Mùa hè thì tha hồ chơi. Nhưng đá banh bằng trái bưởi lùi tro mài cũng chán. Bán ná giàn thun mãi cũng chán (tuần trước nhà bà Thốn mất con gà còi, bắn tiếng nghi hoặc là không khéo thằng Định thằng An "chớp" rồi cũng nên: thật là Quan âm Thị Kính cho hai đứa tôi!). Thả diều mãi, cùng chán... Tôi với thằng An quay sang môn câu cá.
Thằng An bảo:
- Nhưng mày đã định câu loại cá gì chưa? Hay cứ chờ bỏ mồi xuống nước, cá gì ăn, ta giật con đó? Theo tao, không chơi trò may rủi này. Phải quyết định trước...
Tôi đâm bí vì cũng chưa nghĩ đến việc này, nhưng vẫn nói trớ:
- Thì bởi vậy nên hôm nay ta mới phải bàn. Theo tao, ngày mai ta đi câu rô đi!
Thằng An đồng ý nhưng còn vặn vẹo:
- Câu rô thích đấy... nhưng câu ở đâu? Câu ở hói lách, cá vừa nhỏ vừa gầy đét. Ở ruộng ông Tạo thì mấy cánh đồng đều sắp cạn nước cả rồi. Ở đầm sen làng Phú Thuận thì, thấy mặt trẻ con cầm câu lăm le đi tới, dân làng họ đuổi ngay, dọa bẻ tư cần câu ném xuống hồ. Vậy thì... nên câu ở đâu?
Vừa rồi, nhờ câu nhắc nhở của thằng An về hói Lách, tôi nói ngay:
- Theo tao, câu hói Lách là tuyệt nhất. Rô ở đây nếu bảo là nhỏ và gầy đét là mấy tháng mưa gió lạnh lùng kia. Chứ mùa này thì bọn rô mập ú. Vì lũ này vốn ở các ruộng đồng, ăn lúa từ ruộng cạn theo xống ruộng sâu, rồi khi ruộng sâu cạn nước, chúng đi theo con lạch mà xuống hói hẳm. Mình tới đó buông cần thì số dách. Con nào con nấy mập thù lù... cho mày xem!
Thằng An coi bộ đã mê lắm lắm nhưng còn đá vớt một ý:
- Vậy gần đây mày đã ra câu ở đó chưa? Thôi được! Đồng ý. Mấy hôm nay má tao đang kêu dữ quá! Bà bảo: cá tôm đắt đo như vàng, hỏi xem giá cả mụ bán hàng vểnh râu... Tao cười đứt ruột vì mụ bán hàng không trả lời mà chỉ "vểnh râu". Sáng mai ta đi nhé?
Tôi hứa:
- Ừ, sáng mai.
Tôi trơ về nhà. Đầu tiên. xem lại cần câu: lâu nay không dùng. bây giờ coi lại xem có trục trặc gì không? Biết rõ là cần câu cũng chưa đến nỗi bị bọn nhện gia đình dăng lưới đánh bẫy lũ có cánh bé thân đâu, nhưng mỗi lần soạn sửa là phải coi lại tất. Vớ mảnh giẻ lau ghế hoặc cái lá khô gần đâu đó mà chùi chiếc cần câu từ gốc lên ngọn. Chỉ câu thế nào, à, còn tốt như ngày nào. Phao thế nào, thôi bậy rồi: chuột đói ngứa răng đã khới đứt một nửa cái phao chổi đót mất rồi. Tôi vào bếp, nhón một đoạn thân củ tỏi má tôi, thường treo trên đầu ba ông táo ra, thế là có được cái phao không kém gì lông công. Sang mẩu chì và lưỡi câu thì còn như mới nguyên.
Khi soát lại lần cuối về chiếc cần câu thì bỗng toé ra một chút bực mình còn lại: ở đuôi cán cần câu đang bị dập, nên cứ để vậy mà dùng thì cũng chẳng sao, nhưng mà thấy chướng con mắt, nên phải cắt đi một lóng cuối cần. Tôi vào lấy con dao nghề (loại dao cùn của ba tôi, vì loại "dao nhất" ông cụ đã cất vào ngăn tủ cùng với mọi thứ cưa đục búa kìm mất rồi). Dao đã quá cùn, phải đem ra giếng vì tấm đá mài nằm ngoài đó. Tìm mãi vẫn không thấy tấm đá ở đâu, lúc sau mới nhớ ra bà tôi vừa cho bác Quýnh mượn về nhà mài cả mớ dao bào, dao bầu, dao pha, dao rựa gì gì của nhà bác ấy. Tôi cầm con dao nghề vừa gì vừa cùn vừa long cán sang nhà bác Quýnh. Hoá ra bác cũng đang làm công việc xoèn xoẹt bên một giếng nước không xây bờ thành (nghe nói cốt để trồng các loại rau xanh quanh giếng).
BẠN ĐANG ĐỌC
Một Cần Câu
Teen FictionTập truyện kể lại những chuyện đi câu của tác giả, thời thơ ấu, vừa vui vẻ nghịch ngợm, vừa thông minh tinh quái. Đúng như nhà văn Nguyễn Quỳnh đã nhận xét: “Cả tập toàn kể chuyện câu cá… Nhưng tài ba nghệ sĩ của Trần Thanh Địch ở chỗ: chỉ với Một c...