Gần đây, trong xóm có nhiều gia đình ra sông câu túi nhựa ni-lông. Mấy thứ tưởng đâu vớ vẩn đồ bỏ thường nằm lẫn lộn trong những đống rác trên đường mà xe vệ sinh chưa kịp bốc đi và nhờ vậy, nhiều kẻ đến khều ra nhặt tiếp ấy, không ai ngờ dưới đáy sông lại vô khối. Có người thảnh thơi một mình, ung dung một thuyền. Có thuyền hai người cùng làm, chắc là một gia đình.
Anh em Rô bàn nhau cũng thử bắt chước họ, "đi" vài chuyến coi. Chúng nó bảo nhau thật bí mật:
- Không có thuyền thì tụi mình làm bè chuối, sợ khỉ gì.
Cả hai đứa thử hỏi coi ý chú Tám Giồng. Vừa nghe qua chủ đã nổi lên cười hặc hặc, sặc cả nước miếng, làm ho luôn một dây khoái trá. "Không có thuyền thì tụi con làm bè chuối..." A. Trời đất! Bốn chín tuổi đầu rồi, bây giờ mới nghe sắp nhỏ này ngứa óc nghĩ ra một chuyện tréo cẳng ngỗng vậy... nhưng mà suy cho thật kỹ, thì cũng có thể làm được. Làm được lắm, ừ...
- Để đó tao!
Chú Tám không ủng hộ suông. Chú còn xung phong "để đó tao" đốn chuối kết bè cho. Đó là những cây chuối trước kia thuộc dòng chuối hột nhưng qua ba bốn đời sau thì trở thành chuối đực mất rồi. Vòm lá không tỏa ngang rồi rũ xuống mà lại đâm chỉa lên trời, xanh ngăn ngắt, chẳng bao giờ đậu buồng vì làm gì có hoa. Mẹ con Rô vẫn thường dùng nó nuôi heo. Chú Tám cũng phải sang nói khéo với thím Sáu mẹ Rô vài câu như cách đả thông nước. Chú sợ đàn bà hay nghĩ bằng cái mút ngón út, thấy ngay mất tiêu bốn hoặc năm cây chuối mà không thấy hai thằng con câu về được mỗi ngày vài ba ký ni-lông nếu bán cân, giá sẽ gấp đôi nhôm bể và gấp mười ve chai, dép đứt. Hợp tác xã sản xuất bao bì người ta dám mua hết. Còn những cây chuối thì... nếu được ngâm nước, chuối sẽ lâu héo lâu thối. Tới lúc thôi dùng bè thì dùng chuối nuôi heo, đâu hườn lại đó.
Không ngờ chú Tám mới nói qua, mẹ Rô đã đồng ý ngay. Hình như mọi chuyện trong gia đình này chuyện nào nếu được chú Tám cho rằng "ừ, phải..." là mẹ Rô đều "ừ, được...".
Tốn gần cả một ngày trời có cả anh em Rô lăng xăng tiếp tay, chiếc bè chuối mà chú Tám bảo rằng "bè chuối đi biển" này đã làm xong. Nhìn xéo hay ngó nghiêng đều thấy thật kiên cố, chắc như bộ phản ngựa. Chừng năm người lớn ngồi lên cũng cứ qua sông Sài Gòn mà không ướt chéo áo. Thợ mộc cũng có khác, chú Tám Giồng vừa khéo tay lại vừa có nhiều kinh nghiệm. Chú đóng bè ngay ngoài bờ sông, vác ngênh ngênh cái cổ từng cây chuối ra tận đây, để khi đóng bè xong là đẩy chuối nó xuống sông êm rơ. Ai đi qua cũng đứng lại nhìn, trầm trồ cái bè tốt thiệt. Có bác gì đó quên thân với gia đình thím Sáu, nói chơi:
- Gắn vô cái máy xình xịch nữa là thằng Rô em "qua biển" tìm ba nó được đây...
Nhiều người cười túa lên, cho là bác này nói chuyện hóm quá là hóm. Nhưng Rô anh thì hoàn toàn không thích, ghét bác ấy nữa là khác! Nó không muốn ai nhắc đến chuyện em nó là đứa lai Mỹ đen. Việc này dính dáng đến nhiều chuyện buồn phiền của má là thím Sáu trước đây, khi ba chưa bị xe nhà binh Mỹ cán chết. Nó còn nghe bà con kể lại, ngày má vừa sinh thằng Rô em, nước da nó đen ngăm, tóc quăn, khóc tiếng o-ngoe nhưng giọng thật khỏe - ba đã đạp xích lô đi luôn một tuần không về nhà. Sáng đó chú Tám qua chơi. Ngồi không nói gì mà chỉ thấy quấn điếu thuốc lá to, hút phì khói um nhà cho đến lúc ném tàn. Chú đứng lên, nói ràng để chú đi tìm kêu ba về, đâu rồi có đó cả. Nghe nói khi đã mời chú lên xích-lô rồi, ba đạp xe đi thong thả. Chiếc xe chuyển bánh lòng vòng, chú Tám quở rầy ba dọc đường thật to, làm người đi đường tưởng ông già say rượu, cũng là chuyện thường. Về tới nhà, chú nằm lên võng lấy chân đong đưa quay về mặt đất. Chú rít từng hơi thuốc lá, điếu thuốc gần bằng ngón chân cái, nói rằng ba không được buồn, vì sao, vì không ai có lỗi hết. Lỗi là lỗi thằng ngoại bang, và chăng chuyện qua rồi, cách như mình ngó theo chiếc tàu hoả huýt huýt chạy qua trước mặt vậy, qua rồi! Mình phải tính chuyện mần ăn cách khác chớ, phải có bổn phận với nhau chớ, tao coi thằng nhỏ tuy da ngăm ngăm chút xíu vậy chớ mặt mày coi được lắm, trán nó là trán thông minh hiếu thảo như thầy Tử Lộ đội gạo về nuôi mẹ, để mà coi sau này lời tao có ứng linh không? Đã cưới nhau là phải gắn bó sắt đá vàng thau cho con cái nó khỏi tủi hổ. Con nào cũng là con, mình thương nó là nó thương mình, không có sao hết...
BẠN ĐANG ĐỌC
Một Cần Câu
Teen FictionTập truyện kể lại những chuyện đi câu của tác giả, thời thơ ấu, vừa vui vẻ nghịch ngợm, vừa thông minh tinh quái. Đúng như nhà văn Nguyễn Quỳnh đã nhận xét: “Cả tập toàn kể chuyện câu cá… Nhưng tài ba nghệ sĩ của Trần Thanh Địch ở chỗ: chỉ với Một c...