Cu Ết vào cơ quan chúng tôi khi vừa mười hai tuổi. Hôm ấy anh Toàn thủ trưởng và tôi ở đồng bằng trở về chiến khu. Trên đường vào cơ quan, đang đi ngang nhà bác Chít, một nông dân nghèo đồng thời là thợ mộc, thì bác mời vào uống chè Huế có pha gừng. Đang lúc khát nước, và đồng thời cũng để nghỉ chân, chúng tôi ghé chơi. Một chú bé bụng ỏng, mặt xanh bủng, đang xách nước từ giếng đi vào. Nó đã thấy bọn tôi nhưng không chào, làm như chưa thấy. Trận càn của địch vào tháng trước đã đốt rụi cả xóm làng, nhà bác Chít cũng mới dựng lại, chỉ nhỏ bằng phần ba trước đây, lợp tranh rạ tươi còn phảng phất mùi lúa chín.
Vừa ngồi uống nước, anh Toàn hỏi bác Chít:
- Chú có được mấy cháu?
Bác Chít rót nước vào mấy chén tống, nói:
- Có một thôi. Con gái. Hắn đang vô làm rẫy với bà con trong núi... còn thằng ni là cháu. Kêu tui bằng bác ruột. Cha mẹ chết cả rồi, về ở với tui. Sốt rét tứ tung nhưng cũng siêng năng làm việc. Nếu mấy anh.... coi cần có đứa để sai vặt, cho nó theo với!
Anh Toàn cười vui vui, hất mặt sang tôi như cách hỏi: cậu thấy thế nào, hay ta đồng ý đi?
Tôi bảo:
- Tùy anh, cũng được....
Nói như vậy vì lâu nay, cơ quan tôi đang thiếu một chú bé giúp công việc lặt vặt như: đưa thư vào mấy cơ quan bạn đóng cách đôi ba cây số hoặc phụ giúp anh cấp dưỡng về bếp núc, cũng có lúc chỉ để trông nhà cho anh em đi công tác vài ba tuần mới về.
Anh Toàn bảo:
- Chú thử hỏi qua ý nó coi... hay thôi. Em gì đó ơi! (bác Chít bảo: "thằng Ết!") Ết ơi, vào đây anh hỏi. Em có muốn làm việc với bọn anh không?
Không ngờ nó vừa đi vừa hỏi lại:
- Dạ việc chi?
Tôi cười ngất trong đầu nhưng chỉ mỉm trên miệng. Anh Toàn trả lời:
- Có nhiều công việc cho em làm. Bây giờ thì xách nước, phụ bếp quét sân. Chừng sang năm, liên lạc đưa thư cho vài cơ quan đóng gần. Khi rỗi thì học.....
Bác Chít nói vào:
- Được vậy thì là lên tiên rồi! Mi thích là tao cho đi theo các anh luôn. Rồi cố gắng học nữa. Để sau còn cất đầu lên một chút con à! Nghe chưa?
Cả tôi và anh Toàn đang nhìn thái độ Ết. Nó cười. Cái cười chắc là giống kiểu cười thằng Bờm.
Bọn tôi chào bác Chít để vào chiến khu, có Ết lon ton theo sau trên vai, quàng một chiếc túi vải xanh bạc mầu, xem ra không có gì nặng ở bên trong, và một tay nó cầm chiếc cần câu đơn sơ.
Trong cơ quan, thật ra cũng chẳng có gì là bận rộn, nhất là với một cơ quan văn nghệ thời kháng chiến chín năm. Bốn cán bộ và một anh cấp dưỡng lo bữa ăn thường ngày. Và bây giờ có thêm cu Ết. Bốn cán bộ thì trừ anh Toàn thủ trưởng, thỉnh thoảng cần thiết lắm mới tạt về đồng bằng họp chớp nhoáng rồi lên ngay, còn lại ba anh em cứ phân chia công tác ra, về từng huyện nào đó mà làm việc. Một hai tuần tạm xong, lại trở về chiến khu. Cho nên rất ít khi có mặt đông đủ cả sáu người ở cơ quan. Thường ngày chỉ có anh Toàn, anh Cục (cấp dưỡng, vừa lùng sục vào các gia đình nông dân để mua cái ăn chính hàng ngày), một anh em cán bộ nào đó chưa phải đi công tác, và cu Ết.
BẠN ĐANG ĐỌC
Một Cần Câu
Teen FictionTập truyện kể lại những chuyện đi câu của tác giả, thời thơ ấu, vừa vui vẻ nghịch ngợm, vừa thông minh tinh quái. Đúng như nhà văn Nguyễn Quỳnh đã nhận xét: “Cả tập toàn kể chuyện câu cá… Nhưng tài ba nghệ sĩ của Trần Thanh Địch ở chỗ: chỉ với Một c...