Ngoại truyện 1. Tự truyện của Tiểu Minh (1)

98 17 4
                                    

-----
Xin chào, tôi tên là Tiểu Minh, năm nay hơn hai mươi lăm tuổi, là truyền nhân đời thứ hai của tiệm sách Di Hoà trên con phố Cẩm Đường nhỏ nhắn của Thượng Hải.

Tôi là một đứa trẻ bị bỏ rơi từ khi còn quấn tã. Mẹ nuôi tôi nói bà tìm thấy tôi nằm trong một chiếc giỏ mây ở công viên thành phố khi đang đi dạo gần đó, cũng không biết ai đã bỏ lại tôi ở đấy. Bà là một goá phụ không có con nên đã đưa tôi về nhà chăm sóc, còn thu xếp làm thủ tục nhận con nuôi và giấy khai sinh cho tôi. Bà là chủ nhân đầu tiên của Di Hoà.

Mẹ nuôi tôi sau khi lấy chồng thì chuyển từ Bắc Bình về Thượng Hải, là một người phụ nữ tốt bụng và dịu dàng. Khi tôi lên bốn, bà phát hiện ra tôi phát triển không bình thường như những đứa trẻ đồng trang lứa nên đã đưa tôi đến bệnh viện. Bác sĩ nói tôi bị câm điếc, không rõ là do bẩm sinh hay bị bệnh mà thành, nói chung là không có cách nào chữa khỏi. Mẹ nuôi tôi không vì thế mà bỏ tôi mà tìm cách giao thiệp với người phương Tây ở Thượng Hải để nhập sách tiếng Anh, Pháp về bán và cho thuê, trong đó có cả sách dạy giao tiếp của người khiếm thính. Từ đó Di Hoà bắt đầu có thêm một tầng hai bày sách phương Tây, mẹ nuôi ban ngày dạy tôi học, trông tiệm, ban đêm lại chong đèn tự học ngôn ngữ ký hiệu. Năm tôi mười tuổi, bà bắt đầu dạy tôi thứ ngôn ngữ ấy.

Tôi cho rằng mình chịu ảnh hưởng rất lớn từ sự lạc quan của bà. Bà nói thiếu đi hai giác quan thì dùng những giác quan còn lại để cảm nhận cuộc sống xung quanh, để tận hưởng chúng theo cách mà ít người có thể làm được. Người câm điếc như tôi không thể nói, không thể nghe nhưng có thể dùng đôi tay để cảm nhận sự vật tỉ mỉ hơn người khác, dùng đôi mắt để quan sát những thứ người bình thường bỏ qua, dùng cả cơ thể để tiếp nhận thế giới và để thế giới tiếp nhận mình. Tôi chưa bao giờ tự ti về bản thân mình bởi vì mẹ nuôi vẫn luôn kiên trì rèn luyện sự tự tin của tôi từng ngày, cho đến khi bà rời xa tôi để đi gặp cha nuôi vào một ngày xuân ấm áp.

Tôi bình lặng trông coi Di Hoà một mình được mấy năm thì Lưu Vũ xuất hiện. Tôi vẫn nhớ hôm đó là một ngày mùa thu năm 1931, khi tôi đang đứng trên cầu thang xếp số sách mới nhập về thì nhìn thấy một cậu sinh viên thanh tú bước vào tiệm, trên tay ôm một tập giấy vẽ và cặp sách màu đen. Lúc ấy cậu ấy chưa nhận ra tôi đứng ở góc khuất sau cầu thang nên tôi đã kịp quan sát cậu ấy một chút. Lưu Vũ có dáng người nhỏ nhắn và mái tóc đen tuyền, trên người mặc bộ trường bào màu trắng ngà kẻ sọc chìm, phần cổ áo thêu hình mây khói bằng chỉ bạc, trên ngực áo đeo huy hiệu của trường đại học. Cậu ấy bước từ ngoài phố vào tiệm như đem theo vầng hào quang rực rỡ của ánh nắng mùa thu, vô cùng thanh khiết và dễ chịu, cảm giác như tiên giáng trần vậy. Tôi cất gọn sách lên giá rồi bước ra, Lưu Vũ vô cùng lịch sự gật đầu chào tôi, tôi cũng đáp lễ cậu ấy rồi về bàn lấy một chồng sách khác, đem phân loại ở giá sách tầng một.

Tuy mất đi khả năng nghe, nói nhưng tôi may mắn có được một trí nhớ vô cùng tốt, mỗi vị khách đến với Di Hoà dù chỉ một lần tôi cũng nhớ như in nên họ thường xuyên quay trở lại làm khách quen của tôi. Lưu Vũ đến cửa tiệm của tôi ngày hôm đó là lần đầu tiên, tôi sợ cậu ấy sẽ hỏi mình điều gì nên chỉ loanh quanh xếp sách ở tầng một. Lưu Vũ xem sách rất cẩn thận, tự mình tìm hiểu cả tiệm sách mà không hỏi tôi bất cứ điều gì, áng chừng khoảng một tiếng đồng hồ cậu ấy mới tiến tới bàn làm việc của tôi, đặt lên vài quyển sách.

Thư tình gửi người cô đơnNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ