Tuy thất bại trong lần xâm lược năm 1258 nhưng Mông Kha vẫn nuôi ý định thâu tóm Đại Việt để Đế quốc Mông Cổ bành trướng xuống phía Nam, nhưng đến năm 1259 hắn bị giết chết trong trận chiến với nước Tống. Ngôi Hãn bỏ trống khiến hai em trai của Mông Kha là Hốt Tất Liệt và A Lý Bất Ca tranh giành lẫn nhau, A Lý Bất Ca được hội đồng Kurultai ủng hộ trong khi Hốt Tất Liệt tự xưng hoàng đế Mông Cổ, đem quân tấn công A Lý Bất Ca, gây nên cảnh nồi da nấu thịt. Tình hình nội bộ bất ổn nên Hốt Tất Liệt chưa thể tính đến chuyện xâm lược Đại Việt, hắn sai người đưa thư sang Đại Việt hứa hẹn sẽ không gây hấn nữa nếu Đại Việt tiến cống đầy đủ.
Vua Trần Thánh Tông nhượng bộ và đồng ý ba năm tiến cống cho Mông Cổ một lần để tránh chiến tranh. Nhưng những yêu sách của Hốt Tất Liệt đưa ra ngày càng vô lý. Hắn cử một viên quan gọi là Đạt Lỗ Hoa Xích sang giám sát mọi mặt của Đại Việt. Để tình hình bớt căng thẳng, vua Trần Thánh Tông chấp thuận để viên quan này đến Thăng Long. Tuy nhiên khi tên này đến Thăng Long thì luôn có người theo sát từng bước nên hắn không do thám được gì và cũng không thể can dự vào việc triều chính của Đại Việt.
Sau khi dẹp yên nội loạn và chính thức làm hoàng đế Mông Cổ, Hốt Tất Liệt lộ rõ dã tâm muốn thâu tóm Đại Việt. Năm 1267, hắn gửi thư đòi vua Trần Thánh Tông phải thực hiện 6 điều: Phải sang Mông Cổ chầu; phải gửi con hoặc em sang làm con tin; phải nộp sổ kiểm kê dân số; phải cho người đi quân dịch cho Mông Cổ; phải nộp thuế; ép vua Trần Thánh Tông phải để cho viên quan Đạt Lỗ Hoa Xích thay quyền thống trị Đại Việt.
Với những đòi hỏi thái quá như vậy vua Trần Thánh Tông đương nhiên cự tuyệt. Hốt Tất Liệt muốn lấy đó làm cớ xuất binh "chinh phạt", nhưng lúc này y vẫn đang giao tranh với nhà Tống nên không thể tiến đánh Đại Việt. Đến năm 1271, Hốt Tất Liệt chiếm được phía Bắc nước Tống, đổi tên nước là Đại Nguyên, từ đây quân Mông Cổ gọi là quân Nguyên. Hốt Tất Liệt viết chiếu thư đòi vua Trần Thánh Tông phải sang Bắc Kinh chầu và đòi tìm cột đồng Mã Viện (nhằm làm nhục Đại Việt). Thánh Tông lấy cớ đang bệnh trong người nên không thể đi xa được, cột đồng Mã Viện đã bị thất lạc từ lâu nên không tìm được. Tình hình ngoại giao của hai nước diễn ra như vậy trong nhiều năm. Hốt Tất Liệt luôn nghĩ ra những hạch sách, bắt ép, tìm cớ xâm lược, còn Trần Thánh Tông khéo léo từ chối, nhượng bộ nhưng đôi khi cứng rắn với nhà Nguyên, không để cho chúng được nước làm tới.
Đến năm 1278, Trần Thánh Tông lên làm thái thượng hoàng, nhường ngôi cho thái tử Trần Khâm, tức vua Trần Nhân Tông. Một năm sau đó xảy ra sự kiện quan trọng thay đổi cục diện trung nguyên và ảnh hưởng trực tiếp đến Đại Việt. Triều Tống tận diệt trong trận thủy chiến Nhai Môn, nhà Nguyên hoàn toàn làm chủ Trung Hoa.
Sau khi tiêu diệt nhà Tống, Hốt Tất Liệt muốn tiếp tục nam tiến mở rộng đế quốc. Đại Việt trở thành mục tiêu tiếp theo, y từ lâu đã xem Đại Việt là cái gai trong mắt, mối thù bao năm nhức nhối muốn nhổ bỏ từ lâu.
Nghe tin vua Trần Nhân Tông lên ngôi, nhà Nguyên sai Sài Thung sang Đại Việt hạch hỏi, âm mưu khơi màu chiến tranh. Sài Thung cậy mình là "sứ giả thiên triều", vào đến Thăng Long tỏ thái độ ngang tàng, hống hách, cưỡi ngựa đi thẳng vào tận cung điện, quân sĩ cản lại thì bị hắn dùng roi ngựa quật chảy máu đầu.
BẠN ĐANG ĐỌC
HÀO KHÍ ĐÔNG A
Ficción históricaĐế quốc Mông Cổ tàn bạo hiếu chiến có tham vọng trở thành bá chủ thế giới. Để tiếp tục bành trướng xuống phía nam, Đại Việt trở thành mục tiêu xâm lược tiếp theo của chúng. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn được nhà vua trao cho Thượng phương bảo kiếm...