Ngột Lương Hợp Thai ba lần phái sứ giả đến Thăng Long dụ hàng vua Trần Thái Tông nhưng cả ba lần đều không có hồi âm, đợi mãi không được hắn ra lệnh xuất quân. Đầu năm 1258 đại quân của Ngột Lương Hợp Thai gần 5 vạn binh mã chia làm ba đội, Triệt Triệt Đô chỉ huy quân tiên phong, con trai của Ngột Lương Hợp Thai là A Truật giữ trung quân, còn bản thân Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy quân chủ lực đi ở phía sau, lần lượt theo ngả sông Thao tiến sâu vào lãnh thổ Đại Việt.
Kinh thành Thăng Long nhanh chóng nhận được tin cấp báo từ biên giới gửi về nhưng không vội phái quân đội đi ngăn chặn. Tuân theo kế hoạch ban đầu của Hưng Đạo vương, quân Đại Việt sẽ đợi giặc vào sâu trong lãnh thổ rồi mới đánh. Vua Trần Thái Tông và các tướng đã chọn Bình Lệ Nguyên làm chiến trường, đây là một đồng bằng rộng lớn nằm giữa sông Thao và sông Cà Lồ có nhiều rạch cắt ngang như những chiến hào thiên nhiên, thuận lợi cho việc ẩn quân chống giặc cũng như rút lui khi cần thiết. Triều đình muốn dựa vào địa hình bị chia cắt của nơi đây để dựng thành chiến hào thủy bộ ngăn chặn bước tiến kỵ binh Mông Cổ. Vua Trần Thái Tông lệnh cho Trần Khánh Dư đi thuyền vận chuyển người, ngựa và voi chiến đổ bộ lên Bình Lệ Nguyên ngay trong đêm dàn trận. Đích thân nhà vua dẫn theo sáu quân đoàn chủ lực là Thánh Dực, Thiên Thuộc, Thần Sách, Củng Thân, Chương Thánh và Thiên Vương, tổng cộng 8 vạn quân tham chiến. Trần Tử Đức chỉ huy quân Ngũ Yên giấu thuyền ở bến Lãnh Mỹ có nhiệm vụ đón bộ binh nếu thế trận trên bờ bất lợi. Để cho Trần Thủ Độ và Trần Quốc Tuấn cùng với quân đội gia nô ở lại bảo vệ Thăng Long, sẵn sàng di tản bá tánh trong kinh thành bất cứ lúc nào. Mọi thứ chuẩn bị đã xong, chỉ chờ bọn Ngột Lương Hợp Thai đến đánh.
Ngày 17 tháng 1 năm 1258 (dương lịch), trận quyết chiến đầu tiên giữa Đại Việt và Mông Cổ bắt đầu. Ngột Lương Hợp Thai sau khi hội quân với A Truật và Triệt Triệt Đô ở bên kia bờ sông đã lệnh cho quân Mông Cổ vượt sông đánh trực diện vào quân Trần. Y là một tên tướng cáo già, đích thân dẫn quân chủ lực vượt sông tấn công trực diện nhưng thực chất mục đích của cánh quân này chỉ là thu hút sự chú ý, đánh lạc hướng quân đội nhà Trần. Trước đó hắn đã phái A Truật dẫn quân vượt sông vòng ra phía sau lưng quân Đại Việt tập kích, còn Triệt Triệt Đô cũng được lệnh vượt sông, vòng ra phía sau lưng quân Đại Việt nhưng không đánh ngay mà phục kích sẵn ở phía bến Lãnh Mỹ chờ A Truật đánh vào hậu quân Đại Việt, quân Đại Việt trước sau đều bị Ngột Lương Hợp Thai và A Truật bao vây rối loạn thì bấy giờ Triệt Triệt Đô mới xông ra cướp thuyền chặn đường lui vua quân nhà Trần.
Mọi việc đều diễn ra đúng như dự tính của Ngột Lương Hợp Thai, ban đầu quân Đại Việt chiếm được thế thượng phong nhờ có tượng binh trợ chiến, quân Đại Việt đưa tượng binh ra đánh, dàn hình chữ "nhất" (一) che chắn cho bộ binh, đàn ngựa chiến Trung Á sợ voi chiến nên quay đầu bỏ chạy làm cho đội hình của giặc bị rối loạn.
Tuy nhiên quân Mông Cổ lại giàu kinh nghiệm chiến đấu nên không hề tỏ ra nao núng. Bọn chúng nhanh chóng ổn định lại đội hình. Là những cung thủ thiện xạ bách phát bách trúng, quân Mông Cổ đồng loạt nhắm vào mắt voi và quản tượng bắn tên, voi bị trúng tên lồng lên hoảng sợ, dẫm vào đội hình quân Đại Việt, giúp cho Mông Cổ lấy lại thế trận. Lúc này đến lượt quân Đại Việt bị hỗn loạn, bầy voi chạy càn giẫm đạp xé nát các cánh quân khiến cho quản tượng không thể kiểm soát, quân Đại Việt chỉ có thể chạy tránh, thế trận nghiêng hẳn về quân Mông Cổ.
BẠN ĐANG ĐỌC
HÀO KHÍ ĐÔNG A
Ficción históricaĐế quốc Mông Cổ tàn bạo hiếu chiến có tham vọng trở thành bá chủ thế giới. Để tiếp tục bành trướng xuống phía nam, Đại Việt trở thành mục tiêu xâm lược tiếp theo của chúng. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn được nhà vua trao cho Thượng phương bảo kiếm...