10

60 11 4
                                    

Kì nghỉ đông nhanh chóng trôi qua và vào khoảng cuối tháng một, chúng tôi háo hức trở lại trường để tận hưởng những ngày cuối cùng của năm học. Đón tiếp chúng tôi là bài thực hành ngắm sao bằng chiếc kính viễn vọng trên sân thượng, với tiết học này, chúng tôi sẽ được dạy về các hành tinh trong vũ trụ và cấu tạo của chúng. Tôi rất thích khám phá những điều huyền bí và vì vậy, tôi vô cùng mong chờ đến hôm ấy.

Chúng tôi được giảng sơ lược về hệ mặt trời trên lớp và đúng tám giờ tối, chúng tôi tập trung ở tầng thượng trường. Hệ thống đèn điện chưa được sửa chữa, vài cột đèn cũ kĩ tỏa ra thứ ánh sáng nhập nhằng khiến nơi đây gần như chìm trong bóng tối. Lớp tôi ghép với 10/2 và 10/4, chín mươi đứa học trò lóng ngóng xếp hàng trong không gian lờ mờ tối, ngồi bệt trên nền đất đợi thầy cô. Khi đám nhóc đã yên ắng, cô cầm micro nói:

- Hệ mặt trời có tám hành tinh, gồm sao Thủy, sao Kim, Trái Đất, sao Hỏa, sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương và sao Hải Vương. Có lẽ mọi người từng thấy những hành tinh này qua sách báo nhưng chưa từng được tận mắt chứng kiến chúng ngoài đời. Hôm nay, chúng ta sẽ được thực hiện điều ấy.

Trước mắt tôi là hai chiếc kính viễn vọng, ban giám hiệu có lẽ đã đầu tư thêm một chiếc để đáp ứng nhu cầu của học sinh. Chúng tôi tiến lên theo thứ tự, các bạn lớp 10/2 được xem đầu tiên. Cô giáo vẫn tiếp tục giảng bài:

- Sao Thủy là hành tinh gần nhất với Mặt Trời, nó có kích thước nhỏ nhất trong hệ. Nếu Trái Đất là đồng năm xu Mĩ thì kích cỡ của Thủy tinh sẽ bằng một trái việt quất. Tuy khoảng cách gần là vậy, nhưng sao Kim mới là hành tinh nóng nhất bởi nó được bao phủ bởi lớp mây dày ngăn cản nhiệt độ từ Mặt Trời thoát ra ngoài.

- Bề mặt của sao Thủy gồ ghề do va chạm nhiều lần với thiên thạch và sao chổi, phần lớn có màu nâu xám. Ở cực bắc và nam của hành tinh, trên những vùng ánh sáng không bao giờ rọi tới, người ta tìm thấy băng nước vĩnh cửu trong những hố va chạm sâu hoắm. Nhiệt độ ở những nơi này cao tới mức có thể bảo quản băng nước dù hành tinh rất sát với Mặt Trời. Sao Thủy chỉ ló dạng vào lúc bình minh hoặc chạng vạng, khi không bị ánh Mặt Trời che lấp. Các em có thể tự ngắm hành tinh này ở nhà.

Xa xa phía chiếc kính viễn vọng, đoàn người lần lượt thay đổi vị trí. Thầy cô vừa hướng dẫn học sinh tìm các hành tinh trên bầu trời, vừa mô tả hình dáng của chúng. Tháng một ở Hàn Quốc vào độ gần cuối đông, ánh sáng bật nảy trên những đụn tuyết phản chiếu lên nền trời xanh thẳm, thắp sáng bầu không vốn tối đen như mực. Các vì sao cũng nhờ thế mà lấp lánh hơn bao giờ hết.

Tôi dỏng tai lắng nghe từng lời của cô, như thể chỉ cần lơ là một chút thôi, cả vũ trụ này sẽ vĩnh viễn rơi vào hố đen không đáy. Cô nói về sao Kim, sao Hỏa, sao Mộc, sao Thổ theo đúng trình tự của các hành tinh trong hệ Mặt Trời.

- Chỉ với chiếc kính thiên văn cỡ nhỏ, ta có thể quan sát những dải mây của sao Mộc và bốn mặt trăng chạy đua quanh nó. Những mặt trăng ấy sẽ khuyết khi chúng tiến vào phần tối của hành tinh - hoặc tròn, khi chúng trôi qua trước sao Mộc...

- ...Viên ngọc quý của Thái Dương hệ là sao Thổ, ta có thể dễ dàng ngắm vành đai và những mặt trăng của nó với hầu hết mọi loại kính viễn vọng. Nổi bật nhất là mặt trăng Titan, sáng rực rỡ tựa một vì tinh tú.

haobin/binhao - nhà du hành vũ trụNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ