P1.10. Đông châu

16 3 0
                                    


Chân ngựa giẫm lên đất trước cổng nhà, Nguyên tiểu thư vội vã nhảy xuống, nước mắt từ đâu ào ạt xả ra, vừa chạy vừa kêu lớn: Cha! Cứu người! Cha ơi!

Long Phi Dạ chắn ở cửa, bừng bừng tức giận. Nguyên tiểu thư - đại công chúa - hốt hoảng sựng lại, nhưng nỗi sợ bị đánh đòn nhanh chóng bị hình ảnh trên thảo nguyên dập tắt, công chúa nắm lấy vạt áo Long Phi Dạ, giật mạnh: Mẹ, có người sắp chết! Mau đi cứu người!

Lửa trong đầu Long Phi Dạ càng cháy rừng rực. Long Phi Dạ nắm cổ tay công chúa: Con lại gây chuyện gì rồi? Nhìn áo quần mặt mũi kìa, có ra người nữa không?

Công chúa một mực kêu khóc, nhất định bảo đi. Long Phi Dạ sinh nghi, bàn với Nguyên Triệt thử xem thế nào.

Hai cha con ngồi chung ngựa, quần đảo mấy vòng chỉ thấy thảo nguyên trống trải. Nguyên Triệt hỏi đi hỏi lại, công chúa vẫn không nhận là nói dối. Công chúa khóc hết nước mắt, ăn uống tắm rửa xong thì bị phạt cấm túc trong phòng.

Nguyên Triệt xót con nhưng biết Long Phi Dạ cũng quá lo lắng mà thôi. Từ khi quân kinh thành tới, cả hai đã nhất trí hạn chế tối đa việc ra ngoài, song công chúa tính tình phóng khoáng, không bỏ thói quen rong ruổi được, vài ngày lại lén dẫn ngựa đi chơi.

Khi biết người bị thương trong câu chuyện của công chúa là thái tử điện hạ thì đại quân triều đình đã áp sát Đông châu.

Hoàng tử Nguyên Khải lãnh Chính Hoàng kỳ, buộc phải lập công chuộc tội. Nhậm Nhất Hiệp được điều làm phó tướng. Đông châu có hai lựa chọn, một là chuyển giao chính quyền tự trị lại cho hoàng gia, quy thuận làm tỉnh lỵ, hai là chịu san bằng dưới vó ngựa, coi như cầu an cho thái tử.

Nhậm Nhất Hiệp đã lường trước việc ra sa trường, chỉ là không ngờ tình thế xoay chuyển thành căng thẳng một mất một còn. Dẹp phỉ chẳng qua là trừ phiến loạn, nếu phải đánh với Đông châu, nội binh 49 bộ hợp lại tương đương một cánh quân trong ngũ quân kỳ*, dằng dai chưa biết khi nào mới xong.

Nhậm Nhất Hiệp tiếp chỉ, nghĩ ý định đưa người dạo chơi chưa thực hiện được thì bứt rứt không yên. Hắn nhìn Tiết Thiệu cúi đầu xếp đặt tư trang cho mình, từ lúc thái giám đến truyền chỉ chẳng nói câu nào, cũng nhịn không khóc, liền đau lòng không kìm được mà ôm lại ngồi xuống ghế. Tiết Thiệu khép tay ngồi trên đùi hắn, tròng mắt ửng đỏ trĩu nước. Hắn siết mỏm vai mỏng mảnh: Em nhớ ngủ đủ giấc.

Tiết Thiệu cắn môi, khẽ gật đầu.

- Nước ngâm chân đừng để nguội quá sẽ không có tác dụng, ra ngoài phải mang hai đôi vớ, quần áo phải...

Tiết Thiệu nấc lên, tựa đầu lên ngực hắn. Giá mà chỉ đi tiễu phỉ thông thường, hắn sẽ tìm cách đưa Tiết Thiệu theo.

Nhưng khói lửa trước mắt chưa biết thế nào, không thể liều được, hắn vuốt ve mái tóc Tiết Thiệu: Lát nữa xếp thêm một đôi vớ của em.

Tiết Thiệu ngước nhìn. Hắn nói: Giống như em đi cùng ta vậy.

Nhậm Nhất Hiệp không ngờ rằng khi đại quân rầm rập đến nơi thì chẳng thấy kẻ địch đâu, chỉ có vài kỵ mã ít ỏi ra tiếp, phía trước một hàng bốn người lẫn lộn người lớn trẻ con bị trói quỳ dưới đất, có vẻ là một gia đình.

Nam nhân ngẩng đầu hô lớn: Hạ dân không quản con cái, khiến thái tử gặp nạn, trọng tội đáng chết, xin hoàng đế nghiêm trị. Nhậm Nhất Hiệp hiểu ngay là mấy kẻ đã gây hoạ cho thái tử, quay sang chờ lệnh thì thấy Nguyên Khải thoáng kinh động, tay siết chặt dây cương, rất nhanh đã nhảy khỏi ngựa tới quỳ trước mặt nam nhân kêu: Hoàng thúc!

Sắc mặt Nguyên Triệt lặng như tờ: Hạ dân thân phận thấp kém, không dám mạo phạm.

Nguyên Khải nhăn nhó, lại gọi "hoàng thúc", nhìn đại công chúa quỳ bên cạnh gọi "hoàng muội", thét lên: Cởi trói! Cởi trói cho ta!

Nhậm Nhất Hiệp rơi vào một mớ bòng bong. Hoàng tử không muốn đánh nữa, nhưng vừa ngưng binh vừa không lấy quyền tự trị của Đông châu thì không được. Dù sao Nguyên Khải cũng là người của hoàng thất, hoàng đế có thể mắt nhắm mắt mở cho qua, đến lúc ấy tội nợ sẽ đổ lên đầu hắn.

Nhậm Nhất Hiệp nhìn Nguyên Khải bồi hồi trò chuyện với Nguyên Triệt, tìm cách khuyên nhủ: Hoàng tử, việc đã đến nước này nên báo tin về triều để hoàng đế định liệu, hoàng tử không thể tự quyết được.

Nguyên Khải đồng ý, viết thư gửi về kinh.

Nhậm Nhất Hiệp lại đề xuất diệt tận gốc thổ phỉ, trước là trừ hoạ cho dân, sau là hoàn thành trách nhiệm với hoàng đế, không thể kéo dài từ ngày này sang tháng khác. Nguyên Khải cũng đồng ý.

Nhậm Nhất Hiệp ra quân rất mẫn cán, hạ kiếm lạnh lùng, đuổi cho bọn phỉ co cụm vào sâu trong núi, hãn hữu mới ra ngoài kiếm ăn. Song địa thế hiểm trở, dễ phòng khó phá, cũng ngắc ngứ mãi không tiến công vào sào huyệt được.

Nhậm Nhất Hiệp tích cực không hẳn để lập công. Ban đầu hắn cũng có ý định đó, nhưng ngồi giữa lều trại ở một nơi xa lạ, suy nghĩ của hắn chỉ loanh quanh nhớ một người. Hắn nhét đôi vớ của Tiết Thiệu vào ngực áo, mỗi lần thay y phục đều mang theo. Hắn muốn mau chóng trở về.

Tiết Thiệu ở nhà cũng không yên, có hơi hối hận vì trước lúc chồng đi đã hờ hững quá. Ra vào cả ngày không thấy bóng thì lòng dạ cồn cào, luyện thư pháp cũng không tập trung được.

Tiết Thiệu suy đi tính lại, về nhà mẹ gặp Lễ bộ sự: Thưa cha, con muốn tới Đông châu.

Nhậm Nhất Hiệp không thể ở mãi trong doanh trại, thỉnh thoảng cũng ruổi ngựa trên thảo nguyên hoặc vào chợ. Hắn không chơi bời, chỉ xem xét mấy thứ đồ kỹ nghệ nhỏ, muốn tìm thứ gì đẹp mắt làm quà nhưng mãi không ưng ý. Dân chợ thấy hắn kén chọn bèn trêu, Hay là mua quách vài vò rượu đãi phu nương, Đông châu có thức rượu đặc sản rất đậm đà.

Nhậm Nhất Hiệp cho là nói chơi, mỉm cười lắc đầu, đang định lên ngựa trở về thì nghe tiếng gọi: Bánh bao nhỏ!

Hắn giật mình quay lại. Một chiếc xe hàng dừng trước tửu quán, từ trong quán một cô bé chừng tám tuổi chạy ra, mẫu nương theo sau.

Hắn đứng sững nhìn. Người đó mang khăn che mặt nhưng đôi mắt và giọng nói thì không lẫn vào đâu được. Hắn thốt lên khe khẽ.

- Từ Tấn!

*Ngũ quân kỳ: Chế độ quân đội chia làm 5 cánh quân: 

- Chính Hoàng kỳ: Quân chủ lực, nắm giữ biên ải, thường do hoàng đế/thái tử làm thống soái, cờ hiệu màu vàng,

- Chính Hồng kỳ: Chuyên trách bảo hộ kinh thành, cờ hiệu màu đỏ,

- Chính Hắc kỳ: Chuyên về tình báo, ám sát, đảm trách các sự vụ đặc biệt, cờ hiệu màu đen,

- Chính Bạch kỳ: Quân binh nông, thường trực tại các tỉnh lỵ, khi thái bình rèn luyện binh kỹ kết hợp tăng gia sản xuất, sẵn sàng ra trận khi có lệnh, cờ hiệu màu trắng,

- Chính Lam kỳ: Đội cơ động xử lý các sự vụ đột xuất, cờ hiệu màu xanh lam.

|JunZhe48| Phu nương của taNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ