Hồi đó, gia đình tôi và gia đình thằng Chíp đều ở chiến khu I. Đây là nơi ở xen lộn giữa nhà nhân dân với một số cơ quan hành chính địa phương. Thằng Chíp và tôi đều là con nhà lao động tay chân. Hai đứa ngoài công việc gia đình hằng ngày, đều là dân nhóc có máu mê săn bắn và đi câu cho nên tôi cứ rỗi là nháy xéo nhau thọc vào rừng sâu, đến gốc cây đa Trăm Tuổi bắn gầm ghì. Hoặc nữa, vác cần câu tới các khe điếc câu rô kềnh, trê núi (con trê núi da đen láng nhưng thịt vàng khè, khứa nghiêng nghiêng để nướng chấm nước mắm gừng thì ăn hai chén mỗi bữa là muốn ăn lên bốn...)
Những mẩu chuyện săn bắn kể về ông Hai Đùng Đình hạ con cọp vện tàu cau mỗi chân trước có sáu móng, rồi cũng chính ông Hai bắn giáp mặt con gấu ngựa ở Đầm Lau, hay chuyện ông Ấm Rắn Hổ thôi "lưỡi me" để bắt cá tràu bông... thì cả hai đứa đã nghe đi nghe lại tới mòn tai mà vẫn còn ưa nghe. Và nếu cùng một câu chuyện như vậy mà được hai ba người kể lại, thì lại càng thích. Hai đứa cứ bảo khẽ nhau: nhất định hôm nào đó bọn mình phải tìm cách tới thăm ông Hai Đùng Đình, hoặc ông Ấm Rắn Hổ tại ngay nhà từng người thì mới thoa. Đến thăm nhưng lỡ họ đuổi về thì mình ra về. Nếu không gặp được ông Hai Đùng Đình thì cũng có thể thấy được đôi chó vện cụt đuôi của nhà này. Chắc đó là một đôi chó dài mình, bụng thóp, ngực nở và đuôi cụt. Loại chó chuyên đánh nhau với heo rừng, chó sói lửa, chồn vàng, nhím lông chuông, là giống chó thiện chiến. Không sủa lảng, không gầm gừ vô lối. Không ghét vặt bọn mèo, lũ gà. Khi ngủ vẫn hé hé đôi mắt; tai, mũi, lông mõm vẫn thính như đang thức.
Hoặc... tìm thăm ông Ấm Rắn Hổ, nghe nói ông cũng ở tại chiến khu I này thôi. Ông này có nghề bắt rắn độc bằng tay không và nhất là thổi "lưỡi me". Ba tôi bảo đã nhiều lần được coi tận mắt ông Ấm Rắn Hổ "thổi" cá. Thổi lưỡi me cũng hơi giống cách thổi ống xì đồng. Ống xì đồng, ba tôi cho biết thường dùng để thổi chim và thổi bằng "đạn" đất sét: một thứ "đất sét" nguyên chất, không bị pha tạp đất thịt vớ vẩn hoặc có lộn tí bụi cát nào vào. Trước khi đi thổi chim, ta phải dùng bàn tay để nhào nặn mớ đất sét cho thật nhuyễn, lại pha vào ít nước muối. Rồi vừa đi vừa viên vo trong mấy ngón tay một ít "đạn" để thấy chim là "thổi". Người có tay nghề thì từ cỡ chào mào, chích chòe, sáo sậu, cà cưỡng, vàng anh, cho đến cu ngói, cu cườm, cu xanh đều rụng ngay tại chỗ với phát đạn đầu tiên. Các loại chim cu trên đây mặc dù rất khỏe, nhưng vẫn cứ bị hại vì bị "đạn" bắn vào đầu. Đó là sự lợi hại của ống xì đồng... Thổi bằng đạn đất sét tinh. Những ống xì đồng thổi bằng "lưỡi me" thì chỉ dùng để thổi cá. Nhất là với loại cá quá to con. Loại cá này có đặc điểm là cứ vào thời gian buổi sáng khi đã có nắng ấm dọi chếch vào mặt sông, dòng suối là hắn ta thích nhớm đầu lên để "hớp" tí ti khí trời. Chính đúng lúc này, lưỡi me găm sâu vào phía "gáy" của cá.
Sau nhiều lần tìm hỏi về nhà ông Ấm Rắn Hổ, thằng Chíp và tôi đã biết: nhà ông chỉ cách đây khoảng trên dưới một cây số đường núi, đi vù cái là tới ngay. Có bác còn chỉ rõ:
- Cứ đi dọc theo còn khe Tành Tành. Khi nào gặp một cây bồ đề bị sét đánh chẻ thành hai, hai cây nhưng vẫn một cội. Trong đó có một góc giống như người chìa một cánh tay để khoe bắp thịt... thì có ngay con đường mòn rẽ qua trái. Cứ đi thêm khoảng trăm mét nữa, sẽ thấy hai cây dầu rái to cao, đó là nhà ông...
BẠN ĐANG ĐỌC
Một Cần Câu
Teen FictionTập truyện kể lại những chuyện đi câu của tác giả, thời thơ ấu, vừa vui vẻ nghịch ngợm, vừa thông minh tinh quái. Đúng như nhà văn Nguyễn Quỳnh đã nhận xét: “Cả tập toàn kể chuyện câu cá… Nhưng tài ba nghệ sĩ của Trần Thanh Địch ở chỗ: chỉ với Một c...