Án Sát tiên sinh

121 3 0
                                    

Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt!

Cổ nhân để lại chỉ một câu nói mà tựa như thiên văn vạn quyển răn dạy hậu thế nên sống biết trước biết sau, hành thiện tích đức, tránh làm chuyện xấu, tất cả đều được thiên nhãn xét soi, đèn trời tỏ rạng. Ví như mới hôm nay đọc báo xem đài, thấy vụ giết người kinh thiên động địa, tưởng chừng như không có kẽ hở, ấy vậy mà một hai ngày sau, thủ phạm đã bị tóm với đầy đủ chứng cớ, đấy là chỗ chính xác của pháp luật, khiến người dân an tâm.

Nhưng có ai thử hỏi, ngày nay, với khoa học phát triển, kỹ thuật hình sự ngày càng hoàn thiện, chỉ một dấu vân tay, một giọt máu, một lời trăn trối thì mọi chuyện đều được khoa học làm sáng tỏ, còn những thế kỷ trước thì sao, trong khi trọng án thời nào cũng có đấy thôi?

Để trả lời câu hỏi này, hãy lật lại lịch sử một chút. Năm 711, tức năm Cảnh Long thứ hai, vua Lý Đán nhà Đường bên Trung Quốc đặt ra chức Án Sát Sứ, trực thuộc trung ương, cử về địa phương xem xét hành vi của quan lại, có thể gọi tương tự như thanh tra ngày nay. Trong các quận huyện địa phương, đất Việt Nam ngày ấy được gọi là quận Giao Chỉ, tục lệ Án Sát Sứ được hình thành tại nước ta. Đến năm Hồng Đức thứ 2, (thời vua Lê Thánh Tông, 1471), vua chia cả nước ra làm mười hai Thừa Tuyên, Án Sát Sứ đặt tại mỗi Thừa Tuyên, sau đó chức danh này không còn nữa. Mãi đến năm 1614, thời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đặt chức Ký lục, chức năng khá giống Án Sát, thời Minh Mạng mới đổi tên lại là Án Sát phụ trách việc xét xử án lớn, thanh tra các địa phương, đến thời Tự Đức thì được coi như một chức Tỉnh phó đối với tỉnh nhỏ.

Nói về những Án Sát nổi tiếng thời Nguyễn có rất nhiều, trong đó phải kể đến một Án Sát của tỉnh Vĩnh Long, Dương Quang Kiệt. Chuyện của vị quan nổi tiếng này cũng nhuốm phần liêu trai, nguyên là do thân phụ của ông là nho sinh ở trấn Thuận Hóa lưu lạc vào, tên là Dương Chính, vô cùng thông tuệ học đâu nhớ đấy, gia cảnh cũng thuộc dạng trung lưu, năm mười bảy tuổi đã đỗ Tiến sỹ, vợ là Lưu thị nhất mực ngoan hiền, thương yêu gia đình chồng rất cung kính. Nói thế chẳng phải Dương tiên sinh quả là danh vọng đời người đều đã đạt được, chẳng hề có phiền não hay sao? E đó lại là chuyện khác. Mặc dù hai vợ chồng đã cố gắng nhưng vẫn không tài nào có con, đến năm ba mươi hai tuổi vẫn vậy, gia đình chạy chữa thuốc thang đủ cả, đến độ khí huyết của Chính thay đổi, mất đi năng lực nam giới, tình cảnh hầu như lâm vào tuyệt vọng.

Lưu thị thấy chồng đau khổ, hàng ngày vẫn tụng kinh niệm Phật, đi chùa cầu tự, làm phúc đủ các kiểu, hy vọng trời xanh mủi lòng mà ban phước cho phận bạc. Một hôm vị phu nhân đi từ chùa ra, vô tình bị một ông lão mù đụng phải. Ông lão tuy trông có vẻ rách rưới, bốc mùi hôi thối nhưng khuôn mặt hết sức uy nghiêm đạo mạo, hai tròng mắt rỗng không. Bọn hầu thấy vậy định gông cổ ông lão giải lên quan thì Dương phu nhân ngăn lại, la rầy đám hầu bảo là lão mù thì làm gì có lỗi, đoạn quay sang hỏi han ông ta. Lão mù ấy hỏi phu nhân có bị sao không, ông ta hết sức áy náy. Phu nhân đáp không sao, vừa định quay bước đi thì nghe lão ấy gọi với lại, nói rằng: "Lão phu bị mù, hàng ngày đi trên đường đều đếm bước chân mà biết mình đang ở địa điểm nào, phu nhân đi viếng Cổ Lam Tự này, hẳn là muốn cầu con, biết đâu lão phu có thể chỉ cách."

ÁN SÁT TẦM HỒ (full)Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ