Trong lịch sử dân tộc có những văn kiện vừa có tầm vóc lịch sử vĩ đại, vừa có giá trị văn học. Đó là Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi và Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh. Tuyên ngôn cũng như Đại cáo là thể văn chính luận được viết vào thời điểm có sự kiện chính trị trọng đại, nhằm tuyên bố thắng lợi, khẳng định chủ quyền, đề ra những nguyên tắc đảm bảo quyền lợi cho con người, nhân dân, dân tộc. Trên thế giới đã có những bản Tuyên ngôn nổi tiếng như Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791. Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam ngày 2-9-1945 không chỉ mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của nước Việt Nam sau 80 năm bị giặc Pháp đô hộ và sau một nghìn năm chế độ phong kiến, mà còn khởi đầu cho sự tan rã của hệ thống thuộc địa trên thế giới.
Năm 1945, khi quân phát xít sắp thua, quân Đồng minh sắp thắng, nhiều đế quốc nhòm ngó Đông Dương, thuộc địa cũ của Pháp đã mất về tay Nhật. Không đếm xỉa đến chủ quyền của Việt Nam, hội nghị Pốtxđam tháng 7-1945 quyết định quân Anh vào giải giáp quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở vào, còn quân Tưởng Giới Thạch vào từ vĩ tuyến 16 trở ra. Tướng Đờ Gôn thì tuyên bố sẽ tổ chức Đông Dương thành liên bang gồm năm "nước tự trị": ngoài Lào, Campuchia còn có ba "nước" Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, tất cả đặt dưới sự lãnh đạo của quan toàn quyền Pháp! Để chống lại âm mưu đế quốc, bảo vệ chủ quyền độc lập của mình, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh (do Đảng cộng sản Việt Nam chỉ đạo) nhân dân ta tranh thủ thời cơ Hồng quân Liên Xô đánh bại phát xít Nhật ngày 15/8/1945, đã đứng lên khởi nghĩa ở Hà Nội ngày 19/8, ở Huế ngày 23/8 và ở Nam Bộ ngày 25/8. Chỉ trong vòng một tuần lễ, nhân dân cả nước đã giành được chính quyền, một tuần lễ sau, Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân và Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9/1945, trước khi quân Anh và quân Tưởng tràn vào Việt Nam. Bản Tuyên ngôn Độc lập không chỉ khẳng định chủ quyền của Việt Nam mà còn có vai trò đánh đòn phủ đầu vào âm mưu tái chiếm Việt Nam của Thực dân Pháp và âm mưu can thiệp vào Việt Nam của các đế quốc khác, tranh thủ sự đồng tình rộng rãi của dư luận quốc tế. Tình thế và nhiệm vụ đó đã quy định nội dung và lời lẽ của Bản Tuyên ngôn. Bản Tuyên ngôn do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và được tập thể thường vụ Trung ương Đảng thông qua. Là người đã viết Bản án chế độ thực dân Pháp năm 1925, Hồ Chí Minh cảm thấy "sảng khoái nhất" khi cầm bút viết những lời kết thúc cho chế độ thực dân Pháp và khai sinh chế độ dân chủ cộng hòa tại Việt Nam.
Bản Tuyên ngôn Độc lập có hai phần lớn. Phần một: Triệt để phủ nhận quyền dính líu tới Việt Nam của thực dân Pháp. Phần hai: Tuyên ngôn thành lập chính phủ, khẳng định quyền độc lập và bày tỏ quyết tâm sắt đá bảo vệ quyền độc lập đó. Chúng ta hãy phân tích theo bố cục này.
I. a) Một bản Tuyên ngôn Độc lập của thời đại dân chủ cộng hòa thì không thể xuất phát từ các nguyên tắc "thay trời hành đạo", "quy định của sách trời" của thời đại phong kiến, mà phải xuất phát từ nguyên tắc mới do chính các nước tư bản về đế quốc công nhận, đặc biệt là từ các nước đang thuộc phe Đồng Minh. Chính vì lẽ đó bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh được mở đầu bằng hai câu trích dẫn từ Tuyên ngôn Độc lập nước Mỹ: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1971 của Pháp: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do." Và khẳng định "Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được".
BẠN ĐANG ĐỌC
Phân tích văn học ôn thi Đại Học
PoetryOk ! Nếu bạn tiếp thu được hết chỗ này thì chúc mừng, bạn sẽ chẳng sợ môn văn nữa :3 Nếu có thắc mắc về Văn học, hãy để lại comment ở đề văn mà bạn có thắc mắc, mình sẽ trả lời. Hiện tại mình đã đi du học. Có thể trả lời muộn, nhưng mình sẽ cố gắng...