Ông nội Thu mất ngay trong đêm giao thừa, khi bầu trời được thắp sáng bởi những đốm pháo hoa rực rỡ đủ mọi sắc màu. Khi mất, trong tay ông hãy còn cầm bức ảnh bà nội Thu.
Ông ra đi một cách lặng lẽ. Thu nhìn dáng vẻ bình yên khi mất của ông, ngỡ như ông chỉ đang ngủ. Thu nhớ, có lần ông kể rằng ngày xưa khi ông chào đời, chỉ gào lên một tiếng rồi thôi. Cả cuộc đời ông, khi đến ít ồn ào hơn người khác, nên khi đi cũng ra đi một cách lặng thầm.
.
Trong số những đứa cháu của ông, Thu là đứa cháu được ông thương nhất. Vì trong số các con cháu, Thu là người giống bà nội nhất.
Bạn bè Thu thường nhận xét rằng Thu đẹp như chính cái tên cô, mang cho người ta cảm giác dìu dịu dễ chịu như mùa thu Hà Nội xưa. Thu sở hữu vẻ đẹp cổ kính của người phụ nữ Việt thời xưa, với đôi mắt buồn, đường nét khuôn mặt dịu dàng và có trộn lẫn thêm đôi chút vẻ kiêu kỳ rất đặc trưng.
Thu nhìn ảnh của bà nội Thu, trong ảnh bà để tóc dài, mặc chiếc áo dài trắng. Thu tự thấy mình giống bà đến bốn, năm phần. Giống nhất là đôi mắt. Đẹp và buồn.
.
Vì phải lo hậu sự cho ông, nên Thu xin nghỉ học ít hôm. Mẹ Thu bảo cô phụ sửa soạn lại đồ đạc của ông, phần lớn di vật đều đem thiêu, chỉ chừa lại một ít quần áo và ảnh để khi nhớ, con cháu còn có cái mang ra xem.
Thu vuốt ve cẩn thận từng bộ quần áo của ông, xem lại từng tấm ảnh hiếm hoi của ông và bà. Bất giác, cô đã lật đến trang cuối của album ảnh tự khi nào. Trong tấm ảnh cuối cùng, ông và bà đều đã lớn tuổi. Thu lấy tấm ảnh ra, định xem ngày tháng phía sau tấm ảnh thì cô chợt phát hiện ra vài ba dòng chữ. Chữ rất đẹp, được nắn nót cẩn thận, có lẽ là chữ của bà nội Thu.
Bà ghi: "Năm mươi năm về trước chúng mình chỉ là những kẻ lạ, ai có thể ngờ được năm mươi mốt năm về sau chúng mình lại nắm tay nhau tổ chức đám cưới vàng...".
Có lẽ, tấm ảnh cuối cùng đó là tấm ảnh chụp vào ngày kỉ niệm năm mươi năm chung sống với nhau.
Ông và bà bằng tuổi, lấy nhau khi mới mười chín, hai mươi, chung sống với nhau được năm mươi lăm năm thì bà mất. Khi bà mất, Thu mới có năm tuổi. Mười lăm năm sau ngày bà mất, cho đến khi ông nối gót theo bà, ông vẫn giữ thói quen cất tấm ảnh chụp bà vào bên chiếc túi áo bên trái, nơi gần trái tim nhất.
Tình yêu, có lẽ cũng chỉ bình dị như thế thôi.
.
Đọc xong những dòng chữ, Thu tự nhiên nhớ đến năm cô học lớp mười một, cô giáo dạy Văn của Thu ra đề bài tập làm văn ở nhà: "Thế nào là viên mãn?", Thu nghĩ mãi không ra, ông đi ngang qua thấy thế liền cười bảo:
"Viên mãn là bát cơm chiên buổi sáng có thêm ly sữa nóng, là ông có bà."
Câu nói ấy tạo cảm hứng cho cô, Thu viết liền một mạch xong cả bài văn mà trước đó cô vò đầu bứt tóc cả ngày trời không viết được chữ nào. Thu nhớ, bài văn đó cô được chín điểm. Đến nay, cô đã lỡ làm lạc mất bài văn đó, nhưng vẫn nhớ mang máng một đoạn thế này:
"Viên mãn là ly sữa nóng đặt cạnh bát cơm chiên, là đêm trăng tròn có hai chén trà đặt cạnh nhau, là trong những tháng năm tươi đẹp nhất, gặp được người có thể cùng mình đi hết cuộc đời."
.
Dòng tộc nhà Thu có một truyền thống là bất kì thành viên nào khi mất đều được chôn trong nghĩa trang gia đình. Ông nội Thu cũng thế, ông được chôn cạnh mộ bà nội Thu.
Ngày xưa, lúc ông còn sống, ông thường bảo sợ bà nằm một mình ở đó sẽ cô đơn nên gần như ngày nào cũng đi thăm bà. Nhưng con cháu trong nhà sợ ông tuổi già sức yếu, đi một mình lỡ trượt chân té ngã thì chẳng biết làm sao nên ngăn ông, thay phiên nhau hai tuần đưa ông đi thăm bà một lần, cứ đều đặn như thế suốt mười lăm năm, mưa gió bệnh tật cũng chẳng ngăn được ông đi thăm bà.
.
Ngày hạ huyệt, trời Hà Nội cuối cùng cũng hửng nắng sau một chuỗi ngày âm u xám xịt.
Thu nhìn hai ngôi mộ cạnh bên nhau, thầm nghĩ nơi suối vàng có lẽ ông và bà đã đoàn tụ bên nhau. Có ông bầu bạn, bà sẽ chẳng còn cô đơn nữa.
Cô đốt cho ông bà mỗi người một ít giấy tờ tiền bạc, rồi cẩn thận cắm vào hai chiếc bình đặt trước mộ ông bà hai bó hoa cúc. Trong tấm ảnh được in trên bia mộ, ông và bà đều đang ở độ tuổi xuân thì, bà vẫn giữ nụ cười có chút bí ẩn, còn ông vẫn nở nụ cười hiền.
Thu vuốt ve hai tấm bia mộ rồi mới lưu luyến rời đi. Phía sau lưng, hương khói vẫn lượn lờ, như bóng đôi bạn già dõi theo con cháu.
Lộ Hi Vũ
YOU ARE READING
Vị Đời
Short StoryChúng ta đều là du khách đi ngang qua hồng trần, lưng đeo tay nải vị đời. Nặng đến không cách nào đi thẳng. - Bạch Lạc Mai.