Ngồi lên taxi, nước mắt cuối cùng cũng không cầm được, tôi úp mặt vào hai tay, buông thả cho tiếng khóc của mình. Tôi biết rõ là lần này, cái giá tôi phải trả là lớn đến dường nào, bất luận kết quả thế nào thì tôi cũng không thể quay về nữa. Không thể trở về đây nữa, trở về ngôi nhà chất chứa niềm hạnh phúc lớn nhất đời tôi, tôi đã đánh mất Tĩnh Nam, đánh mắt triệt để. Lần này, là Tĩnh Nam đã buông tay, tôi không cách nào níu kéo, đây rốt cuộc là cái giá phải trả cho sự vô tri của thời niên thiếu, hay là của sự cho đi trong cố chấp, tôi không còn tâm trí để suy xét.
Vào đến bệnh viện, đóng tiền, làm thủ tục. Tấm thẻ ấy có hơn ba hai ngàn, tôi rút ra hết. Sau khi cất kỹ số tiền còn lại, tôi cầm theo biên lai nhận rồi chạy về phòng phẫu thuật. Đèn cấp cứu vẫn còn sáng, tôi ngồi xuống dãy ghế dài trước cửa phòng, hai tay nâng đầu, im lặng bất động. Tôi không dám tưởng tượng nhỡ Sa Hạ xảy ra chuyện gì, tôi biết phải nói với bố mẹ của cô ấy như thế nào. Cái cảm giác gánh vác một sinh mạng ở trên vai nặng nề lạ thường, nó đè nén đến mức tôi không thể chống chịu. Tôi đã mất đi điểm tựa rồi, nếu như nói những ngày tháng qua, tôi có thể kiên trì hoàn toàn là vì Tĩnh Nam ở trong lòng tôi, cậu ấy chống đỡ tôi thì bây giờ, ngay cả điểm tựa này cũng mất rồi, tôi thật sự muốn kéo cửa sổ ra và nhảy xuống đường, cứ để mọi thứ thanh tịnh. Cô lao công đang lau nhà không ngừng nhìn tôi, tôi biết, sắc mặt của tôi nhất định tái nhợt đến đáng sợ.
Cũng may, ông trời đã không quá thử thách tôi, Sa Hạ đã qua khỏi cơn nguy kịch, đương nhiên, đứa bé cũng không còn nữa. Tôi bôn ba bận rộn trong bệnh viện như một cái xác không hồn, lẳng lặng chăm sóc Sa Hạ. Khi thật sự quá mệt mỏi, tôi về nhà của ba mẹ để ngủ, hoặc đến chỗ của Chí Hiếu, vào cửa là bắt đầu ngủ, ngủ dậy thì đi. Mẹ nói tôi vô lương tâm, nhưng tôi chẳng còn hơi sức nào để tranh cãi. Chí Hiếu rất tinh ý mà không hỏi tôi nguyên nhân, chỉ một mực cảm thán thật đáng tiếc. Tôi biết Chí Hiếu ám chỉ Tĩnh Nam, nhưng tôi không dám hỏi, tôi sợ tôi sẽ rơi nước mắt.