vậy sao lấy chồng được. Mẹ cười, lấp ló vết chân chim sau khóe mắt, nếp nhăn thoắt ẩn thoắt hiện cạnh môi, lòng tôi chùng xuống một mảng, động tác gắp đồ ăn cũng chậm đi.
Thương mẹ chứ, nhớ nhà chứ, nhưng chim đã sải cánh bay rộng, đã hưởng gió ngàn năm, đã hưởng mây nắng ngọt trên bầu trời cao vút, đương nhiên nếu về tổ, sẽ cảm thấy gượng gạo. Gạt đi ý nghĩ xoay vòng, tôi cười theo, kể đủ thứ chuyện trên đời, căn nhà tràn ngập vị gia đình ấm cúng.
BẠN ĐANG ĐỌC
thuyền đánh cá hát muộn ➵ nam trân.
FanfictionSài Gòn lạc nhau coi như mất kẻ ở người đi lối vô tình. NHỚ ĐỌC TAG VÀ WARNING. © 2020 lionhideaway.