Sau lần ấy, anh chị ở lại trong nước không đi nữa.
Tôi ngứa tay để lại trên má phải anh rể tôi một vết bầm nhạt. Nếu anh ấy muốn thêm một vết lên bên má trái cho đều, thì hãy để chị tôi bỏ về nhà mẹ đẻ một lần nữa.
Cứ chiều chiều cuối tuần, anh chị lại đưa cả hai đứa con sang nhà ngoại chơi. Cháu gái có vẻ thích tôi, nó hỏi tôi suốt. Nhưng giờ ấy tôi thường ôm đàn cùng lũ bạn ở câu lạc bộ, hoặc có hôm là đang làm vài trận quyết chiến với đám anh em ở quán net. Giờ ấy mùa hè, ở nhà dù có máy lạnh, nước ngọt, trái cây, cũng không thích bằng ngồi ở câu lạc bộ chỉ có cái quạt thổi ra hơi nóng với mấy cây kem macca. Mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, cuộn người trong chăn đi ngủ, cũng không sướng bằng đánh game với anh em ở quán net. Khớp ngón tay nhói lên vì lạnh, đầu ngón tay ê ẩm vì gõ xuống bàn phím cứng đờ, nhưng vẫn vui.
Kể ra hơi trẻ trâu, nhưng tôi đã từng như thế thật. Chấp nhận để cái nóng bức đến điên người, thà vậy, nếu cứ ở nhà nghe bố tôi kể về ngày xưa ông đã khổ sở ra sao và nỗ lực thế nào, tôi cũng đâu đảm bảo cảm xúc của mình lúc ấy sẽ ổn định. Thà đi net giữa trời đông chứ không nằm cuộn trong chăn nghe mẹ tôi ca giảng về người chị mẫu mực. Tôi không phiền vì nghe bố mẹ nói, tôi chỉ chán khi đã thuộc nằm lòng những lời ấy. Tôi biết vì cớ gì họ cứ nói mãi như vậy, bởi vì họ nói rồi tôi vẫn "giữ vững sơ tâm" chẳng có tí thay đổi hay bất cứ dấu hiệu bị cảm hóa nào cả. Tôi cũng biết đạo làm con, nên sẽ có lúc tôi cố gắng thay đổi mình một chút để bố mẹ nhẹ lòng.
Đến một lúc nào đó, bất chợt nhìn lại bản thân của trước đây, tôi nhận ra mình đã khác rất nhiều. Những lần thay đổi một chút kia, qua nhiều năm sẽ biến tôi trở thành một người khác, mà theo người đời gọi, thì đó là cách mà mỗi người dần trưởng thành dưới sự dạy dỗ và tình yêu của bậc sinh thành. Tôi không thích bị bố mẹ cằn nhằn là thật, nhưng tôi sẽ trong vô thức làm theo lời họ nói cũng là sự việc có thật. Tôi trưởng thành như vậy, không thể xem là một đứa bất hiếu được. Nhưng yếu kém hơn người khác là chuyện người thật việc thật bày ra trước mắt. Mà cụ thể "người thật việc thật" ở đây là chị tôi.
Tôi không ghét chị đâu, chỉ là ghen tị một chút. Tôi biết rõ lí do mình bị phân biệt đối xử như vậy, nên tôi chọn cách an phận làm một đứa con sở hữu trí thông minh tầm thường và tính cách bất thường. Dù biết chính sự an phận này khiến phân biệt đối xử kéo dài, tôi cũng không có ý định khiến nó chấm dứt. Nếu nó chấm dứt thật, thì chuỗi ngày tháng cắm trại hè ở câu lạc bộ và tham gia hội thao mùa đông ở quán net của tôi cũng đi tong. Không thằng con trai nào ở độ mười lăm mười sáu muốn điều này xảy ra cả.
Có một hôm tôi nấn ná lại nhà thay dây đàn nên ra cửa muộn hơn bình thường. Vừa khoác túi đàn lên vai chuẩn bị mang giày, chị tôi đã đưa hai đứa nhỏ sang đến nơi. Chị bế trên tay đứa con trai ngủ trên đường từ nhà chị sang nhà bố mẹ, anh rể ở phía sau dắt đứa lớn. Lần này con bé cầm theo hai cây kẹo, nhưng nó không đưa kẹo cho chị tôi. Vừa bước vào nhà, nó chào bố mẹ tôi rồi đưa cho mỗi người một que kẹo. Dạo đó tôi vẫn còn nhớ cái lần con bé nói muốn mua kẹo cho tôi, thế mà giờ chẳng có kẹo nào cả. Thôi được rồi, nó còn chưa đầy bốn tuổi nữa mà! Tôi có thể trông chờ gì ở lời nói tức thời của một đứa nhóc chưa đầy bốn tuổi chứ.
Tôi đã tự an ủi lòng mình như vậy, nhưng sâu thẳm trong một tâm hồn trẻ trâu như tôi, vẫn cảm nhận được một nỗi hụt hẫng nho nhỏ. Tôi đành nhét lại cây kẹo định đưa cho con bé vào túi. Sau vài giây đấu tranh tư tưởng, lại thôi. Bước lại gần nó đưa nó cây kẹo, con có thể ăn kẹo, nhưng phải ít thôi, lâu thật lâu mới được ăn một lần biết chưa, nếu không kẹo sẽ ăn mất răng của con.
Con bé đứng nhìn tôi, rồi lại nhìn túi đàn to tướng tôi đeo trên lưng. Có vẻ như nó lần đầu trông thấy đàn guitar ở ngoài đời thực, nó giật giật tay bố nó hỏi gì đấy, tôi đoán là nó hỏi về việc nó có được ăn kẹo không. Con bé cười tít mắt ạ một tiếng rõ to rồi một tay cầm cây kẹo, một tay nắm lấy ngón tay tôi hỏi, cậu ơi cậu đeo gì vậy ạ. Tôi xoa đầu nó, mấy sợi tóc mềm cọ dưới lòng bàn tay, đàn guitar đấy, thế có muốn xem thử không?
Ma xui quỷ khiến làm sao, tôi vừa đeo đàn lên đã bỏ xuống, ngồi bệt xuống nền nhà mở túi đàn ra. Con bé thích thú cười tít cả mắt, quạt máy thổi nhúm tóc con sau gáy nó khẽ rung rinh. Tôi ôm đàn lên lòng, chỉnh dây xong xuôi mới nhìn thấy ánh mắt mong chờ của nó. Bạn bè, chị tôi, và cả bố mẹ tôi nữa, chưa một ai từng mong chờ tôi sẽ đàn cho họ nghe như vậy.
Màn hình điện thoại sáng lên, tin nhắn của bạn tôi gửi tới hỏi tôi có định đến không. Tôi chần chừ một hồi lâu mới trả lời tin nhắn của nó. Sau này đổi sang thứ Bảy đi, Chủ Nhật tao phải đi học thêm.
Tôi cá là nó cũng bất ngờ lắm, đến cả tiết chủ nhiệm điểm danh tôi còn dám cúp, vài buổi học thêm đâu đáng là gì. Vả lại, trong mắt chúng bạn, tôi đi học hay không đều giống nhau, điểm kiểm tra vẫn sẽ dậm chân tại chỗ. Gì chứ trong các hạng mục tập nghi thức tôi giỏi nhất mục này, không tiến không lùi, ở yên một chỗ và tỏ ra mình cũng bước đi như bao người.
Thực chất thì có nhiều lúc tôi còn chẳng có ý định sẽ giả vờ bước đi. Tôi tên Trương Gia Nguyên, tôi đâu cần giả vờ nỗ lực cho người khác thấy để làm gì.
Hôm ấy, tôi chơi với con bé đến tận giờ cơm tối. Bố mẹ tôi níu anh chị ở lại dùng cơm, con bé nhanh nhẹn chỉ lên điện thoại trên bàn, bố ơi bố gọi cho bà nội đi, con không muốn bà nội buồn đâu. Tiếng nó cao vút, có vẻ rất vui vì được ở lại đây, nhưng chân lại đứng không yên ra vẻ phân vân nửa muốn ở lại nửa muốn về. Con bé này, thật là đáo để!
Đến bữa cơm, tôi bỏ lại đàn vào, theo lệ đứng lên chuẩn bị bát đũa, nửa chừng đi vào phòng ăn còn quay đầu lại nhìn xem con bé sẽ làm gì cây đàn tôi để đó. Nó với tay kéo dây khóa đóng túi đàn lại, cẩn thận đẩy vào một góc ít qua lại. Vừa quay người để tiếp tục nhiệm vụ, tôi bắt gặp ánh mắt tự hào của chị. Trên tay chị còn bưng nồi cơm, nhướn mày với tôi một cái, con gái chị ngoan đúng không. Trước giờ tôi đều không thích nhìn chị quá đắc ý khoe mẽ trước mắt tôi, nhưng lần này tôi đồng ý với chị. Con bé ngoan quá, tôi bất chợt nảy lên một ý nghĩ.
Nếu nó thích, tôi sẽ dạy nó học đàn.
Năng lực về đàn nhạc của mình tôi hiểu rất rõ, bởi vì tôi thực sự nghiêm túc với guitar. Con người tôi cũng không có gì nổi bật ngoài vẻ đẹp trai chỉ mỗi mình nhìn thấy, còn người khác có người thấy người không. Về tính cách chắc cũng không đủ thú vị, thú vị nhất là cứng đầu và tự biết mình cứng đầu nhưng không muốn sửa, người ta gọi là cố chấp nổi loạn tuổi dậy thì. Tôi cố chấp với mọi thứ, guitar là một trong số đó. Tôi không dám nói mình yêu nó mãi mãi bằng cả mạng sống này, lỡ đâu một ngày tôi bỏ đàn sẽ có người mang ra nói thì mặt mũi nửa đời sau của tôi coi như bỏ. Nhưng tôi đủ tự tin và chắc chắn để nói, năm mười sáu tuổi đó, guitar mở ra một con người khác trong tôi. Con người ấy, biết học hỏi, biết lắng nghe. Con người ấy, cũng trẻ thôi, nhưng dũng cảm hơn, yêu âm nhạc và dám theo đuổi nó.
BẠN ĐANG ĐỌC
yzl | Tôi tên Trương Gia Nguyên
FanficTôi tên Trương Gia Nguyên, còn anh ấy tên Châu Kha Vũ