Trời mùa đông gió rét quật từng cơn thấu buốt, ta xoa xoa hai bàn tay nứt nẻ vào nhau.
Mùa này rất khó bắt cá, nhưng mà trước kia ma ma phụ trách việc bếp núc đã chỉ ta làm sao để đục một chiếc lỗ xuyên qua lớp băng dày để câu cá.
Những nhà có điều kiện lại rất thích món ăn này, cá bán được giá cao, nên sáng nào, khi gà còn chưa gáy, ta đã lọ mọ chuẩn bị dụng cụ, đi tới ven sông.
Ta làm mọi chuyện rất nhẹ nhàng, sợ ảnh hưởng đến người đang ngủ trên giường.
Đêm qua Tam thiếu gia đã thức rất khuya để đọc sách, ta sợ làm người ngủ không tròn giấc, đèn cũng không dám thắp, dựa vào ánh sáng lờ mờ để chuẩn bị đồ đạc.
Tam thiếu gia, ta không biết bây giờ gọi như vậy còn hợp không, tên thật là Dạ Hoa, con trai thứ ba của Dạ gia giàu nức tiếng cả kinh thành nhờ tơ lụa. Trước đây, người ta vẫn nói rằng, y phục trong cung của hoàng thất, có đến hơn nửa là tơ lụa được làm ra từ Dạ gia.
Ta vẫn còn nhớ rõ, những người dệt và thêu những cuộn vải lụa của Dạ gia, đều là những thợ thủ công lành nghề, kinh nghiệm nhiều, tâm huyết lớn. Loại tơ được dùng để dệt vải, đều lấy từ những kén tằm vàng ươm, phơi sương sớm. Vải lụa dệt ra, vừa mềm vừa bóng, dưới bàn tay khéo léo của các người thợ, họa tiết sinh động phong phú rực rỡ như thật.
Những cuộn vải tốt nhất, sẽ được lựa chọn để đưa vào trong cung, nghe người ta đồn rằng, bộ y phục mà Hoàng hậu thích nhất, là được Dạ phu nhân thêu tay từ chỉ sợi sen.
Ngày ta còn ở Dạ phủ, mỗi lần mài mực cho Tam thiếu gia xong, sẽ len lén đến xưởng thêu, xem các tỷ tỷ tỉ mẩn thêu từng đường kim mũi chỉ. Các tỷ tỷ biết ta là nha hoàn mài mực cho Tam thiếu gia, mỗi lần thấy ta đều kéo lại, cho ta rất nhiều đồ ăn ngon, bảo ta kể cho họ nghe hôm nay Tam thiếu gia đã làm những gì.
Ta ngồi trên đùi các tỷ, ăn bánh, thành thật kể tất cả mọi thứ, đến việc Tam thiếu gia đọc sách, nhíu mày mấy lần cũng nói ra.
Các tỷ ấy nghe xong sẽ đỏ mặt, liên tục bàn tán.
Tam thiếu gia là người trong mộng của rất nhiều cô nương. Dáng thẳng như cây tùng, mày kiếm, mắt sao, là người đọc sách, ôn lương cung kiệm.
Nhưng mà, trong lòng của Tam thiếu gia, đã có một bóng hồng, là trưởng nữ nhà Thái sư Lưu Quang Tự, Lưu Ngọc. Lưu tiểu thư, người như tên, băng thanh, ngọc thiết. Mấy lần cũng Lưu phu nhân đến cửa tiệm của Dạ gia, chọn vải may y phục.
Lần đầu ta nhìn thấy Lưu tiểu thư, đã đứng thần người, mặt đần như ngỗng ỉa, nhìn nàng đến hồn bay phách lạc, bị trưởng quầy đánh vào đầu cho một cái mới tỉnh ra, chạy đi gọi Dạ phu nhân.
Lưu tiểu thư và Tam thiếu gia là tình cảm đồng thuận đến từ hai phía. Nhưng Lưu tiểu thư là con gái nhà quan, Tam thiếu gia vì để xứng với người trong mộng, quyết tâm dùi mài kinh sử, chờ ngày áo gấm vinh quy, sẽ đền cầu thân với Lưu tiểu thư.
Nhưng cuộc đời mấy ai nói trước được việc gì, Dạ gia bị người ta vu oan giáng họa, trong một đêm gia nghiệp bị tịch thu, cả nhà già trẻ kéo nhau ly tán về quê. Chỉ còn Tam thiếu gia vẫn muốn ở lại kinh thành, ngày đêm đèn sách.
BẠN ĐANG ĐỌC
Đèn lồng giấy và Nghiên mực đầy
Short StoryThể loại: Ngược. Cảnh báo: Buồn nhẹ nhàng, buồn tình cảm, buồn vui vẻ, buồn không quạu. Đề nghị giữ tránh xa phụ nữ mang thai, đàn ông đang cho con bú, người có tiền sử về tim mạch và đường tuyến lệ. Cân nhắc trước khi đọc! Đã đọc không buông lời ca...