Chương 10: Sự chu đáo

27 0 0
                                    

"Người ta không quan tâm bạn hiểu biết bao nhiêu cho đến khi họ biết bạn quan tâm đến mức nào." – JOHN MAXWELL

Việc thể hiện sự quan tâm chu đáo với nhân viên là một trong những cách nhanh nhất, dễ nhất và hiệu quả nhất để nâng cao mức độ gắn kết của họ. Chu đáo là sự quan tâm cẩn thận đến một người khác và được thể hiện thông qua lời nói, quyết định và hành động của họ. Mỗi người có "khả năng chu đáo" khác nhau, bởi vì điều đó đòi hỏi phải có sự đồng cảm và thấu hiểu người khác. Dù sự đồng cảm có thể là kỹ năng bẩm sinh quan trọng nhất mà một nhà lãnh đạo cần phải có, nhưng nó không dễ dàng dạy cho người khác được vì nó gắn chặt với tính cách của mỗi người. Hơn nữa, những người thiếu sự đồng cảm thường không xem đó là một kỹ năng quan trọng trong công tác lãnh đạo.

Rất nhiều lần, những người tham gia nghiên cứu chia sẻ rằng những cử chỉ ân cần từ người quản lý có tác động mạnh đến sự tôn trọng, sự gắn kết và lòng trung thành của nhân viên. Trong nhiều câu chuyện khác nhau, chủ đề phổ biến nhất thường liên quan đến một vấn đề cá nhân hoặc sức khỏe gia đình.

Câu chuyện sau đây mang tính cá nhân cao bởi nó liên quan đến Karen, vợ của tôi. Khi cô ấy đang sống và làm việc tại thành phố New York, thì mẹ cô ấy là bà Violet bị chẩn đoán bệnh ung thư tuyến tụy. Bà Violet sống ở Long Island và cần di chuyển đến Sloan Kettering vào các ngày thứ ba trong suốt 24 tuần điều trị. Điều đó có nghĩa là Karen sẽ phải nghỉ làm vào buổi trưa để lái xe một vòng đến Long Island. Karen đã trình bày hoàn cảnh của mình với người quản lý ở sở làm và ông ấy đã không ngần ngại bảo vợ tôi hãy chăm sóc tốt cho bà cụ. Ông ấy tin tưởng vợ tôi sẽ làm bù giờ và không cắt ngày phép của cô ấy. Karen tâm sự với tôi với vẻ mặt đầy ngưỡng mộ khi nói về ông chủ của mình: "Vào thời điểm khó khăn nhất trong đời, em đã rất may mắn khi có một ông chủ tử tế và chu đáo. Sự chu đáo của ông ấy thể hiện ông ấy quan tâm đến em như một con người chứ không chỉ là một nhân viên".

Người ta thường hy vọng cấp trên thể hiện sự quan tâm chu đáo trong những hoàn cảnh như vậy đơn giản vì đó là điều nên làm. Tuy nhiên, xét trên góc độ doanh nghiệp, những tình huống như vậy tạo ra những cơ hội gia tăng đáng kể mức độ gắn kết, sự trung thành và nỗ lực của nhân viên. Những hành vi rộng lượng và quan tâm của cán bộ quản lý/người chủ sẽ được nhân viên đáp trả gấp nhiều lần. Trở lại trường hợp của vợ tôi, nếu người quản lý không quan tâm đến hoàn cảnh lúc đó của cô ấy, thì cô ấy sẽ có một trong hai lựa chọn là xin nghỉ việc hoặc cảm thấy không còn gắn kết với công việc như trước nữa. Sau đó, sự cảm kích của cô ấy dành cho người quản lý đã nhanh chóng trở thành hiệu ứng lan tỏa đến các nhân viên khác khi họ theo dõi quyết định của ông ấy và đặt mình vào vị trí của vợ tôi. Có thể nói, quyết định của người quản lý trong trường hợp của vợ tôi đã làm cho các thành viên trong nhóm tôn trọng ông ấy hơn và có khuynh hướng gắn kết hơn trong công việc. Những quyết định không có sự thấu hiểu và đồng cảm của người quản lý đối với nhân viên, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến sức khỏe, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự gắn kết của nhân viên.

Tạm biệt cà rốt và cây gậyNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ