Đêm mồng 3 tháng 4 năm thứ 5 niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình, vua Trần Thái Tông cải trang thành dân thường, dẫn theo tả hữu bảy tám người lặng lẽ bỏ kinh thành lên Phù Vân Tự, núi Yên Tử, quyết chí xuống tóc nương nhờ cửa Phật từ bi để tránh điều vô luân, giữ tình huynh đệ và chung tình với Chiêu Thánh trong xa cách, yên tâm rửa sạch lòng phàm. Trên đường đi, Thái Tông bày tỏ lòng mình cho tùy tòng biết, ai nấy nghe đều khóc sướt mướt. Qua hai ngày trời trên đường trường vất vả, khi lặn lội suối sâu núi hiểm, lúc bỏ ngựa trèo non, đến ngày thứ ba mới lên đến đỉnh núi Yên Tử.
Sư trụ trì chùa Phù Vân và Thái Tông vốn là bạn cũ của nhau, bỗng dưng hôm nay thấy Thái Tông đến nơi này nên nhà sư hỏi thăm:
- Lão tăng ở nơi sơn dã đã lâu, xương gầy mặt võ, ăn rau đắng, nếm trái cây, chơi cảnh rừng, uống nước suối, lòng như mây nổi theo gió đến đây. Nay bệ hạ bỏ ngôi nhân chủ, tìm sự nghèo hèn nơi rừng núi, chẳng hay bệ hạ muốn cầu điều gì mà đến chốn này?
Thái Tông đáp:
- Trẫm đương trẻ thơ, mẹ cha vội mất, chơ vơ đứng trên dân chúng, không chỗ nương tựa, lại nghĩ đến sự nghiệp của đế vương thuở trước thay đổi bất thường, nên tìm đến núi này, chỉ muốn được thành Phật chứ không cầu gì khác.
Nhà sư mỉm cười đáp lại:
- Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm, nếu bệ hạ giác ngộ điều đó thì lập tức trở thành Phật, không cần khổ công tìm kiếm ở ngoài.
Trụ trì cảm thấy băn khoăn vì lòng Thái Tông có nhiều nỗi khổ thầm kín không thể nói ra, hơn nữa ngài là vua một nước, đất nước không thể một ngày không có vua, vậy nên nhà sư kín đáo sai người về kinh thành báo tin cho thái sư Trần Thủ Độ biết. Trần Thủ Độ ở Thăng Long như ngồi trên đống lửa vì nhà vua bí mật bỏ đi, khi nhóm sư tiểu chùa Phù Vân đến báo tin, thái sư vui mừng khôn xiết lập tức phóng ngựa dẫn theo bá quan văn võ lên Phù Vân Tử.
Con người tuy dưới vua nhưng vô cùng thao lược, có quyền nghiêng ngả cả thiên hạ nói với Trần Thái Tông với giọng đầy tôn kính:
- Bệ hạ đang đêm bỏ đi chơi núi không bảo thần một tiếng, thần hộ giá chậm trễ, xin bệ hạ khai ân!
Thái Tông nén giận đáp lời:
- Cả hai triều Lý, Trần không ai dám động đến ông. Vậy mà ông lại sợ ta sao?
Trần Thủ Độ quyết đoán đáp:
- Hồi bệ hạ, nhà Lý đã suy, dẹp đi để dân đỡ khổ. Nhà Trần thay thế để sông núi thái bình. Nếu nhà Trần không khéo léo giữ ngôi báu, nghìn kẻ nhảy ra tranh giành ngai vàng chém giết lẫn nhau, giày xéo bách tính, dân tình chết chóc khổ ải. Giặc Bắc nhân lúc loạn lạc tràn sang, nếu giang sơn xã tắc rơi vào tay ngoại bang thì trăm họ lầm than. Thần lo sợ như vậy.
Thái Tông lắng nghe rồi đáp:
- Dẫu ít tuổi nhưng trẫm cũng hiểu đôi điều. Ông không phải nói nữa.
Trần Thủ Độ rành rọt đáp ngay:
- Tâu bệ hạ, thần không thể không nói. Thần biết việc làm này ngày hôm nay có trăm nghìn kẻ chê, muôn đời sau vẫn vậy. Nhưng những chuyện thần làm đều không phải vì thần, những chuyện thần làm đều vì ngôi báu của bệ hạ.
BẠN ĐANG ĐỌC
HÀO KHÍ ĐÔNG A
Historische RomaneĐế quốc Mông Cổ tàn bạo hiếu chiến có tham vọng trở thành bá chủ thế giới. Để tiếp tục bành trướng xuống phía nam, Đại Việt trở thành mục tiêu xâm lược tiếp theo của chúng. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn được nhà vua trao cho Thượng phương bảo kiếm...