🌿9 câu thơ đầu🌿
Kho tàng thơ văn của dân tộc Việt Nam ta tựa như một bản hợp xướng du dương với những nốt trầm bổng làm đắm say lòng người… Ta nghe đâu đây lời thơ hùng tráng về một “Nam quốc sơn hà” vừa tự hào lại không kém phần kiêu hãnh; rồi một dấu luyến ngân lên của một thời đại mang đậm nét dân tộc; đột ngột lại giáng một âm dài thâm trầm, đau thương để rồi bản đàn ấy lại thăng lên những âm hào hùng, mang theo khí thế của một dân tộc nồng nàn yêu nước, kiên trung quật cường. Bản hùng ca ấy nên thanh, thành điệu chính là từ ngòi bút và xúc cảm chân thành của rất nhiều thi nhân, mà trong đó, mỗi nhà thơ mang một âm sắc khác nhau. Trong số đó, một trong những nốt hay nhất, dịu dàng và du dương nhất hòa thành hợp âm được viết nên bởi nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm mà điển hình là đoạn thơ mở đầu bài thơ Đất Nước - chín câu thơ lý giải cho hai tiếng “Đất Nước” tưởng như xa xăm mà gần gũi, lớn lao mà mộc mạc - mở đầu cho chương thứ năm của bản trường ca “ Mặt đường khát vọng”:
“ Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miềng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…”Trong những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến vì độc lập tự do, nhà thơ trẻ với hai mươi tám mùa xuân Nguyễn Khoa Điềm năm ấy đã tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho thế hệ thanh niên vào một ngày mai tươi sáng bằng những vần thơ thật đẹp, để rồi giữa những ngày lửa đạn, bom rơi nơi chiến khu Trị -Thiên năm 1971, “Đất Nước” đã ra đời, nhẹ nhàng và dịu êm len lỏi vào sâu trái tim từng người dân con Lạc cháu Hồng, khảm sâu vào trí óc, trường tồn với thời gian…
Bằng giọng thơ thật dịu và thật êm của mình, nhà thơ thủ thỉ những dòng thơ đầu tiên như cất lên tiếng lòng bấy lâu nay dồn nén:
“ Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi”
Câu thơ chỉ là một lời trần thuật nhưng lại mang cho người đọc một cảm giác thật đặc biệt, dường như có chút gì đó xưa cũ gợi về trong kí ức còn mơ hồ. Trước mắt người đọc, hai tiếng “Đất Nước” được cẩn thận viết hoa khiến lòng người không khỏi xao xuyến một nỗi niềm khó tả. Ôi… “Đất Nước”… Xưa nay có ai từng viết hoa hai tiếng thiêng liêng ấy ngoài Nguyễn Khoa Điềm? Ta đã từng biết đến một đất nước qua giọng thơ êm nhẹ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi:
“Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả dập dờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều”Thế nhưng “đất nước” của Nguyễn Đình Thi không viết hoa! Còn Nguyễn Khoa Điềm, ông viết hoa hai tiếng “Đất Nước” như một niềm tôn kính, thương yêu bằng tất cả trái tim. Với nhà thơ, đất nước mình không chỉ là đất nước vô giác vô tri, đất nước từ lâu đã mang một linh hồn dân tộc thắm thiết, đậm đà mà từ đây, ông khẳng định rõ hơn về sinh thể thiêng liêng, ruột thịt này…Chỉ bao nhiêu đó thôi, nhà thơ đã khiến cho biết bao nhiêu tâm hồn lay động, để rổi kết lại bằng ba tiếng “đã có rồi” chậm và nhỏ, nhấn mạnh sức sống lâu đời của đất nước bằng chính sự dịu êm, ngọt ngào sâu sắc: “ Đất Nước đã có tự ngàn xưa, cùng ta lớn lên, cùng ta trưởng thành, ở bên, yêu thương và chở che cho ta. Ta có thể không rõ Đất Nước khởi nguổn ra sao, thế nhưng Đất Nước thì luôn quan sát và dõi theo bước chân ta đi đến9 cuối đất cùng trời...”. Cùng với đại từ phiếm chỉ “ta”, không chỉ rõ ràng, cụ thể một ai, nhà thơ đã tô đậm lên được ngàn năm văn hiến lâu đời của đất nước, khắc sâu bề dày lịch sử mà đất nước đã đi qua.