Chương 5: Thịnh Văn

497 11 0
                                    

Mùa nước rồi cũng qua đi, mùa xạ lại đến rồi chớp mắt lại sang mùa gặt. Mảnh ruộng sau hè nhà tôi đã có mấy hộ bắt đầu thu hoạch lúa, tiếng máy suốt lúa nổ vang trời từ sáng sớm cho đến chiều tà. Mấy ụ rơm vàng dần dà xuất hiện mỗi lúc một nhiều. Cánh diều của đám trẻ lại có dịp bay lượn trên bầu trời lộng gió.

Tôi với thằng Bình dạo này không đi cắt lúa thì đi vác lúa, thỉnh thoảng đi mót lúa về cho mấy con gà vịt má tôi nuôi ăn. Hiếm lắm thì mới được một hôm rảnh rỗi cùng đi thả diều.

Cuộc đời gắn liền với đồng ruộng, chắc đây là cái thú vui duy nhất tôi với thằng Bình có thể đua đòi. Nhớ lần đầu đi thả diều, diều tôi đứt dây bị gió cuốn bay đi mất, tôi khóc hết mấy ngày trời. Cuối cùng chị Hạnh phải chừa tiền ăn của chị lại, dành dụm cả hai tuần lễ mới đủ mua cho tôi con diều mới.

Nắng chiều vừa dịu bớt, thằng Bình đã xách diều sang rủ tôi ra ruộng thả. Tôi vừa mua cuộn dây diều mới vài ngày trước, gắn thêm vài cái đuôi bằng nilon cho cánh diều bay "đầm" hơn. Nhưng mà thật ra thằng Bình mới là trùm thả diều, diều nó gắn thêm cả bốn cái đuôi, khi thả lên cao vung vẩy trong gió trông rất đẹp.

[đầm: ổn định]

Tôi vừa mới định bước đi, mẹ tôi bên ngoài đã kêu: "Phúc ơi, Thịnh Văn kiếm nè con!"

Tôi bỏ con diều lên bàn ăn cơm, lật đật chạy vội ra ngoài. Thịnh Văn đậu chiếc Cup 50 trong sân rồi chờ trước cửa, mặc quần tây sơ mi nhìn hêt sức bảnh bao chỉnh tề. Cậu ta với tôi vốn dĩ không quen không biết, chỉ là do duyên cớ một lần tình cờ mà làm bạn đến bây giờ.

Năm đó tôi mười hai tuổi, vào một buổi chiều trời nhá nhem tối, tôi như mọi khi đi ruộng về thì cứ trầm mình dưới sông chẳng chịu lên. Phía bên kia sông, đám trẻ xóm trên chạy xe đạp như bay trên đường đi học về. Cặp sách tụi nó nịt ở yên sau, áo trắng trên người mới mẻ tinh tươm, mặt mũi đứa nào cũng trắng trẻo sáng láng. Tôi cảm thấy có chút tủi thân, nhưng mỗi lần tụi nó chạy ngang tôi cứ phải nhìn mà không rời mắt.

Rồi từ phía xa, một đám khác căng ngang đường chạy vượt lên, vừa chạy vừa cười giòn giã, đến mức làng trên xóm dưới còn nghe. Tụi nó đi học thì ít, quậy quạng thì nhiều. Tôi nhìn thấy thì chỉ nhếch môi khinh bỉ rồi hụp xuống nước gội đầu. Lúc tôi ngoi lên, bờ bên kia đã có tiếng học sinh la hớt hãi: "Lọt dưới sông rồi! Lọt dưới sông rồi!"

Tôi tưởng cái đám kia có đứa lọt sông, liền cười vui vẻ: "Chết mẹ mày chưa con!". Nhưng chưa được bao lâu thì tôi thấy thằng nhóc rơi xuống nước điên cuồng giãy giũa, còn đám trên bờ thì cười hả hê rồi đạp xe đi mất. Tôi ngẫm lại: "Ủa đâu phải... Mấy thằng khốn nạn là mấy thằng vừa chạy đi mà? Ủa..."

Biết là cười nhầm, tôi tự nhiên không làm mà cũng chột dạ. Tôi lội thẳng một hơi qua bờ bên kia, nắm cổ áo thằng nhóc kia lôi ngược vào bờ.

Nó ngồi trên cầu, vừa sặc vừa ho, khóc bù lu bù loa làm tôi mắc mệt. Mà cũng phải, nhìn nó trắng tươi tròn trịa là biết công tử bột, chắc chưa bao giờ chịu cảnh quần áo lấm lem, chân tay trầy trụa kiểu này.

Tôi kêu nó: "Lên bờ rồi còn khóc gì nữa? Đi về đi ba."

Nó gắng gượng nín khóc, nhưng vẻ mặt còn hằn lên nỗi sợ hãi sau cơn thập tử nhất sinh. Nó chỉ xuống dưới, lắp bắp nói: "Còn... còn chiếc xe... của tui nữa..."

Anh Nông DâmNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ