Hoa tuy líp. Mẹ tôi yêu loài hoa này. Không, tôi nhầm. Mẹ tôi bị loài hoa này ám ảnh. Có một trăm lẻ chín loại hoa tuy-líp và mẹ tôi trồng không sót loại nào. Nghiêm túc đấy. Mẹ tôi dành phần lớn thời gian trong vườn nhà chúng tôi. Thực ra là vườn của mẹ thì đúng hơn. Trồng và tỉa tót đám hoa tuy-líp ấy. Vài lần tôi còn thấy mẹ trò chuyện với chúng. Nhưng tôi chẳng phiền. Mẹ tôi cần chúng. Chúa mới biết tôi còn sống bao lâu nữa. Nhưng chuyện đấy kể sau. Giờ quay lại đám hoa đã. Như tôi đã kể, mẹ trồng mọi loại hoa. Nhưng phần lớn là loại màu đỏ và vàng.
Hai màu ấy là căn nguyên bệnh ghét hoa tuy-líp của tôi.
Mẹ đã giải thích hàng ngàn lần cho tôi, 'Ở Ba Tư, tặng hoa tuy-líp đỏ là để tỏ tình. Cái nhị đen ở giữa là thể hiện tình yêu cháy bỏng trong tim. Và tặng hoa tuy-líp vàng để thổ lộ tình cảm vô vọng và mãnh liệt. Con biết không? Mấy bông này,' và mẹ sẽ nâng niu bông tuy-líp đỏ trên ngón tay xương xẩu, 'Là cho cha con. Còn mấy bông này,' mẹ tôi sẽ lấy bông màu vàng đẹp không tì vết để vào lòng bàn tay. Sau một hồi lâu im lặng mẹ nói, 'Mấy bông này dành cho con.'
Nghe qua thì không có gì đáng nói. Nhưng để tôi giải thích. Đầu tiên, cha tôi không xứng đáng. Kể cả một bông hoa héo rũ trồng bởi tay một người phụ nữ hơi hơi điên và chỉ có một mắt cũng không. Yeah, xin lỗi. Tôi quên nói mẹ tôi chỉ có một mắt à? Cha tôi là một người ích kỷ, chẳng bao giờ quan tâm đến mẹ con tôi. Bạn không cần nghe chi tiết đâu. Hơn nữa ông ta không đáng để tôi hay bạn phí thêm giây nào nữa. Và cái bọn hoa vàng kia cũng thế. Nghĩa là nếu được thì dẫm chúng giùm tôi nhé.
Tặng bông hoa tuy-líp vàng để thổ lộ tình yêu vô vọng và mãnh liệt.
Vô vọng và mãnh liệt.
Vô vọng.
Ý nghĩa từ đó sẽ không là gì với tôi nếu tôi không bị ung thư. Từ đó sẽ không tội tình gì nếu tôi không sắp chết. Sẽ ngọt ngào biết mấy nếu từ ấy không nhắc tôi hằng ngày rằng tôi là tổn thất phụ. Mọi đứa trẻ bị ung thư đều là tổn thất phụ. Chúng tôi đều là những thí nghiệm thất bại trong công cuộc đa dạng hóa loài người. Cứ mỗi lần thấy hoa tuy-líp vàng, nó như nhắc nhở tôi mọi yêu thương tôi nhận được hay cho đi đều vô vọng. Phí công vô ích. Nhưng tôi để mẹ tôi yêu thương mình và miễn cưỡng yêu thương bà vì tôi hiểu giấu diếm tình cảm chỉ làm mẹ tổn thương thêm. Ý tôi là, mẹ tôi cần có mục đích trồng hoa màu vàng kia chứ.
Mẹ tôi chỉ có một mắt do bẩm sinh. Hiển nhiên là dị tật vì giờ hốc mắt bên trái của mẹ là một đám mô tế bào vô dụng. Mẹ tôi chẳng phiền, nhưng tôi bắt gặp ánh nhìn của mọi người đi qua bà.
Cái bà trồng tuy-líp một mắt bị mất trí.
Tôi cho rằng đấy là nhận xét xuất hiện trong đầu óc hạn hẹp của họ. Nhưng tôi cũng chả biết tả kiểu gì khác.
'Có một mắt sẽ nhìn mọi thứ đẹp hơn,' mẹ từng bảo tôi. 'Khi con thiếu thốn gì, giá trị của nó sẽ tăng bội phần.'
Bà nói như kiểu tôi không biết gì ấy. Như thể tôi cần phải nhắc vậy.
Tôi không muốn chết. Nhưng cái chết không làm tôi sợ. Mà là bỏ rơi mẹ tôi kia. Thỉnh thoảng tôi thấy bà giận dữ. Tôi thấy bà đào đất quá trớn. Nhưng mấy bông tuy-líp đó làm bà thanh thản. Chúng đem lại sự thanh bình cho mẹ mà đứa con gái như tôi không làm được. Tôi hiểu thỉnh thoảng tôi là căn nguyên cơn giận của mẹ. Hoặc có thể là lúc nào cũng thế, nhưng mẹ giấu nhẹm đi. Có khi lúc trồng hoa, cơn giận ấy được trút ra. Trút hết ở góc xa xa trong vườn của mẹ, chỗ đất khó trồng nhất.
Và đó là lý do tôi không bao giờ tỏ ra ghét bỏ luống hoa tuy-líp của mẹ. Lúc này đây, người mẹ một mắt bực tức, đau khổ của tôi đang trồng hoa tuy-líp.
BẠN ĐANG ĐỌC
An Imperial Affliction
Short StoryNỗi đau tột cùng (An Imperial Affliction)- tác giả Peter Van Houten- là cuốn sách được Hazel Grace Lancaster- nhân vật nữ chính trong truyện và phim cùng tên 'The Fault in Our Stars' - nhận xét 'là cuốn truyện miêu tả chân thực và thể hiện sự thấu...