[ PHÂN BIỆT HUÝ, TỰ, HIỆU VÀ THUỴ ]
1. Huý
Huý còn gọi là tục danh, tên thật, là cái tên cha mẹ đặt cho từ khi còn nhỏ. Người Á Đông thời xưa rất kỵ gọi thẳng tên huý vì quan niệm rằng nó có liên hệ với linh hồn. Việc gọi thẳng tên huý của một người được cho là vô lễ, trừ trường hợp người bề trên gọi tên huý của kẻ bề dưới, hoặc những người có quan hệ thân thiết với nhau gọi tên huý của nhau.
2. Tự
Tự : còn gọi là tên chữ. Nam nhân thời phong kiến khi đến 20 tuổi sẽ làm lễ cập quan, được công nhận là người trưởng thành và được đặt tên chữ. Tên chữ có để do cha mẹ, thầy, bạn tặng hoặc tự đặt. Tên chữ được dùng trong những trường hợp xã giao thay cho huý để thể hiện sự tôn trọng. Tên chữ thường có hai chữ, trong đó một chữ dùng để giải thích tên thật, một chữ đi kèm nhằm tạo thêm nghĩa hoặc tạo sự hài hoà về âm điệu. Thông thường, người ta chọn chữ giải thích tên thật theo 4 cách:
+) Dùng từ đồng nghĩa/gần nghĩa với tên thật. Ví dụ: Đường Dần (Chữ Hán: 唐寅) (1470 - 1524) tên chữ là Bá Hổ (伯虎). Chữ Hổ (虎) có nghĩa là con hổ, gần nghĩa với chữ Dần (寅) dùng để chỉ cầm tinh con hổ.
+) Dùng từ trái nghĩa với tên thật. Ví dụ: Hàn Dũ (Chữ Hán: 韓愈) (768 - 824) tên chữ là Thoái Chi. Chữ Thoái (退) có nghĩa là lùi, trái với nghĩa của chữ Dũ (愈) là đi lên.
+) Dùng từ cùng trường liên tưởng với tên thật. Ví dụ: Triệu Vân (Chữ Hán: 趙雲) (168-229) tên chữ là Tử Long (子龍). Chữ Long (龍) có nghĩa là rồng, cùng trường liên tưởng với nghĩa của chữ Vân (雲) là mây.
+) Chọn một chữ (hoặc cả hai chữ) cùng xuất hiện với tên thật trong một câu thành ngữ, câu thơ hoặc kinh điển. Ví dụ: Nguỵ Triết (Chữ Hán: 魏哲) (616 - 669) tên chữ là Tri Nhân (知人). Cả chữ Triết (哲) và hai chữ Tri Nhân (知人) đều cùng xuất hiện trong câu "Tri nhân tắc triết" (Chữ Hán: 知人則哲) (Dịch nghĩa: Biết nhìn người là bậc minh triết) có xuất xứ từ Kinh Thư.
Chọn chữ đi kèm cũng có 4 cách phổ biến như sau:
+) Dùng chữ Tử (子) đặt trước chữ giải nghĩa tên thật. Tử là cách gọi thể hiện sự tôn trọng đối với một người đàn ông. Rất nhiều nhân vật nổi tiếng trong tên chữ có chữ này đứng đầu: Đoan Mộc Tứ (端木賜) tự Tử Cống (子貢), Khổng Cấp (孔伋) tự Tử Tư (子思), (Đỗ Phủ (杜甫) tự Tử Mỹ (子美)...
+) Dùng chữ cái chỉ thứ tự trong gia đình đặt trước chữ giải nghĩa tên thật.
Nếu là con trưởng trong gia đình thì dùng chữ Mạnh (孟), chữ Bá (伯). Ví dụ: Tào Tháo (曹操) tự Mạnh Đức (孟德), Nhiễm Canh (冉耕) tự Bá Ngưu (伯牛).
Nếu là con thứ trong gia đình thì dùng chữ Trọng (仲), chữ Thúc (叔). Ví dụ: Khổng Khâu (孔丘) tự Trọng Ni (仲尼), Tư Mã Phu (司馬孚) tự Thúc Đạt (叔達).
Nếu là con út trong gia đình thì dùng chữ Quý (季). Ví dụ: Tư Mã Quỳ (司馬馗) tự Quý Đạt (季達).
+) Dùng chữ chi (之) đặt sau chữ giải nghĩa tên thật nhằm tạo sự hài hoà âm điệu. Ví dụ: Nguyên Chẩn (元稹) tự Vi Chi (微之).
+) Đặt thêm 1 chữ trước hoặc sau chữ giải nghĩa tên thật, nhằm tạo thêm nghĩa. Ví dụ: Quan Vũ (關羽) tự Vân Trường (雲長). Vân (雲) có nghĩa là mây, là chữ giải nghĩa tên thật là Vũ (羽), nghĩa là cánh chim. Còn Trường (長) có nghĩa là dài, ghép với chữ Vân có nghĩa là "mây trải dài".
3. Hiệu
Hiệu : là tên những nhà nho xưa tự đặt cho mình, thường dùng để làm bút danh khi sáng tác văn thơ. Thông thường, nhà nho sẽ lấy tên gọi nơi ở của mình làm hiệu. Ví dụ: Lý Bạch (李白) hiệu Thanh Liên (青莲) là lấy tên làng Thanh Liên nơi ông sinh sống.
4. Thụy
Thuy. : là tên được đặt sau khi qua đời. Người xưa tránh gọi thẳng tục danh người chết để tỏ ý tôn kính, thay vào đó, họ gọi bằng tên thuỵ. Tên thuỵ thường do người thân, hậu duệ của người chết hoặc người có thân phận phù hợp đặt, dựa vào hành trạng lúc sinh tiền của người chết. Tên thuỵ có thể gồm một chữ hoặc nhiều chữ. Ví dụ, Cơ Xương có công giáo hoá dân chúng nên được đặt thuỵ là Văn (Chu Văn vương), Cơ Phát có công phạt Trụ nên được đặt thuỵ là Võ (Chu Võ vương).
Nguồn bài viết: Tôn Gia - Sĩ Tộc
BẠN ĐANG ĐỌC
Nghìn năm Cổ Đại
RandomTài liệu về cổ đại do ta sưu tầm, đăng lên cho mọi người cùng xem.