Càng xoa chú Hoàng càng thấy có gì đó không đúng cho lắm, rõ ràng vợ chú dạo này yếu rợt chẳng ăn được mấy, người gầy rộc ra cơ mà sao bụng lắm mỡ thế nhỉ? Tiếc rằng lúc chú nhận ra thì đã muộn, điện phòng sáng choang, vợ chú bật điện xong đứng sừng sững ở mé cửa nhìn chú và bé Hằng. Chú Hoàng trông thế mà sợ vợ, thấy cô Hoài một phát đạp Hằng xuống sàn nhà xong còn luôn miệng giải thích chú nhầm mới sợ chứ. Thà rằng cô Hoài làm um lên Hằng còn thấy sướng, đằng này cô chỉ nhẹ nhàng bảo Hằng trả cô lọ nước hoa hại Hằng quê chết đi được. Chú thì nổi cáu ầm ầm mắng Hằng, không còn cách nào khác Hằng đành giảo biện.
- Con tưởng trong phòng không có người nên tắt điện đi, là tại chú lao vào ôm lấy con chứ bộ. Giờ chú lại mắng người ta, oan ghê á!
- Ai kêu mày xịt nước hoa của cô Hoài?
Hằng kêu thấy thơm nên Hằng mượn xíu, chú chẳng buồn đứng lại đôi co với Hằng gì cả, chú mải chạy theo cô Hoài năn nỉ ỉ ôi, còn cô thì giọng nhỏ cơ mà chua loét luôn.
- Ngoài đường thiếu gì gái đâu mà phải ve vãn trước mặt em hả anh?
Chị Hoài biết chồng nhầm lẫn thật nhưng vẫn phải tỏ thái độ cho anh biết. Đàn ông ấy à, nhiều lúc vợ hiền quá họ lại tưởng chuyện như thế là bình thường, nhất là những người tồ tồ như ông xã. Anh Hoàng biết tội nên xun xoe nịnh vợ, đêm bóp vai cho vợ, sáng bưng nước cho vợ rửa mặt anh chẳng nề hà việc gì cả, có hôm đi làm về anh còn mua hẳn bút chì và giấy vẽ loại xịn làm quà chuộc tội. Anh cùng Bông ngồi ngoan ngoãn xem vợ vẽ, vợ siêu dã man, Bông bảo vợ vẽ con gì vợ cũng vẽ được giống hệt luôn. Mà vợ không chỉ vẽ chơi đâu, vợ dạy Bông luôn đó, vẽ đến bộ phận nào vợ cũng nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần cho Bông nhớ. Con Bích nhà anh nó lúc nào cũng tưởng Bông biết nói sớm do gen tốt, cơ mà gen thì gen chứ, không có vợ anh dìu dắt thì còn lâu đi. Gớm mẹ Hoài bắt ba Hoàng mua truyện cổ tích để đọc cho Bông từ ngày bé mới chào đời đấy, mẹ tám chuyện với Bông suốt ngày, có bồng Bông ra ngoài vườn hóng gió thôi mẹ cũng tranh thủ chỉ Bông lá xanh, hoa vàng, quả lựu chín đỏ. Bông nó thuộc hết bảng màu rồi mà, còn đếm được tới hai mươi nữa, siêu ghê lắm.- Em mới xem tivi thấy có đứa bé người nước ngoài mới bốn tuổi mà nói được bảy thứ tiếng cơ đấy. Hôm nào anh thuê người về dạy tiếng Anh cho Bông đi, biết đâu Bông lại nói được.
- Ôi dào còn nhỏ xíu nói sao được mà nói.
Anh Hoàng gạt đi, cô Bích xông vào ý kiến.
- Bông nói được đấy, anh đừng có mà tiếc tiền với Bông, cứ nuôi Bông đi sau này Bông giỏi chả mát mặt à, nhờ Bông nhờ. Bông nói "Hello" đi Bông!
- Hê nhô hê nha hê nhi!
Bông nhí nhảnh chóp chép cái miệng, anh Hoàng kêu cô cũng biết tiếng Anh thì cô dạy Bông ở nhà cho nó tình cảm. Gớm dạy được thì cô đã dạy lâu rồi, chả qua tại con Bông nó nhờn cô thôi, chị Hoài nói từ gì thì nó nhại lại y chang không ngọng không ngịu, còn cô á, nó cứ mô li phê đi để trêu tức cô thôi à, rõ ghét. Cô Bích véo má con bé vài cái rồi chạy về phòng ôn thi. Hè này cô phải học lại hai môn, một môn tuần trước vừa thi, còn nốt môn này là hoàn thành chương trình năm nhất. Cô tính sang năm hai sẽ xin anh Hoàng chút vốn để kinh doanh xem sao, ngày xưa anh Niệm ở nước ngoài một thân một mình còn khởi nghiệp được nữa là cô có cả gia đình hỗ trợ. Từ khi biết nhà cô và nhà anh Niệm thân nhau tụi bạn ngưỡng mộ cô lắm, tại tụi nó mới chỉ biết đến anh qua truyền thông thôi chứ chưa được diện kiến ngoài đời. Anh Niệm trong mắt bọn nó hoàn hảo như kiểu con nhà người ta ấy, đâu có đứa nào biết quá khứ của anh oanh liệt chẳng kém bất cứ thằng "bad guy" nào cả, cuối năm lớp mười sổ học bạ be bét đến mức chú Nhất điên tiết tuyên bố từ giờ anh đừng hòng xin chú dù chỉ một đồng. Những tưởng anh phải quỳ lạy van xin chú, nhưng không, anh chôm luôn giấy tờ và thẻ ngân hàng của chị Hoài đem đi chơi chứng khoán. Cô không rõ làm cách nào anh lấy được cả mật khẩu lẫn chữ ký của chị Hoài, chỉ biết khoảnh khắc ngộ ra mình bị lừa chị đã thề chị sẽ tẩn chết anh Niệm. Cơ mà lúc anh Niệm trả chị chiếc thẻ với số dư gấp đôi chị lại chỉ hiền dịu bảo, lần sau có việc gì cậu cứ nói trước với chị một câu là được. Anh Bách tiết lộ với cô vụ đó anh Niệm lãi gấp mười, và cũng từ đó chú Nhất có cái nhìn khác hẳn về thằng con trời đánh, chú không bao giờ thèm doạ cắt viện trợ nữa.
Cô Bích vừa ngây ngốc nhớ lại chuyện xưa vừa vùi đầu trong đống bài tập Toán Cao Cấp, cứ như vậy chật vật mãi cô mới ôn xong, đến hôm thi cũng làm được năm trên sáu câu. Cái ngày cô biết mình qua môn cũng chính là ngày không khí trong nhà cô oái oăm khó tả. Ba Thuận giữa trưa nắng chang chang ra vườn tập dưỡng sinh, mẹ Hoà đứng trên hiên nhà vừa quét mạng nhện vừa hát líu lo, anh Hoàng ôm Bông nâng lên hạ xuống như kiểu trai hai mươi nâng tạ, có mỗi chị Hoài là ngồi nguyên một chỗ, nhìn chằm chằm vào chiếc que thử thai như kiểu không thể tin vào mắt mình. Miệng chị mỉm cười nhưng mắt chị rơm rớm, chị cầm que lên rồi đặt que xuống, ngắm đi ngắm lại hai chiếc vạch đậm rõ nét. Thực sự là hai vạch rồi, trải qua biết bao đau đớn, tủi hờn, đắng cay, rốt cuộc chị cũng chờ được tới ngày này. Rốt cuộc chị cũng được làm mẹ, chị hạnh phúc biết bao khi bấm số gọi điện về nhà khoe với mẹ Quỳnh rằng Hoài của mẹ sắp được đi đẻ rồi đó, mẹ chuẩn bị may áo quần cho cháu ngoại đi là vừa. Mẹ Quỳnh mừng rớt nước mắt, mẹ đưa máy cho Hoài nói chuyện với ba Hùng. Tuy ba vẫn ngây ngốc như đứa trẻ nhưng dạo này sức khoẻ của ba ổn định hơn xưa rồi, ba thuộc được tên mẹ và tên chị. Mẹ kêu ba chúc mừng Hoài đi ba liền bập bẹ "Chúc mừ...mừng Hoài.", mẹ bảo ba nhắc Hoài cảm ơn chị Thư ba cũng nói được hết câu luôn đó. Thực ra chẳng cần mẹ nhắc chị vẫn sẽ gọi cho chị Thư, chị còn tính nhờ anh Hoàng mua ít tổ yến đem tới biếu chị ấy. Đối với chị Hoài, chị Thư không chỉ là bác sĩ trực tiếp điều trị cho chị mà còn là người chị em thân thiết nhất. Hai người cùng quê, cùng xóm, cùng là con một nên thương nhau lắm. Đợt chị mới chân ướt chân ráo ra thành phố là chị Thư cho chị ở trọ cùng, đưa chị đi sắm sửa áo quần chăn màn. Chị Thư lo cho chị như chị ruột lo cho em gái vậy, ngay cả khi chị đi làm giúp việc cho nhà người ta có tiền rồi chị ấy vẫn bảo giữ mà gửi về cho ba mẹ chứ không bắt chị phải trả tiền sinh hoạt phí cùng. Tuy nhiên chị Hoài vẫn ghi lại đầy đủ các khoản tiêu rồi hàng tuần soạn tiền bỏ vào chiếc phong bì nhỏ, trước khi về nhà dì Kỷ chị có bỏ lại chiếc phong bì đó trên giá sách cho chị Thư. Sau này chị Thư học lên bác sĩ nội trú không có thời gian đi làm thêm nữa, chị ấy có đến tìm anh Hoàng vay mượn, chính chị Hoài đã gửi anh Hoàng tiền may đồ của chị, nhờ đưa cho chị Thư.
Hồi xưa chị làm ở nhà dì Kỷ tuy là làm toàn thời gian nhưng nhà dì có nhiều người giúp việc nên chị vẫn tranh thủ được những lúc rảnh rỗi may đồ cho người ta. Ban đầu vì không quen biết mấy nên hai ba tháng mới có người đặt hàng, chỉ từ khi cậu Niệm nhảy vào thị trường của chị mới trở nên sôi động. Cơ mà cái thằng đểu cáng đó nó ranh lắm, một chiếc váy do chính tay chị chọn vải, làm hết tất cả các công đoạn mà cậu chỉ chia cho chị ba mươi phần trăm tiền lời. Tức mình chị dỗi không thèm hợp tác nữa, chuyển sang rủ anh Hoàng làm chung, con người anh rộng lượng chứ không hẹp hòi như ai kia, anh cho chị chín mươi chín phần trăm và chỉ lấy đúng một phần trăm tượng trưng. Ngặt nỗi, anh Hoàng được cái tốt bụng nhưng khù khờ, vẫn cùng là chiếc váy do chị may ra đó nhưng vào tay anh mãi chả bán được, kết cục chị Hoài ăn phần trăm nhiều nhưng chẳng lãi bằng một phần mười ngày trước, đành phải quay về hối lỗi với cậu Niệm. Nài nỉ mãi cậu mới đồng ý, ranh con còn ken bon hạ tỷ lệ ăn chia xuống hai tám, chị hai, cậu tám mới khốn nạn chứ.
- Bị điên á? Rút chi rút tận mười phần trăm?
Chị lủng bủng mắng, thằng bé quay sang lườm chị. Cậu có ánh mắt sắc dã man, kiểu không dữ tợn như chú Nhất nhưng vẫn có cái gì đó khiến đối phương bủn rủn. Chị Hoài hơi hãi nên im, cậu thấy chị hết mè nheo rồi mới nhàn nhạt cảnh tỉnh.
- Đó là cái giá của sự phản bội!
Ơ hay? Phản bội gì chứ cái thằng oắt con này? Hợp tác làm ăn chẳng phải dựa trên cơ sở lợi ích hay sao? Rõ ràng cậu tham còn lý do lý trấu vớ vẩn, chị ức chế trù cho cậu sau này nghèo rớt mùng tơi phải mang bao tải và chống gậy tới trước cửa nhà chị ăn xin, tiếc rằng chẳng được như ý nguyện, bây giờ nếu xét về độ giàu thì chị làm gì có cửa so với cậu. Chị bây giờ cũng không còn xấu tính như thế nữa, cũng sắp làm mẹ rồi mà. Vậy mà cũng có ngày chị được làm mẹ cơ đấy, nghĩ tới khoé môi lại cứ tủm tỉm mãi thôi!
- Tối ăn gì để người ta nấu nào?
Bé Hằng nũng nịu hỏi, tất nhiên không phải là hỏi chị rồi. Con nhỏ này, chị ngồi lù lù ở đây mà nó dám thả thính anh Hoàng trắng trợn thế đấy. Chồng chị lại không được tinh ý lắm, anh vô tư đáp.
- Mày làm nộm chân gà đi. Tối chú nhắm rượu với ông!
Nói vậy chứ ba Thuận không bao giờ uống rượu say, ba chỉ uống đủ liều lượng có lợi cho sức khoẻ thôi, thành ra có mỗi Hằng ngồi tiếp rượu chú. Chị Hoài mấy hôm liền hồi hộp đợi kết quả nào có ngủ được đâu, tới hôm nay tâm trạng thả lỏng nên mới chập tối mắt đã díp lại. Hằng thấy cô Hoài ngủ ngon trên gác rồi thì cố ý rót rượu vào cốc chú nhiều hơn, trong cơn say chú hứng khởi dắt Hằng lên phòng làm việc của chú, kể cho Hằng nghe bao nhiêu dự định đẹp đẽ.
- Nhất định cuối năm nay anh sẽ lên chức. Hoài cứ yên tâm đẻ con cho anh rồi anh sẽ xây nhà mới cho mẹ con Hoài.