Chương 1
MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC NHÂN TỐ SINH THÁI
1. Môi trường
Mỗi sinh vật đều sống trong môi trường đặc trưng của minh, ngoài đó ra, sinh vật không thể tồn tại được. Ví dụ, cá sống trong nước, các con nhông cát sống trên các bãi cát khô hạn, giun đất sống trong các lớp đất ẩm giàu mùn...
Trên bề mặt Trái Đất có thể phân chia tổng quát thành 2 nhóm chính: Môi trường vô sinh hay không sống (abiotic) và môi trường hữu sinh hay môi trường sinh vật (biotic). Môi trường vô sinh lại được chia thành: môi trường đất, nước và không khí. Cần nhớ rằng, trong quá trình phát triển tiến hóa, sinh vật thường tập trung ở những nơi thuận lợi nhất cho đời sống. Đó là môi trường nước rồi từ đó sinh vật tiến chiếm đất liền, hình thành nên 2 nhóm sinh vật chủ yếu: sinh vật dưới nước (aquatic organisms) và sinh vật trên cạn (Terrestrial organisms).
Trong môi trường bất kì, sinh vật phải tìm được các điều kiện thuận lơi cho sự cư trú, kiếm ăn, làm tổ, sinh sản, nuôi con, đồng thời chống lại vật ăn thịt và dịch bệnh.
Vậy, môi trường là một phần không gian bao quanh sinh vật, ở đó sinh vật có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với các yếu tố cấu tạo nên môi trường bằng những phản ứng thích nghi về hình thái cấu tạo, các đặc điểm sinh lí, sinh thái và tập tính.
Môi trường của sinh vật thường không ổn định, liên quan với các giai đoạn phát triển của vỏ Trái Đất và sự biến đổi của khí hậu. Ví dụ, sự hình thành lục địa và đại dương, siêu lục địa tan rã và sự trôi dạt của các mảng lục địa... Những sinh vật được hình thành và phát triển trong điều kiện như thế đã phải trải qua bao biến cố lớn lao và thích nghi để tồn tại cho tới ngày nay. Vỏ Trái đất chỉ mới bước vào trạng thái tương đối yên tĩnh sau tuổi Băng hà lần cuối. Đến nay, những biến động mang tính cục bộ không phải đã chấm dứt như hoạt động của đai núi lửa, động đất, sóng thần... và cả những đổi thay mang tính toàn cầu do hoạt động của con người như lớp ôzôn bị xói mòn, khí hậu Trái Đất đang ấm dần lên, mực nước đại dương ngày một dâng cao, đe dọa không chỉ đến đời sống sinh giới mà cả với đời sống con người.
Trong quá trình tồn tại và phát triển, do chịu nhiều tác động, sinh vật phải thích ứng với điều kiện môi trường và nguồn sống có giới hạn bằng những phản ứng thích nghi (hình 1.1). Sự tích nghi được hình thành trong quá trình tiến hóa của loài và mang tính tương đối, nhờ đó, sinh vật thỏa mãn được nguồn thức ăn, sinh sản, phát tán nòi giống, chống lại vật dữ và dịch bệnh có hiệu quả cho sự tồn tại và phát triển của loài.
2. Các nhân tố sinh thái
2.1. Các khái niệm
Yếu tố môi trường là thành phần cấu tạo nên môi trường. Khi chúng tương tác với sinh vật được gọi là những nhân tố sinh thái.
Vậy, nhân tố sinh thái chính là những yếu tố của môi trường mà sinh vật có quan hệ trực tiếp hay gián tiếp bằng các phản ứng thích nghi. Chẳng hạn,