Một buổi trưa nắng rát da đầu, tôi còn đang ngủ trong nhà thì tiếng má tôi đã văng vẳng vang lên từ dưới mé sông: "Phúc à, dậy đi con! Thằng Bình nó qua kiếm mày nè!"
Tôi là Phúc, Lê Hoàng Vĩnh Phúc, năm nay cũng hơn 18 tuổi rồi. Mỗi lần tự ngẫm tên mình, tôi lại cảm thấy một điều gì chẳng đúng. Hỏi hết cả cái xóm này, cũng không tìm được đứa trẻ nào tên đẹp như tôi. Tụi nó con trai thì Văn, con gái thì Thị, bởi cái xóm này nghèo rớt mùng tơi, chữ nghĩa có bao nhiêu đâu mà đặt tên con cho đẹp. Nếu đặt tên đẹp có thể đổi được chén gạo để nấu cháo qua ngày, hẳn là ai nấy cũng sẽ đều suy nghĩ lại.
Thế mà má tôi làm được, dù nhà tôi cũng trống trước hở sau. Nhà tôi nghèo, tôi cũng vì vậy mà buộc mình hiểu chuyện. Tôi không được đi học, ba bốn tuổi đã theo má ra đồng. Má tôi cấy lúa, tôi ngồi trên đê. Má tôi bắt óc mò cua, tôi ngồi mé xuồng vọc nước.
Má hay kể lúc tôi mới sinh ra, từ trên xuống dưới trắng như cục bột. Vậy mà sau hơn chục năm ra đồng, nhìn tôi không khác gì đen đúa từ trong bụng mẹ. Mà tôi cùng đành chịu vì má còn phải lo cho chị Hai tôi nữa. Chị lớn hơn tôi 4 tuổi, lại học hành giỏi giang, nên dù cực nhọc tôi cũng thấy vui lòng.
Mà chị tôi năm nay cũng sắp ra trường rồi, dự là một hai năm nữa sẽ tự lo được cho bản thân, không chừng còn gửi tiền về phụ giúp gia đình ấy chứ.
Lạ cái là má tôi biết chữ, má nói là do chị Hạnh đi học về chỉ lại cho má nên má biết. Rồi má mua cuốn tập về viết vào đó dạy lại cho tôi. Nhờ vậy mà tôi đọc vanh vách mấy cuốn sách của chị Hạnh dù chẳng được học qua trường lớp một chữ nào.
Sau mấy lần má gọi, tôi cuối cùng cũng ló mặt ra khỏi cửa nhà. Tôi vừa đi vừa ngáp ngắn ngáp dài, hai mí mắt dán chặt vào nhau, chân theo quán tính mà bước. Như mọi lần, trán tôi lại đập vào thanh ngang phía trên của lối ra vào, phát ra một tiếng "cụp" đau điếng.
Không phải vì tôi quá cao, mà bởi cửa nhà quá thấp.
Má tôi cũng như mọi lần, xót con mà rầy: "Đi đứng hông có coi trước coi sau gì hết!"
Chỉ có thằng Bình đứng ngoài đường với cái xô trên tay, vừa nhìn tôi vừa cười ha hả. Cả cái xóm này có nó là thân nhất với tôi. Có lẽ vì hoàn cảnh đều nghèo túng giống nhau, nhưng nó may mắn hơn vì còn có đủ ba má. Tôi gọi ba má nó là chú thím Sáu, mà quanh năm chẳng gặp được mấy lần vì họ đi làm ăn xa. Thằng Bình ba bốn tuổi cũng đã ra đồng cùng với tôi, vì chị nó đi học, nhà không còn ai nên gửi cho má tôi trông hộ.
Tôi xoa xoa cục u trên trán, hỏi nó: "Trưa nắng muốn chết mà đi đâu được ba?"
Bình đáp: "Ra ruộng thăm chừng mấy cái lờ với tao. Có cá thì đem về luôn, để đó đám cháu ông Sáu phá như quỷ!"
Lợp lờ là một dụng cụ bắt cá dưới chỗ tôi. Người ta cưa tre trúc rồi chẻ thành nan nhỏ, sau đó đan chằng lại bằng dây gân. Đem chúng đặt dưới sông hoặc trong ruộng, bỏ vô chút mồi để nhử cá vào.
Tôi với má cũng nhờ cái nghề làm lợp này mà sống được mấy chục năm nay. Mùa khô người ta bắt đầu làm lợp lờ, bán cho những người cần mua. Tôi với má lúc đó tranh thủ cưa trúc cưa tre, chẻ nan đan lợp, nhờ tay nghề cũng khéo mà người ta thuê giá cũng cao hơn. Tiền tích góp được còn phải lo tiền học tiền ăn cho chị tôi trên thành phố nên chẳng dám chi nhiều.