Tô Hoài là nhà văn có sức sáng tạo dồi dào nhất trong làng văn chương Việt Nam. Trước Cách mạng, nhà văn nổi tiếng với những câu chuyện về loài vật như " O chuột", "Dế mèn phưu lưu ký". Sau cách mạng nhà văn đã để lại rất nhiều dấu ấn về những tác phẩm viết về đề tài miền núi như "Truyện Tây Bắc", "Miền Tây"... Trong tập Truyện Tây Bắc, nổi tiếng nhất là truyện Vợ chồng A Phủ. Tác phẩm để lại dư âm trong lòng người đọc không chỉ là cảnh sắc thiên nhiên núi rừng Tây Bắc với đêm tình mùa xuân của tuổi trẻ dập dìu tiếng sáo mà còn làm xúc động tâm hồn người đọc bởi sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của nhân vật Mị - người con gái Mèo đã đứng lên đấu tranh với giai cấp thống trị miền núi, thoát khỏi kiếp đời nô lệ tủi nhục để trở thành con người tự do.
Mị xuất hiện ngay từ phần mở đầu tác phẩm, gây ám ảnh cho người đọc về một kiếp người héo hắt, tàn tạ " chỉ biết cúi mặt, mặt buồn rười rượi". Mỵ không hiện lên bằng chân dung mà hiện lên bởi số phận - một số phận đau buồn về kiếp người làm dâu gạt nợ trong nhà thống lý Pá Tra.
Mị là cô gái trẻ đẹp là bông hoa ngát hương của núi rừng Tây Bắc. Mị tài hoa với điệu sáo làm say mê biết bao nhiêu chàng trai "ngày đêm thổi sáo đi theo Mị". Mị yêu lao động "biết cuốc nương làm ngô". Mị giàu lòng tự trọng và hiếu thảo với cha già. Khi biết tin bố sẽ gạt nợ mình cho nhà thống lý, Mị tha thiết van xin "bố đừng bán con cho nhà giàu". Đó chính là vẻ đẹp về nhân cách và phẩm giá của người con gái với vẻ đẹp trong ngần thánh thiện như loài hoa ban thơm ngát giữa rừng. Nhưng có ngờ đâu sự hiểm độc của chính sách cho vay nặng lãi của bọn thổ ty phong kiến miền núi như một sợi dây oan nghiệt siết chặt lấy cuộc đời Mị. Đắng cay thay, đêm tình mùa xuân đẹp nhất của đời người con gái đã biến thành một đêm bi kịch, tủi nhục khi A Sử bắt cóc Mị về nhà thống lý. Và một buổi lễ cúng trình ma sáng hôm sau đó đã trói chặt cuộc đời Mị từ đấy.
Lúc đầu mới về "làm dâu" để phản kháng lại cái sự vô lí ấy, Mị đã "hằng mấy tháng trời đêm nào Mị cũng khóc". Khóc là biểu hiện của trạng thái tâm lí bị ức chế, không cam chịu, không chấp nhận cái sự thật nghiệt ngã ấy. Mị cũng đã từng nghĩ đến cái chết khi cầm nắm lá ngón về tự tử trước mặt cha nhưng vì thương cha già Mị không đành chết. Mị ném nắm lá ngón xuống đất như ném đi tuổi trẻ hạnh phúc của mình để quay về nhà thống lý chấp nhận kiếp sống trâu ngựa. Cái địa ngục trần gian ấy đã giam cầm cuộc đời Mị. Tuổi xuân của Mị bị vùi dập đến héo úa, lụi tàn trong căn buồng chỉ độc một cái cửa sổ nhỏ như lòng bàn tay "trông ra ngoài không biết sương hay là nắng". Mị bị nô lệ hóa trở thành công cụ lao động. Nói đúng hơn là bị bóc lột sức lao động một cách tàn tệ trở thành một súc nô trong nhà thống lý. Cuộc sống của Mị bị vùi vào công việc cả đêm lẫn ngày "tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay xe đay, cuối mùa thì đi nương bẻ bắp...". Không chỉ vậy, Mị còn bị bóng ma thần quyền áp chế làm cho tê liệt về tinh thần, mất hết cả ý thức phản kháng. Nhà văn Tô Hoài đã nhiều lần so sánh Mị với con vật (con ngựa, con trâu, con rùa). Từ đó Mị sống trong vô cảm, tâm hồn bị phong kín bởi sự lặng câm, băng giá "càng ngày Mị càng không nói, cứ lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa". Thử hỏi còn xót xa nào hơn thế nữa không ?
BẠN ĐANG ĐỌC
Phân tích văn học ôn thi Đại Học
PuisiOk ! Nếu bạn tiếp thu được hết chỗ này thì chúc mừng, bạn sẽ chẳng sợ môn văn nữa :3 Nếu có thắc mắc về Văn học, hãy để lại comment ở đề văn mà bạn có thắc mắc, mình sẽ trả lời. Hiện tại mình đã đi du học. Có thể trả lời muộn, nhưng mình sẽ cố gắng...