Câu chuyện 1: Họ Trần tiến kinh

89 4 3
                                    

Triều Lý trị vì thiên hạ đến đời vua thứ bảy là Lý Cao Tông thì bắt đầu suy yếu. Vua Lý Cao Tông sinh thời tính tình bê tha, chỉ thích tận hưởng thú vui thiên hạ, không lo việc nước. Các trung thần như Đỗ Kính Tu, Đỗ Quảng tuy cố gắng hết lòng tận trung phò tá nhưng không đủ sức vực dậy cả một vương triều mọt ruỗng đang nghiêng ngã dữ dội.

Vua không có tài trị nước, triều đình toàn là lũ tham quan vô lại chỉ lo vơ vét của dân, đời sống bá tánh rơi vào cảnh đói khổ lầm than, giặc cướp nổi lên như ong, dân chúng nhiều nơi nổi dậy khởi nghĩa chống lại chính quyền. Nổi bật nhất là loạn Quách Bộc.

Quách Bộc vốn là tướng quân triều đình, tướng dưới quyền Phạm Bỉnh Di. Đầu tháng bảy năm Kỉ Tỵ (1209) Cao Tông tin lời vu cáo của bọn hoạn quan mà bắt nhốt Bỉnh Di, Quách Bộc nghe tin rất tức giận liền cho quân đánh vào Thăng Long ứng cứu chủ tướng, quân của Quách Bộc chiếm được kinh thành Thăng Long, vua Lý Cao Tông phải bỏ Thăng Long chạy ra vùng Quy Hóa Giang (Phú Thọ, Yên Bái ngày nay), thái tử Lý Long Sảm được Thượng phẩm Phụng ngự Đỗ Quảng và các tùy tòng hộ giá theo đường thủy chạy ra Hải Ấp (Thái Bình ngày nay), đến thôn Lưu Gia, trú ở nhà một người bạn học của Đỗ Quảng tên là Lê Mỵ.

Tại đây thái tử Sảm gặp được Trần Thị Dung, hai họ Lý - Trần được dịp bén duyên với nhau. Mọi chuyện bắt đầu từ một đêm trăng rằm tháng bảy. Sau buổi cỗ rằm thịnh soạn, thái tử Sảm và tùy tùng dong thuyền du ngoạn. Thuyền đi được một đoạn thì đâu đó bỗng có tiếng hát cực kì trong trẻo của một thiếu nữ vẳng lên thu hút sự chú ý của mọi người trên thuyền. Thái tử Sảm hiếu kì, lệnh cho các tay chèo lái thuyền đến gần nơi có tiếng hát xem thử.

Họ nhìn thấy một người con gái dáng vẻ thùy mị, tay cầm một giỏ cá đang say sưa vừa hát, vừa thả từng con cá chép xuống sông. Hai cô gái đi cùng có vẻ là người hầu, nhìn thấy thuyền lạ đang đến liền báo với tiểu thư kia, cô gái lúc này ngừng hát, ngẩng nhìn thái tử.

Trăng sáng cả một vùng, thái tử nhìn thấy rất rõ ràng ngoại hình của tiểu thư ấy. Tức thì thái tử Sảm ngây ngất rồi bất chợt thốt lên:

- Đúng là tiên ở giữa cõi trần!

Cả thuyền cười ồ. Cô gái thấy thuyền lạ hầu hết là trai tráng đang dồn mắt về phía mình, một chàng trai trẻ nhất thuyền lại thốt lên "Tiên..." nàng thẹn thùng, hất vội mẻ cá còn lại xuống sông rồi chạy lên bờ, mấy cô hầu cũng vội vã chạy theo. Thái tử ngẩn người ra, nhìn theo hình bóng của người đẹp. Chẳng mấy chốc nàng cũng khuất dần, gương mặt thái tử hiện lên chút tiếc nuối.

Sau đêm rằm hôm ấy, tâm tưởng thái tử chỉ vương vấn đến người đẹp. Thái tử nói với tùy tùng muốn dạo chơi phía cuối thôn, gần nơi đã thấy người đẹp để mong được gặp lại nàng. Vừa ra đến đầu ngõ, thái tử đứng sững lại, mắt ngây ngất, người con gái khiến thái tử ngày đêm nhung nhớ đang khoan thai bước tới chỉ cách ngài vài bước chân. Nàng thấy thái tử đang lúng túng nhìn mình như người mất hồn mà thẹn đỏ mặt, vội cúi đầu chào rồi quay người sang phía khác, cùng mấy cô hầu dắt nhau ra đầu thôn.

Thái tử ngoái nhìn theo bước đi của họ rồi buồn bã nói:

- Ta thấy mệt trong người, lâu nay đi bộ ít nên dễ mỏi chân. Quay về thôi, hôm khác chúng ta đi.

Về nhà, kể từ khi đó thái tử ăn ngủ không ngon, lúc ăn chỉ thấm vài thìa, khi ngủ thì nằm trằn trọc mãi, vì hình ảnh người con gái ấy luôn luôn hiện lên trong đầu chàng. Thái tử dần dần sinh bệnh, Đỗ Quảng và mọi người vô cùng lo lắng đi tìm thầy thuốc giỏi về chữa trị. Khi thầy thuốc đến bắt mạch chẩn bệnh thì kết luận:

- Thiếu chủ là tương tư người đẹp nên buồn phiền mà thành bệnh. Muốn chữa phải kết hợp cả hai biện pháp, vừa bổ dưỡng thể trạng, vừa giải tỏa tinh thần, mà giải tỏa tinh thần là chính. Trước tiên phải làm sao cho thiếu chủ gặp lại được người đẹp ấy.

Đỗ Quảng cho người lui ra ngoài hết rồi vào buồng tỉ tê gạn hỏi thái tử. Thái tử bày tỏ:

- Từ hôm ta gặp người con gái thả cá chép ở sông thì không lúc nào ta không mơ tưởng tới nàng. Nàng đẹp đến mức khiến cho ta mê mệt. Nàng giỏi đàn ca, biết cả kinh nghĩa khiến ta cảm mến. Có được nàng làm vợ, sau này khi nối ngôi ta chắc chắn sẽ phong nàng làm hoàng hậu.

Đỗ Quảng nghe vậy trong lòng lo lắng, nếu không chữa được bệnh cho thái tử thì sẽ bị tru di tam tộc, ngặt nỗi nước nhà đang biến loạn, vua Lý Anh Tông phải trốn ở một nơi, còn thái tử chạy đến Lưu Gia Trang phải giữ kín nguồn gốc, thân phận để bảo toàn tính mạng, nếu như lộ ra nguồn gốc, thân phận thật sự thì có biết người ta bụng dạ thế nào, không chừng sẽ chết cả. Nhưng muốn đưa người con gái ấy về cho thái tử thì phải nói rõ địa vị của người, nếu không nói rõ thân phận của ngài thì làm sao một gia đình giàu có lại chịu gả con gái của họ cho một anh chàng khách ngoại trú không rõ gốc tích, địa vị. Thấy thái tử buồn rầu, cơ thể ngày càng suy nhược, Đỗ Quảng xót ruột, liền cùng với Lê Mỵ điều tra rõ nguồn gốc, thế gia của cô gái kia rồi mới bàn tính tiếp.

Nhờ có Lê Mỵ thông thạo vùng này mà việc điều tra của Đỗ Quảng nhanh chóng hoàn thành. Cô gái mà thái tử ngày đêm mong nhớ mang họ Trần, tên là Thị Dung. Gia thế nhà họ Trần quả nhiên không hề tầm thường, xuất thân ban đầu là nghề đánh cá, sau này trở nên giàu có, họ Trần mua ruộng đất, lập trang trại ở Hải Ấp, chiêu mộ binh lính và trở thành một dòng họ "phú gia địch quốc", thế lực hùng trướng cả một vùng ở địa phương.

Tổ tiên xa xưa của họ Trần là Trần Việt, vốn là một viên tướng dưới quyền Lý Thường Kiệt năm xưa. Trong chiến dịch tấn công Khâm Châu và bao vây thành Ung Châu, Trần Việt được Lý Thường Kiệt tin cậy giao chỉ huy một hạm đội thủy quân tiên phong. Chẳng may trong trận chiến Trần Việt trúng tên rơi xuống sông rồi bị nước cuốn trôi đi nên bị lạc với đại quân của Lý Thường Kiệt.

Trần Việt được một người đánh cá ở Quế Lâm, Quảng Tây (Trung Quốc) cứu sống rồi sau đó làm rể của gia đình này, ông có một người con trai đặt tên là Trần Kinh và sống ở đây đến cuối đời. Sau này Trần Kinh tìm về quê hương Đại Việt ở làng Tức Mặc theo lời kể của cha để sinh cơ lập nghiệp, thờ cúng tổ tiên. Cơ nghiệp họ Trần dần dần đi lên, Trần Kinh cưới vợ và sinh được một người con trai đặt tên là Trần Hấp. Sau khi Trần Kinh qua đời, Trần Hấp chuyển cả gia tộc đến Lưu Gia Trang sinh sống vì nhận thấy nơi này là một vùng đất phì nhiêu màu mỡ, dân cư đông đúc, sẽ có nhiều tài lộc. Họ Trần cứ thế ăn nên làm ra, đến đời Trần Lý đã trở thành một gia tộc có thế lực lớn mạnh nhất trong vùng.

Sau khi tìm hiểu rõ về các mặt, thấy rõ thôn Lưu Gia có rất nhiều anh tài, vật lực đặc sắc, xứng đáng trọng dụng vào cuộc trung hưng dẹp yên nghịch tặc nên Đỗ Quảng không chỉ tích cực tìm cách tác hợp cho thái tử và Trần Thị Dung mà còn xin thái tử đích thân viết hịch kêu gọi họ Trần khởi binh tương trợ dẹp loạn Quách Bộc. Nhờ có Lê Mỵ và Phùng Tá Chu giúp đỡ nên Đỗ Quảng mau chóng gặp được Trần Lý - người đứng đầu họ Trần. Trần Lý đồng ý hôn sự và nhận lời đem quân đến Thăng Long trợ giúp triều đình dẹp loạn. Dòng tộc họ Trần xuất thân là dân làng chài đã vào chốn quan trường như thế.

HÀO KHÍ ĐÔNG ANơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ