Tôi đoán đây là hai anh em. Cậu anh tuổi khoảng trên dưới 25. Què một chân, đi bằng chiếc nạng gỗ với một cánh tay chống đỡ mà chân trước trên cát thoăn thoắt. Người có vẻ dị dạng vì cái đầu hơi bự, lại đội chiếc mũ lưỡi trai tùm hum che mất cả đôi lông mày. Mặt mày điểm chút ngây ngô như kẻ bị chứng si ngốc Mông-gô-lít. Thế nhưng anh ta lại có cặp mắt sắc, sáng và đáo để. Đứa em chừng l5, 16 gì đó. Cả hai anh em mỗi người đều làm việc chăm chú từng nơi cách nhau khi dăm bảy khi mươi mười lăm mét, chẳng bao giờ thèm nhìn ngó nhau.
Cần câu thật quá mức đơn giản. Không làm gì có cần câu. Hay nếu bảo cánh tay thay cần câu thì cũng được. "Chỉ câu" là loại chỉ sợi ba lăng nhăng vớ đâu đấy miễn là không đến nỗi quá bở là được rồi. Lưỡi câu và mồi câu... cũng không cần thiết nốt. Với một đoạn chỉ dài chưa tới hai mét kia, hai đầu đều buộc vào mỗi đằng một vỏ con ốc đinh: một ốc to, một ốc nhỏ, coi như mồi đấy.
Nắng sáng buổi mai vừa được biển cả bao la hất ngược vào bờ, làm cho từng loạt chân sóng sau khi rút lùi về biển Đông, đã để lại một mặt bằng toàn cát láng mềm. Cậu anh cũng như đứa em, lợi dụng thời điểm chưa có một móng chân dã tràng nào lí nhí bấu lên, liền quan sát toàn thể mặt cắt với cái nhìn nghề nghiệp. Hang dã tràng khác xa hang tôm tít. Mỗi sáng sớm khi thủy triều rút xuống và mặt cát có một thời gian nguyên trinh, bọn dã tràng xe cát từ dưới lòng đất chuẩn bị chui lên. Chưa có mặt nó đâu.
Chỉ mấy mấy cục cát tí xíu rất tròn, xinh được đùn lên thong thả, lăn đâu đó thì lăn... Sau cùng thì dã tràng mới xuất hiện. Hắn ta đã thấy bao nhiêu là viên cát ở quanh miệng hang của mình làm thành vành ba-ri-e.
Tôi hỏi cậu anh:
- Còn hang tôm tít thì sao?
Cậu ta gật gật qua loa, phát một cử chỉ như bảo để rồi trả lời sau, hiện nay đang bận. Cách ngồi của người què chân thấy hơi bừa bãi nhưng vẫn khéo dáng. Vừa qùi người xuống bằng cái chân khỏe thì một tay cầm chiếc muỗng xúp không cần múc ngoặc một cái: thìa cát nhão đã ném sang bên. Một lỗ hõm có thể bỏ lọt hột nhãn hiện ngay ra. Bàn tay kia vội buông mẩu chỉ buộc vỏ con ốc đinh xuống. Nhún nhún uốn éo luôn mấy cái để mẩu ốc lọt theo đường hang hình như không được thẳng tắp dưới kia. Sợi chỉ trên tay ngày càng ngắn lại. Cậu ta bỗng thẳng lưng rồi giật phắt! Một mẩu gì đó ngoằn nghèo tung lên theo. Nó giãy nảy mình từ sấp sang ngửa, lại từ ngửa sang sấp như đang loạng quạng tìm lại cái hang vừa mới đó đã biến đâu mất rồi? Hóa ra người đi câu đã xóa mất nó bằng một vốc cát ướt bít trọn hang từ đời tám hoánh!
Anh ta vớt ngay con tôm tít cho vào một chiếc ca nhựa đã lúc nhúc bao nhiêu đồng loại ở trong rồi. Chẳng cần nhìn gì tôi, anh ta nói như nói với tiếng sóng biển ầm ào từ những ngày tạo thiên lập địa:
- Thấy hang nó rồi chớ?
Tôi định trả lời chưa. Vì vừa qua tôi chỉ thấy hang nó sau khi cậu ta lấy thìa múc vớt một phần mặt cát. Tôi muốn làm sao tự mình phát hiện được cái tí tăm dạng gì đó bằng mắt, chứng tỏ bên dưới mặt cát đúng là hang ổ con tôm tít.
Chỉ một bước sải nhờ cánh tay khỏe bên phái chân què, cậu ta đã ngồi thụp xuống múc ngay muỗng cát nhão ném sang bên. Lại thòi ra lỗ hang khác. Lại những động tác cũ. Kiên nhẫn lắc lư mẩu chỉ sợi. Hình như vỏ con ốc đinh đang bị đường hang ngáng lại sơ sơ làm cho bàn tay điều khiển càng giỏi giống như một nghệ sĩ múa rối uốn nắn cái dây con rối. Đoạn chỉ tụt xuống thêm nửa gang tay... rồi dừng. Anh ta nhăn dúm đôi mắt, bộ mặt trở nên khó khăn như kẻ đói nghèo. Sợi chỉ hình như thương tình rút xuống cho anh một khúc nữa - ngăn ngắn thôi, và bỗng chốc, cánh ta giật tung.
BẠN ĐANG ĐỌC
Một Cần Câu
Teen FictionTập truyện kể lại những chuyện đi câu của tác giả, thời thơ ấu, vừa vui vẻ nghịch ngợm, vừa thông minh tinh quái. Đúng như nhà văn Nguyễn Quỳnh đã nhận xét: “Cả tập toàn kể chuyện câu cá… Nhưng tài ba nghệ sĩ của Trần Thanh Địch ở chỗ: chỉ với Một c...