Câu chuyện 21: Hy sinh mất mát

31 3 0
                                    

Trên đường tiến đến Thăng Long, Thoát Hoan ra lệnh cho quân lính ra sức tàn phá làng mạc, cướp bóc lương thực, của cải của bá tánh. Bắt được ai có chữ "sát Thát" trên tay thì chúng đều giết chết. Quân Nguyên tiến đến bờ sông Hồng thì nhìn thấy ở bờ bên kia quân Đại Việt đã dựng lên một phòng tuyến bằng gỗ vô cùng vững chắc có thuyền chiến đậu san sát, Thoát Hoan không ra lệnh tấn công ngay mà cho quân đóng trại để dò xét động tĩnh.

Tại Thăng Long, vua Trần Nhân Tông sốt ruột muốn biết tình hình quân địch bên sông thế nào nên cử Đỗ Khắc Chung làm sứ giả sang trại giặc để thám thính binh tình. Đỗ Khắc Chung lấy cớ là sứ giả đưa thư xin cầu hòa của vua Trần Nhân Tông để vượt sông, đến doanh trại của Ô Mã Nhi.

Tên tướng giặc xem thư xong thì lên giọng hạch hỏi:

- Quốc vương ngươi vô lễ, sai người thích hai chữ "sát Thát" tỏ ý khinh thường thiên triều, còn hòa cái gì?

Đỗ Khắc Chung vén tay áo cho Ô Mã Nhi xem rồi nói:

- Đấy là do lòng căm phẫn nên quân lính đã tự thích vào hai chữ ấy, chứ Quốc vương không biết được. Nếu là lệnh bề trên, tôi là người hầu cận, sao lại không có?

Ô Mã Nhi lại vặn tiếp:

- Đại quân ở xa đến, sao quốc vương ngươi không đến tiếp kiến, lại còn dám kháng cự? Thật đúng là bọ ngựa dám chống xe!

Khắc Chung đối đáp:

- Bức bách nhau quá, loài thú cũng phải cắn lại, huống gì là người.

Cứ như thế, Khắc Chung ứng đối rất rạch ròi, câu nào ra câu nấy, khiến cho Ô Mã Nhi không thể bắt bẻ, sau đó thì Đỗ Khắc Chung đường hoàng cáo từ ra về, khiến Ô Mã Nhi thán phục.

Khi Khắc Chung đi rồi, Ô Mã Nhi quay sang nói với tùy tùng:

- Chúng nó đang bị uy hiếp mà lời lẽ vẫn tự nhiên, không hạ chủ mình xuống, mà cũng không nịnh ta. Nước này có những người như thế, chưa dễ đã chiếm được.

Ô Mã Nhi hữu dũng vô mưu không hiểu được ý đồ của Đỗ Khắc Chung sang doanh trại của hắn có mục đích là để thám thính, khi tùy tùng của y nhắc thì hắn mới nhận ra. Ô Mã Nhi lật đật phái một đội quân đuổi theo bắt Đỗ Khắc Chung nhưng đã muộn.

Về đến kinh thành, Đỗ Khắc Chung đem những chuyện mắt thấy tai nghe ở doanh trại quân Nguyên kể lại cho vua và thượng hoàng biết. Nhận thấy thế giặc còn mạnh, hai vua quyết định rút khỏi Thăng Long. Để có thời gian rút lui, vua Trần Nhân Tông phái hai sứ giả là Trần Thang và Nguyễn Nhuệ đến trại Thoát Hoan cầu hòa, nhưng tên tướng giặc này không cần hạch hỏi lôi thôi mà bắt giam cả hai vị sứ giả, hắn đòi phải đích thân vua Trần Nhân Tông sang trại nghị hòa.

Thượng hoàng Thánh Tông nhận tin hồi báo rầu rĩ ôm đầu. Từ lúc Thoát Hoan dẫn quân sang giày xéo bách tính Đại Việt, hai vua chưa một ngày được an giấc. Thế giặc mạnh như cuồng phong, chỉ trong 10 ngày đã san bằng tất cả cửa quan, chiến lũy, hàng vạn chiến sĩ đã ngã xuống ở Nội Bàng, Vạn Kiếp, cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con cái mất cha, bá tánh lầm than, dân chúng cơ cực, sinh linh đồ thán. Giờ đây lũ giặc cướp nước đã đánh đến tận thành Thăng Long, thế nước nguy nan.

HÀO KHÍ ĐÔNG ANơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ