Nữ sinh (女生徒) - Dazai Osamu | Ngư phục ký
— Những cơn mưa buồn hoang dại, những cơn mưa thấm nhuần lên đôi tay trần trên một khoảng giấy khô đã sờn trong góc phòng tối. Và dòng văn buồn nhất của Dazai Osamu ngấm lại như sự tan vỡ trong vô định của những cơn mưa dài đợt bên quán trà đạo. Tôi từng đọc "Nữ sinh" không lâu về trước, quả thực Dazai Osamu có một giọng văn rất đặc biệt. Sở dĩ tôi nói "đặc biệt" vì có lẽ chẳng bao giờ mình có thể tìm thấy ở bất kỳ nơi đâu một bản thể thứ hai khác của ông: như "con chim trước khi bay vào khu rừng sâu âm u hoang phế trong ánh chiều tà sắp tắt còn để lại một tiếng kêu thương ngân dài" (Hoàng Long). Dazai Osamu vẫn luôn viết bằng sự chân thực đến ám ảnh trong mình, những con chữ bi lụy cứ mãi chảy dài như những cơn mưa đến cùng nỗi buồn diệu vợi. Ông khiến tôi ngỡ rằng mình đang ngâm sách trong một chiếc hộp rỗng, lòng nặng trĩu và day dứt khôn nguôi.
Trong khi Kawabata, Mishima hay Murasaki đã làm quen với công chúng độc giả phương Tây rất lâu rồi, đàm phán về những câu chuyện biểu lộ thái độ chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đồng tính nữ, hoặc say mê kể chuyện một người thầy tu thất trí vấn vương tình cảm với nàng geisha và những cô gái đẹp đương say ngủ khác. Thì Dazai Osamu lại đắm chìm trong khao khát được chạm đến những "con người rất thực", tức là viết về họ, cố gắng giao tiếp và hòa hợp với nhân gian để nuôi dưỡng một tâm hồn thương yêu nhân loại. Tôi vẫn luôn mang nặng ý niệm về thế giới, con người hay cảm hứng trong sự ký thác của Dazai là những "đổ vỡ", và hầu hết chúng là khởi nguồn của những nỗi tuyệt vọng và sự khốn đốn của thế hệ thanh niên trí thức trong những gia đình quý tộc suy tàn. Những cá nhân lạc lõng, những hiện tồn người bị thất thế trong một xã hội sụp đổ vẫn luôn được nhà văn "giải phẫu" qua cái nhìn thấu thị của mình.
Suwa vừa là tôi, hoặc tôi cũng vừa là Suwa, chúng ta đều đang vật vã với lời tự vấn "Sống vì điều gì?", "Sống để làm gì?", và chỉ khi chúng ta ngừng trả lời những câu hỏi ấy thì tức là nhân loại đã chết cằn. Dazai Osamu luôn khiến con người phải miệt mài trên hành trình kiếm tìm lẽ tồn tại và lý do để gượng mình trong suốt những năm tháng còn lại (vì con người chưa thể chết đi quá sớm). Chính việc "ngư phục ký" (biến thành cá) đã trở thành một thách thức cho những tồn tại người vẫn đang mắc kẹt trong khủng hoảng hiện sinh của thời đại. Cuộc đời bằng phẳng và băng băng quá đỗi đã vô hình bóp méo tâm lý và bản năng của Suwa nói riêng và của con người xã hội nói chung. Bởi dĩ hãn hữu lắm con người mới thực sự sống, hoặc con người chỉ đang tồn tại trong một vỏ bọc trơ trọi linh hồn, và dường như đã chết cằn trong lý tưởng. Chính chi tiết "biến thành cá diếc nhỏ" ở cuối truyện ngắn đã gây ấn tượng mạnh cho công chúng, con cá diếc bị cuốn vào đáy nước sâu một cách bi đát cũng giống như loài người bị cuốn vào vòng xoáy thời gian vô nghĩa một cách phí hoài: để rồi cuối cùng thứ còn sót lại chỉ là sự cô độc vô vị và vĩnh hằng...
(mình cũng không nhớ đã viết từ bao giờ, chỉ là rất lâu rồi, vô tình lục lại bản thảo)