Đây thôn Vĩ Dạ 2

59 1 0
                                    

 "Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò."

Nhắc đến những dòng thơ này, người đọc chắc hẳn không còn lạ lẫm gì với hình ảnh "bán trăng" của Hàn Mạc Tử. Một sự nghịch lí, lạ đời vì trăng cũng là chung cũng là của riêng mọi người, hà cớ sao lại "bán". Thế nhưng, từ hình ảnh này người ta mới thấy tấm lòng thủy chung, son sắt của nhà thơ. Và một lần nữa sự thủy chung ấy lại được tái hiện qua "Đây thôn Vĩ Dạ". Tác phẩm không những là bức tranh thủy mặc về một vùng của cố đô Huế mà nó còn là nỗi lòng gửi tới phương xa của nhà thơ Hàn Mạc Tử.

Mở đầu bài thơ, không phải là lời chào mà là lời trách móc: "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?". Giọng điệu mang tính hỏi han, trách móc nhân vật trữ tình sao không về với thôn Vĩ, về với những kỉ niệm. Câu thơ còn nói lên sự tiếc nuối khi nhân vật trữ tình không thể chiêm ngưỡng được hết vẻ đẹp thôn Vĩ.

Sự tiếc nuối của người con gái đã nhắc đến âu cũng có căn cứ vì với một loạt "vẻ đẹp" sau đây thì dù ai bỏ lỡ chuyến về đều phải luyến tiếc.

"Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền"

Ba câu thơ này đã bước đầu khắc họa bức tranh quê hương thôn Vĩ với vẻ đẹp trong sáng, thanh khiết. Ở câu thơ thứ hai tác giả khéo léo dùng biệp pháp điệp từ "nắng". Nếu như "nắng" ở vế đầu chỉ vị trí nó xuất hiện (nắng trên hàng cau) thì "nắng" ở vế sau lại nói về tính chất (nắng mới). Khung cảnh ở thôn Vĩ xuất hiện trước mắt người đọc là vẻ đẹp vườn tược, vẻ đẹp vùng nông thôn ngoại ô thành phố. Hàng cau chính là hình ảnh điển hình nhất cho vườn tược chốn Thừa Thiên, nhưng tác giả khéo léo hơn khi lồng vào hình ảnh này là một "gia vị" đậm chất Huế. Cái nắng ở đây xuất hiện với tính chất - mới. "Nắng mới" có thể hiểu là nắng buổi sáng, ánh nắng bắt đầu cho ngày mới. Nhưng ánh nắng này không chỉ bắt đầu cho một ngày mà còn khởi đầu cho một mùa xuân tươi trẻ. "Nắng mới" đi kèm với động từ "lên" tạo cảm giác tươi trẻ, tràn đầy sức sống và thi sĩ chính là người may mắn khi được chiêm ngưỡng khoảnh khắc này. Từ đó cho thấy sức sống căng tràn đang lan tỏa khắp miền quê thôn Vĩ.

Từ ánh nhìn "nắng hàng cau", tác giả đã chuyển qua quan sát "đối tượng" khác là vườn thôn Vĩ. Có thể thấy từ câu thơ này, góc nhìn của tác giả đã có sự dịch chuyển. "Vườn" hiện lên gần hơn, tầm nhìn của nhà thơ rất gần. Nghệ thuật tu từ "vườn ai" gợi lên sự tò mò, hiếu kì vì không xác định chủ nhân khu vườn này là ai. Nhưng cái người ta quan tâm không phải là danh tính người chủ khu vườn, mà quan trọng mà sự trong xanh của nó. Tác giả so sánh vườn với ngọc để cho thấy sự trong xanh, tinh khiết của khu vườn vào buổi sáng ban mai. Nhìn vào hình ảnh này người đọc tự nhiên có cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái, cơ mắt cũng thực sự được thư giãn. Tuy nhiên, tài năng của Hàn Mạc Tử không đơn thuần chỉ có thế. Tác giả khéo "tặng" chữ "mướt" khi miêu tả màu sắc khu vườn. Từ này tạo cho người đọc cảm giác về sự trơn tru, tròn trịa và thêm phần mịn màng. Đã thế nó còn đi kèm với thán từ "quá" làm cho vườn tược của thôn Vĩ thêm phần thanh tao. Làm người đọc tò mò muốn được nhìn thấy một lần. Nếu như câu hai, câu ba giúp chúng ta có cái nhìn bao quát về thiên nhiên xứ Huế thì tới câu thứ tư nhà thơ đã giới thiệu về con người nơi đây. Hình ảnh "mặt chữ điền" chỉ về khuôn mặt phúc hậu, hiền từ và đây cũng là cách tác giả giới thiệu về tính cách con gái Huế. Ẩn mình sau nét đẹp ấy là chi tiết "lá trúc che ngang" gợi lên sự e ấp, ngại ngùng của cô gái xứ mộng mơ. Như vậy chỉ với khổ thơ đầu người đọc đã có cái nhìn đầu tiên về khung cảnh thôn Vĩ. Mảnh đất ở đây không chỉ hiện lên với vẻ đẹp tinh túy mà con người cũng rực rỡ muôn phần.

Văn ôn thi Đại họcNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ